Lao động nghèo chật vật trong những khu nhà trọ mùa Covid-19
TP.HCM kiên cường trong tâm dịch - Bài 1: Đời lao động nghèo trong những khu trọ chật hẹp
Mỹ Quỳnh
Thứ hai, ngày 12/07/2021 06:00 AM (GMT+7)
UBND TP.HCM đã quyết định thực hiện cách ly toàn TP theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ 15 ngày từ 0 giờ ngày 9/7. Nhiều gia đình lao động nghèo, người bán vé số, làm thuê bị "thất nghiệp" phải chấp nhận cảnh vất vả, thiếu thốn trong những khu nhà trọ chật hẹp, chờ ngày hết dịch…
Sáng 11/7, ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy đường phố Sài Gòn vắng lặng người, không còn cảnh người bán vé số, xe ôm… mưu sinh như thường ngày. Thỉnh thoảng có tiếng còi hú của xe cấp cứu chuyển bệnh nhân vào bệnh viện hoặc xe của lực lượng phòng chống dịch lưu thông trên đường.
Có mặt tại dãy trọ nằm sâu trong con hẻm nhỏ (số 21 đường TL16, Tổ 5, KP3C, phường Thạnh Lộc, quận 12) trưa cuối tuần, chúng tôi gặp rất nhiều người lao động đang thất nghiệp "nằm dài" ở nhà trọ. Họ là những công nhân, thợ hồ và cả những người buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ bị đóng cửa. Đặc biệt, rất nhiều người bán vé số, chạy xe ôm phải ở trong nhà tránh dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Trong căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 12m2 nhưng gia đình chị Lê Thị Hoa (32 tuổi, quê ở Phú Yên) có đến 4 người sinh sống (gồm hai vợ chồng, 1 đứa con nhỏ và một người em). Tiết trời Sài Gòn mấy hôm nay nắng gắt khiến căn phòng nhỏ càng oi bức hơn. Ôm đứa con gái nhỏ chưa tròn 1 tuổi vào lòng để vỗ về giấc ngủ trưa chị Hoa cho biết, chị và nhiều người trong dãy trọ này là công nhân của một công ty may mặc trên địa bàn quận 12.
"Trước đây, sau giờ làm ở công ty, ai cũng lấy thêm hàng về gia công thêm tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống lúc ấy rộn ràng, vui vẻ, nhưng đợt dịch lần này căng quá, hàng hoá không lưu thông được, công ty phải tạm đóng cửa nên anh chị em công nhân phải ở nhà.
Cả tháng nay chúng tôi không có việc làm, ở nhà chờ công ty gọi nhưng không thấy tín hiệu gì. Ba ngày qua, TP áp dụng chỉ đạo mới nên các tài xế xe tải, xe ôm, người bán vé số… cũng phải ở nhà. Thế là cả dãy trọ này toàn người thất nghiệp", chị Hoa ngậm ngùi nói.
Cũng theo chị Hoa, nhà nào không có trẻ con thì đỡ vất vả, ăn uống qua loa cho hết ngày. Còn những gia đình có con nhỏ thì vất vả trăm đường. Ngoài tiền thuê nhà và điện nước thì sữa, tã cho con cũng là một gánh nặng. "Tiết kiệm cỡ nào thì mỗi tháng cũng phải chi 5-6 triệu đồng cố định, trong khi đó thu nhập không có, xin việc khác cũng không được. Tiền tích lũy không còn, chúng tôi phải vay mượn đỡ người thân, bạn bè để sống qua ngày. Dịch mà kéo dài thêm vài tháng nữa là không biết bám víu vào đâu mà sống…", chị Hoa thở dài.
Anh Thắng (chồng chị Hoa) làm nghề phụ xe khách cũng phải nghỉ việc cả tháng nay, vì tuyến xe khách công ty khai thác đang ngừng hoạt động do dịch Covid-19. Theo anh Thắng, thời gian qua cũng có một vài người ghé hỏi thăm đời sống người lao động, nhưng chưa thấy ai hỗ trợ gì.
"Đã nhiều ngày nay, không riêng gì gia đình tôi mà nhiều nhà khác cũng phải thắt chặt chi tiêu, có gì ăn đó, thậm chí ngày ăn hai bữa để tiết kiệm. Mà bữa ăn cũng có gì đâu, khi thì rau luộc, khi thì cá khô, có ngày ăn toàn mì tôm…", anh Thắng kể.
Dù không có việc làm, nhưng gia đình chị Hoa cũng như nhiều người khác không thể về quê (Phú Yên) tránh dịch. Phần vì lo sợ việc di chuyển trên xe cộ có khả năng bị lây nhiễm Covid-19, không an toàn, phần vì trở về địa phương sẽ phải cách ly 21 ngày theo quy định. "Về quê mà phải cách ly thì thà ở trong này, ăn mắm ăn muối chờ qua dịch rồi tính tiếp. Chứ về quê không giải quyết được gì còn làm khổ gia đình, người thân", chị Hoa thở dài.
Lay lắt chờ ngày hết dịch
Cách dãy trọ phía trên không xa, trong con hẻm 168 phường Thạnh Lộc cũng có nhiều hoàn cảnh thương tâm, gặp khó khăn trong cơn đại dịch lần này.
Vừa lau rửa cho người mẹ bị liệt nằm một chỗ, anh Nguyễn Văn Được (SN 1983) kể, trước đây anh đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền trang trải hàng ngày. Hơn 4 năm nay mẹ anh đổ bệnh, tài sản trong nhà bán hết để chữa trị cho mẹ nhưng bệnh tình không đỡ, mẹ anh bị liệt phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác. Từ đó, anh đã nghỉ công việc để ở nhà lo chăm sóc mẹ.
Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương phụ hồ ít ỏi của anh trai và chị dâu. Thế nhưng do dịch Covid-19, gần đây nhiều công trình ngưng thi công. Người anh trai đi tìm việc nhiều nơi nhưng ngày có ngày không. Còn chị dâu đi phụ quán ăn cũng phải nghỉ việc do quán đóng cửa nên khó khăn chồng chất.
"Bản thân tôi bị sỏi mật, sỏi thận, nhiều khi đau đớn không chịu nổi nhưng không có tiền đi khám bác sĩ, chỉ mua thuốc giảm đau uống cho qua cơn đau. Chúng tôi sống ở khu vực vùng ven, không ai biết mình khó khăn để đến hỗ trợ. Bây giờ, bữa đói bữa no qua ngày, nhờ cậy xóm giềng giúp đỡ, cứ sống lay lắt chờ hết dịch rồi tính tiếp chứ biết sao bây giờ…", anh Được nói.
Ở nhà trọ gần đó là gia đình bà Tư Lan (64 tuổi, quê Vĩnh Long) làm nghề phụ quán, rửa bát thuê để mưu sinh. Dịch bùng phát, bà không có việc làm để kiếm tiền, trong khi đang chăm sóc người chồng bị tai biến nằm một chỗ và đứa cháu ngoại chuẩn bị vào lớp 1. Theo lời bà Tư Lan, con gái bà sau khi sinh con không may qua đời bỏ lại đứa cháu cho bà nuôi, còn người con rể (bố cháu bé) bỏ đi đâu không rõ…
Clip: Bà Tư Lan chia sẻ về cuộc sống khó khăn trong mùa dịch. (Thực hiện: Mỹ Quỳnh)
Bà Tư Lan tâm sự, hiện gia đình đang sống dựa vào đứa cháu ngoại khác năm nay tròn 18 tuổi đang làm phụ hồ. Tuy nhiên, lương phụ hồ của cháu bà cũng chỉ gần đủ trang trải tiền nhà và điện nước và mua tã cho ông ngoại (tiền tã 300.000 đồng/tháng). Ăn uống trong ngày đều dựa vào hàng xóm và xã hội, nghe ai nói ở đâu có cơm từ thiện, có cho gạo, cho mì hay rau củ… thì dù xa đến mấy bà cũng ráng đi xin, đỡ được bữa nào hay bữa đó. Có hôm bà đạp xe lên gần bệnh viện quận 12 (khoảng 7km) để xin được 5kg gạo và 1 thùng mì. Đợt giãn cách vừa rồi, ATM gạo của phường Thạnh Lộc có cho người dân 2kg gạo, mấy quả trứng và 2 gói mì nên ngày nào bà cũng qua xin.
"Sống tạm chờ qua dịch chứ biết sao bây giờ. Hôm qua nghe nói chính quyền sẽ hỗ trợ cho những gia đình nghèo tôi nhưng giờ vẫn chưa thấy. Cả xóm trọ này ai cũng đợi và mong được nhà nước giúp đỡ bà con nghèo sống qua cơn dịch…", bà Tư Lan nói.
Theo Trung tâm Báo chí TP.HCM, công tác hỗ trợ người khó khăn trong giai đoạn áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã tiếp nhận và phân phối từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TP đã chi 3 tỷ 900 triệu đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu (300.000 đồng/phần) cho người già yếu, hộ khó khăn.
Riêng chính sách hỗ trợ một số đối tượng mất việc làm, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết, TP.HCM có 230.000 lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, 80.000 lao động mất việc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người, các hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn trong việc thực hiện Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc quận 12 và các khu phong tỏa khác được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ. Tính từ ngày 6/7/2021 đến nay, TP đã hỗ trợ cho trên 40.000 lao động tự do, 20.000 người bán vé số dạo trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.