Vào mùa gặt, khắp đường làng, sân nhà, đâu đâu cũng vàng óng, thơm nức mùi rơm mới. Mùi hương mộc mạc, bình dị ấy gợi cho ta nhớ về những ký ức tuổi thơ với bao điều thân thuộc.
Mùa gặt, nhà nhà nhộn nhịp, bà con dậy sớm hăng hái ra đồng đông vui như ngày hội. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, những thảm lúa vàng được gặt xong, còn lại những gốc dạ chụm thành hình chóp nón tạo nên bức tranh quê sống động và đẹp đến lạ kỳ.
Những bông lúa trĩu hạt từ đồng ruộng theo đường làng, ngõ xóm về nhà hoặc những khoảng sân rộng để tuốt. Trong tiếng rền vang của máy nổ, những hạt thóc chắc nịch, vàng óng tuôn ra đều đặn.
Sau mùa gặt, từ hàng rào, sân nhà, góc vườn tràn ngập rơm vàng quyện hương lúa mới thơm nồng. Lúa nếp được nhặt từng bông, dùng bát ăn cơm cạo lấy hạt để làm giống cho vụ sau, rơm thì bó gọn, phơi khô để gác bếp, rồi đem ra chuốt từng sợi bện thành những chiếc chổi quét nhà hoặc để lợp mái nhà, mái bếp.
Ngoài ra, rơm nếp còn dùng để chế biến bánh gio, xôi tím – món ăn đặc trưng dân dã của người Tày…
Để có được mẻ rơm vàng, khi chất đống không hoai mục, người nông dân phải phơi phóng cẩn thận. Nếu chẳng may gặp trời mưa, rơm sẽ chuyển sang mùi ngai ngái, nồng nồng, sau đó mọc lên những cây nấm màu xám xinh xinh đầy thú vị. Nếu được thưởng thức món nấm rơm, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được vị ngọt của nấm và hương vị của rơm đậm đà khó quên.
Khi những mẻ rơm khô đủ độ sẽ được đánh thành đống để dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò hoặc làm chất đốt phục vụ sinh hoạt…
Thông thường, người ta chọn chỗ đất khô ráo, dùng một cây dài cắm xuống đất làm trụ rồi trải rơm khô từng lớp quanh trụ, dậm đều để nén chặt từng lớp một cho đến khi rơm cao đến ngọn trụ.
Quanh ụ rơm, đám gà con ríu rít theo chân mẹ miệt mài nhặt tìm những hạt lúa sót vương vãi trên nền đất, mấy chú gà trống thì nhảy tót lên đống rơm, vươn cổ gáy vang gọi mặt trời.
Còn lũ trẻ thì ẩn nấp quanh gốc cây rơm, lấy rơm trùm lên người để chơi trò trốn tìm, sau một hồi nhảy lên tụt xuống trên đống rơm, chúng rủ nhau ngồi tết những con búp bê bằng rơm xinh xắn.
Ở quê, ngoài củi ra thì rơm còn là chất đốt quen thuộc trong nhà bếp. Muốn bếp cháy liên tục phải luôn tay lùa rơm vào và cào tro ra. Từng nắm rơm bén lửa bùng lên, cháy vèo rồi tắt ngóm nếu không kịp thêm nắm mới. Sơ ý để tắt bếp là phải thổi phồng má, bụi tro bay mù mịt.
Ngày nay, đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu sử dụng rơm làm chất đốt, chăn nuôi không còn nhiều, rơm được người dân xử lý bằng biện pháp đốt ngay tại ruộng hoặc trên các trục đường giao thông. Làng quê mùa gặt, rơm vẫn ngập đường đi, thoang thoảng mùi quen thuộc, đầy ắp những kỷ niệm về quê nhà thân thương.