Người đàn ông hơn 40 năm vá áo mưa cho người nghèo
Người đàn ông hơn 40 năm vá áo mưa cho người nghèo
Doanh Doanh
Chủ nhật, ngày 11/07/2021 10:37 AM (GMT+7)
Tại chợ Đông Ba - ngôi chợ nổi tiếng ở Huế và miền Trung, hơn 40 năm qua có một người đàn ông hàng ngày cần mẫn với nghề nghe xa lạ với cuộc sống hiện đại - nghề vá áo mưa. Khách hàng của ông toàn là những người có hoàn cảnh khó khăn, thợ với khách hàng đến với nhau bằng sự sẻ chia, đồng cảm.
Ai đi ngang qua gian hàng gần trụ sở Ban Quản lý chợ Đông Ba (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) sẽ thấy quầy hàng nhỏ ở một góc chợ không biển hiệu với đủ loại áo mưa cũ. Đó là gian hàng vá áo mưa của ông Lâm Thành Tý (73 tuổi) - người thợ vá áo mưa duy nhất còn sót lại ở chợ Đông Ba cũng như ở tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông Tý kể, ngày nay nghe đến nghề vá áo mưa ai cũng cảm thấy lạ hoắc, bởi xã hội hiện đại người ta thường vứt bỏ những chiếc áo mưa bị rách, không còn giá trị sử dụng. "Nhưng với những người nghèo thì lại khác. Với họ, việc vá lại những chiếc áo mưa bị rách để tiếp tục sử dụng sẽ tiết kiệm được số tiền mà có khi làm cả ngày mới kiếm được", ông Tý chia sẻ.
Ngày nào cũng thế, ông Tý ngồi vá áo mưa tại chợ từ sáng cho đến 7-8 giờ tối mới về nhà. Bên góc chợ, người đàn ông mái tóc hoa râm cẩn thận soi kĩ từng lỗ thủng, rách của những chiếc áo mưa để vá lại. Đồ nghề của ông gồm dao, kéo, mỏ dùi và những miếng nilon dùng để dán những lỗ thủng, rách trên áo mưa.
Sau khi đo vết rách trên một chiếc áo mưa, ông cắt miếng nilon vừa vặn đặt chồng lên chỗ bị rách. Sau đó ông dùng mỏ dùi tì chặt xuống và kéo thành một đường thẳng. Nhiệt độ từ mỏ dùi khiến nhựa nilon nở ra, miếng dán gắn chặt vào chỗ rách.
Người ta thường hay gọi ông là ông Tý "5K", bởi vá mỗi chiếc áo mưa, ông chỉ lấy 5.000 đồng, bất kể chiếc áo mưa có bị rách, thủng cả chục lỗ. "Những người mang áo mưa đến vá đều là người nghèo, họ cũng chắt chiu, tiết kiệm từng đồng nên mình chỉ lấy từng đó. Nhiều người quá nghèo không có tiền trả tui sẵn sàng miễn phí. Dù thu nhập bèo bọt nhưng tui rất hạnh phúc vì duy trì được cái nghề mình gắn bó mấy chục năm nay", ông Tý chia sẻ.
Ông Tý kể, khoảng mươi năm trước, ở chợ Đông Ba có 3, 4 người thợ vá áo mưa. Theo thời gian, vì thu nhập thấp và vì sức khỏe không cho phép, nên những người khác đều đã bỏ nghề.
Nhiều khách hàng của ông Tý gọi là người "vá áo tàu ngầm". Tôi hỏi lý do, họ bảo, bởi những chiếc áo mưa sau khi được ông Tý vá nó chắc chắn giống như tàu ngầm, không thể thấm nước.
"Chiếc tàu ngầm bị thủng, nước thấm vào thì rất nguy hiểm. Còn chiếc áo mưa bị thủng, nước thấm vô sẽ làm người mặc bị ướt. Những chiếc áo mưa tui vá đều chắc chắn như chiếc tàu ngầm vậy, bảo đảm không thấm nước, thấm nước thì tui trả lại tiền cho khách hàng", ông Tý nói rồi cười hiền hậu.
Xã hội ngày càng hiện đại, số người đến vá áo mưa chỗ ông Tý theo thời gian càng ít dần. Thời gian qua ông phải làm thêm việc may giày dép, sửa dù, mũ bảo hiểm để kiếm thêm thu nhập.
"Dù khách hàng vá áo mưa ngày càng ít nhưng tui vẫn không bỏ nghề. Giờ tui không vá áo mưa nữa thì bà con nghèo khi áo mưa bị rách sẽ phải sắm áo mưa mới, như vậy họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tui nghèo nên tui rất thấu hiểu những khó khăn của người nghèo như mình", ông Tý tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.