Trong ngôi nhà khang trang còn thơm mùi vôi vữa, đẹp nhất nhì bản người Dao Khuổi Cấp, tôi và Triệu Văn Trình ngồi cả buổi trưa tâm sự về mô hình nuôi cá hồi nơi rừng núi hoang vu, nói về mơ ước thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no cho bản làng.
Triệu Văn Trình tâm sự, trên đỉnh Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) chủ yếu là đồng bào người Dao sinh sống. Do thiên nhiên khắc nghiệt, mùa đông rất lạnh nên cuộc sống của phần lớn bà con ở đây còn rất khó khăn.
Trình luôn đau đáu tìm hướng đi thoát nghèo cho bản thân và bà con trong bản. Do vậy, Trình đã tìm hiểu, học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các mô hình phát triển kinh tế.
Thấy tiềm năng khí hậu của địa phương phù hợp với việc nuôi cá hồi, Trình đã mạnh dạn sang Sa Pa (Lào Cai) để học tập kinh nghiệm, tự nghiên cứu mô hình xây bể nuôi cá.
Suốt thời gian từ năm 2011 đến 2015, Trình đã đến một số cơ sở nuôi cá hồi để quan sát, ghi chép kinh nghiệm, cách nuôi và trực tiếp theo dõi quá trình chăm sóc cá hồi.
Khi đã tự tin với kiến thức, Trình chọn khu vực thôn Khuổi Cấp, cách đỉnh Mẫu Sơn khoảng 5km để nuôi cá hồi. Theo Trình, nơi đây có nguồn nước từ khe suối tự nhiên chảy quanh năm nên rất thuận lợi cho việc nuôi cá hồi.
Bước đầu, gia đình Trình đầu tư gần 400 triệu đồng vào việc xây dựng bể, kéo điện thắp sáng, xây nhà trông cá, mua máy bơm nước, thức ăn chăn nuôi cá hồi...
Hiện tại, Trình bán cá hồi với giá 400.000 đồng/kg cho các nhà hàng tại Lạng Sơn và du khách tham quan trên khu du lịch Mẫu Sơn. Vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ, khách lên khu du lịch đông, có lúc số lượng cá không đủ cung cấp cho nhu cầu của nhà hàng.
Từ đó, Trình cùng nhiều hộ dân trong bản phát triển mô hình này, từng bước cùng nhau thoát nghèo và làm giàu.
Đồng bào Dao rất giỏi về nghề thuốc, có nhiều bài thuốc dân gian, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Do vậy, Trình đã cùng một số bà con sưu tầm những bài, những vị thuốc để chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho bà con trong bản và phục vụ du khách lên Mẫu Sơn du lịch.
"Người Dao mình được núi rừng thiên nhiên ưu đãi cho những cây thuốc vị thuốc quý nên trộm vía ai cũng khỏe. Mình muốn ai lên chơi, hay làm khách của người Dao mình cũng có sức khỏe tốt như mình thôi. Cộng đồng khỏe là mình vui mà, có khỏe mới chơi được với nhau lâu bền và cùng nhau tăng gia sản xuất để kiếm tiền cho bản giàu đẹp được chứ", Trình tâm sự.
Trình hào hứng chia sẻ, tương lai nơi đây thành khu du lịch cấp quốc gia, có cáp treo lên tới đỉnh Mẫu Sơn thì nghề thuốc của đồng bào Dao còn phát triển nữa.
Do vậy, Trình muốn có một xưởng chế biến thuốc tắm của người Dao để có một lượng thuốc tắm lớn và chuẩn để phục vụ du khách. Phát triển sản phẩm du lịch này sẽ là một giải pháp thoát nghèo bền vững cho bà con ở Mẫu Sơn.
Tuy nhiên, Trình cũng rất lo lắng. Từ ngày dịch Covid-19 xuất hiện ở Lạng Sơn, nhiều bà con chưa hiểu rõ về dịch bệnh, nhiều người lại chủ quan nghĩ rằng "ở tít tận trên đỉnh núi thì dịch bệnh làm sao tới được".
Vậy nên, Trình đã chủ động tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu về phòng chống dịch Covid-19. Bây giờ, bà con đã nghe ra và làm theo vận động của Trình.
"Giờ bà con trong bản ai cũng tuân thủ 5K. Cứ đi ra ngoài, đi chợ bán nhựa thông, đi bán cá cũng đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng nghiêm túc lắm chứ không như ngày trước nữa đâu", Trình chia sẻ cùng với nụ cười lấp lánh niềm vui.
Ông Vi Văn Thanh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: "Triệu Văn Trình là một nông dân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng dân tộc Dao trên đỉnh Mẫu Sơn. Những người như anh Trình sẽ là tấm gương tiêu biểu cho bà con học tập, cùng nhau xây dựng cuộc sống khỏe mạnh, ấm no".