Dân Việt

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch - Bài 2: Mưu sinh đủ nghề

Mỹ Quỳnh 12/07/2021 13:00 GMT+7
Với Chỉ thị 16, TP.HCM yêu cầu người dân ở nhà chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, đóng cửa nhà hàng, quán ăn, các điểm karaoke, phương tiện lưu thông công cộng, tạm dừng quán ăn mang về, hoạt động vé số… Do đó hàng ngàn người lao động phải nghỉ việc, rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn...

Trong 15 ngày cách ly xã hội đợt này (từ 0h ngày 9/7), TP.HCM quyết tâm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hoạt động xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 để cơ bản tầm soát và tách hết F0 ra khỏi cộng đồng, xây dựng vùng an toàn, thu hẹp dần đến xóa vùng nguy cơ cao.

Để thực hiện được điều này, TP yêu cầu người dân phát huy tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch" và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16.

Nỗi khổ của những người phụ nữ đơn thân

Theo ghi nhận của chúng tôi, nếu những gia đình có đầy đủ vợ chồng gặp phải khó khăn một thì trường hợp những người phụ nữ đơn thân, khó khăn của họ nhân lên gấp mười. Vì nhiều lý do khác nhau, họ phải chấp nhận việc đơn thân mưu sinh và nuôi nấng con cái, cuộc sống chưa bao giờ hết vất vả nên lại càng chồng chất khó khăn khi đại dịch bùng phát.

Trong căn phòng nhỏ chưa đến 10m2 tại hẻm 168 TL16 (phường Thạnh Lộc, quận 12), chị Nguyễn Thị Thanh (21 tuổi, nguyên quán TP.HCM) cho biết, hiện tại chị sống một mình nuôi 2 con nhỏ, một đứa 4 tuổi và đứa gần 2 tuổi.

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch Covid -19 Bài 2: Mưu sinh đủ nghề để vượt qua khó khăn - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thanh trong căn phòng rộng chỉ tầm 10m2, chẳng có vật dụng gì giá trị. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Thanh kể, mẹ mất sớm, bố đi bước nữa, em bán vé số từ năm lên 10 để tự lo cho cuộc sống. Thanh không được học hành, lấy chồng sớm và sinh được 2 con thì tan vỡ. Ba của hai đứa bé không có trách nhiệm nên một mình Thanh gồng gánh mưu sinh để nuôi con. Ngoài ra, vì không biết chữ, không có giấy tờ tùy thân nên tới bây giờ hai con của Thanh vẫn chưa có giấy khai sinh.

"Ngày thường, em gửi đứa lớn cho hàng xóm, chở đứa nhỏ trên xe đạp đi khắp nơi để bán vé số. Dịch bùng phát, em sợ nguy hiểm cho con nên phải gửi, thấy em khổ quá nên họ chỉ lấy 40 ngàn đồng mỗi ngày. Mấy hôm nay, vé số bị dừng bán, em hoàn toàn bất lực vì không biết xoay sở thế nào. Tiền trọ em chưa đóng, xin khất lại chừng nào có vé số bán thì em mới có tiền trả, trong người còn vài trăm nghìn để lo ăn uống cho con" – Thanh buồn giọng.

Clip: Nguyễn Thị Thanh chia sẻ về cuộc sống của mình trong mùa dịch Covid-19. (Thực hiện: Mỹ Quỳnh)

Tương tự, chị Võ Thu Hà (ngụ Thạnh Xuân, quận 12) cũng là người mẹ đơn thân nuôi 5 người con nhờ vào nghề vé số. Trong đó, đứa con lớn vừa học bổ túc vừa đi làm bánh để phụ chị tiền nhà, còn lại 4 đứa nhỏ đều đang học các lớp 10, 7, 3 và đứa út năm nay vào lớp 1.

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch Covid -19 Bài 2: Mưu sinh đủ nghề để vượt qua khó khăn - Ảnh 4.

Chị Võ Thu Hà cho biết, mỗi ngày đi nhặt ve chai chị bán được khoảng mười mấy ngàn để lo ăn uống cho các con. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Theo chị Hà, thường ngày đi bán vé số cũng chật vật để lo ăn uống, sinh hoạt cho 6 mẹ con. Nay vé số phải ngừng bán, chị chuyển qua nhặt ve chai, hái rau dại ở gần khu vực để sống qua ngày. "Các con đang tuổi ăn tuổi lớn nên mỗi ngày phải nấu 2kg gạo, thức ăn thì xin được gì ăn cái đó. Có người thấy hoàn cảnh tội nghiệp thì cho con cá, mớ rau. Đợt dịch vừa rồi tôi cũng xin được khoảng mấy chục kg gạo, để dành ăn dần chờ qua dịch...", chị Hà nói.

Nhìn hai đứa con gái nhỏ đang hồn nhiên chơi trong phòng trọ, chị Hà thở dài: "Cầu trời cho mau hết dịch để còn đi làm, kiếm sống. Chứ dịch cứ kéo dài, không biết phải xoay sở ra sao".

Mưu sinh đủ nghề để vượt khó

Trước ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, trên đường đi, tình cờ chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Năm (82 tuổi, quê Thừa Thiên – Huế) đang từng bước chậm chạp trên con hẻm nhỏ trong phường Thạnh Lộc (quận 12). Bà Năm cho biết, đang đi "xin", ai cho gì thì lấy để kiếm cái ăn chờ qua dịch.

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch Covid -19 Bài 2: Mưu sinh đủ nghề để vượt qua khó khăn - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Năm bật khóc khi chia sẻ về người con trai nuôi 16 tuổi, phải mưu sinh đủ nghề để nuôi mẹ già trong mùa dịch bệnh. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết bà Năm hiện đang sống cùng người con trai nuôi 16 tuổi làm nghề "thợ đụng", ai thuê gì thì làm đó. Thời gian này, công việc của con không ổn định, thu nhập bấp bênh nên mỗi ngày bà đều đi xung quanh khu vực xem đơn vị từ thiện nào cho nhu yếu phẩm để xin. Vừa lau nước mắt, bà Năm vừa chia sẻ: "Thương lắm cô ơi, nó đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải làm đủ nghề để kiếm tiền nuôi mẹ, cái gì cũng dành cho mẹ. Tôi thương đứt ruột đứt gan, nhưng tuổi cao sức yếu không làm gì được".

Ghi nhận trong khu vực, trong những ngày này, tại các quận, huyện trong TP, người lao động đi thu mua ve chai giảm hẳn. Tuy nhiên, trong nhiều con hẻm nhỏ, một vài người vẫn bám trụ với nghề này để lo cho cuộc sống.

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch Covid -19 Bài 2: Mưu sinh đủ nghề để vượt qua khó khăn - Ảnh 6.

Chị H.T.T. nhặt ve chai tại một con kênh ở Gò Vấp. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Trước ngày TP.HCM giãn cách xã hội một ngày, chúng tôi bắt gặp chị H.T.T (ngụ phường 6, Q.Gò Vấp) đang nhặt ve chai tại con kênh nhỏ trong phường 17 quận Gò Vấp. "Tôi tranh thủ đi thu mua, nhặt nhạnh ve chai để kiếm thu nhập, chứ ở nhà nóng ruột quá. Ngày nào không đi làm là chết ngày đó, lấy cơm đâu mà ăn, tiền đâu mà đóng trọ" – chị H.T.T cho biết.

Chị H.T.T cho biết, trước đây chị làm phụ bếp trong một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Gò Vấp. Từ khi trường đóng cửa nghỉ dịch, chị cũng thất nghiệp ở nhà. "Cứ tưởng như các đợt khác, khoảng nửa tháng đến một tháng là dịch được khống chế và hoạt động trở lại, ai mà ngờ đợt này diệt hoài chưa hết, càng ngày càng tăng thêm. Ở nhà khoảng nửa tháng tôi thấy không ổn, nên đã lấy 100 tờ vé số đi bán, nhưng không có kinh nghiệm, bán chẳng ai mua mà đi muốn rụng cả chân. Sau đó, tôi đổi qua đi nhặt và thu mua ve chai sống tạm qua ngày...", chị T. nói. 

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch Covid -19 Bài 2: Mưu sinh đủ nghề để vượt qua khó khăn - Ảnh 7.

Theo chị H.T.T, đi từ sáng tới tối cũng kiếm được khoảng 50.000-60.000 đồng vì các cửa hàng đều nghỉ dịch nên không có ve chai để thu mua. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)


Tương tự, hai vợ chồng anh Bùi Văn Trung (25 tuổi, quê Thái Bình) đều làm trong xưởng gia công ví da, túi xách, do dịch bùng phát, các cửa hàng phải đóng cửa, công nhân cũng không có việc làm. Để kiếm sống, hai vợ chồng xin đi dán tờ rơi, cứ 1 – 2h sáng bắt đầu đi làm, đến 5-6h sáng thì trở về. Mỗi đêm, hai người dán được hơn 200 tờ, mỗi tờ được trả 1.000đ.

"Công việc này rất vất vả nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng để có tiền trang trải. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây thành phố áp dụng Chỉ thị 16, công ty không phát giấy nữa, vợ chồng tôi thất nghiệp, không có thu nhập. Chúng tôi lo lắng nên chạy kiếm việc làm, nhưng không xin được vì bây giờ đóng cửa cả rồi", anh Trung nói.

Chia tay chúng tôi, anh Trung cho biết vài ngày tới anh sẽ vay mượn tiền bạn bè để sống tạm qua ngày. Chờ dịch ổn định, hai vợ chồng tìm kiếm công việc để mưu sinh.