Ròng rã 5 năm, ông Hợi và con trai đào đất, phá đá dẫn nước từ khe núi Lũng Báng về làm ao, thủy điện; vận chuyển trên đôi vai trần hàng chục tấn vật liệu, thép gai qua quãng đường dốc gần 2km lên núi làm nhà ở, chuồng trại, rào chắn…
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, ông Nguyễn Xuân Hợi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Yên lại lên làm việc ở trang trại thay phiên cho con trai.
Tiếc đất “vàng” bỏ phíTừ năm 1976, khu đất bìa rừng ở chân núi Miễu đã được các xã viên của HTX Mỹ Trạng khai phá trồng chè. Sau gần 20 năm tồn tại, HTX Mỹ Trạng giải thể, diện tích trồng chè được chia cho các xã viên quản lý. Cách xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, dần dần vùng đất này chỉ còn lau sậy, sim mua...
Năm 1995, ông Hợi xuất ngũ về địa phương thấy vùng đất chân núi Miễu bỏ hoang, ông vận động những xã viên được chia đất trước đây nhượng lại. Ngày ngày cơm nắm muối vừng, ông Hợi cày cuốc để trồng trọt.
Năm 1998, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ xóm, rồi Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Yên. “Tham gia công tác địa phương, công việc bận rộn, tính đi tính lại tôi đành tạm gác công việc trang trại…”- ông Hợi nhớ lại.
Làm Chủ tịch Hội ND, thấy bà con quê mình hết mùa cấy, gặt lại kéo nhau đi làm thuê, ông bèn vận động bà con khai thác thế mạnh đất đai để phát triển kinh tế hộ. Song, không ít người bảo: “Chủ tịch Hội còn bỏ trang trại để làm cán bộ, sao giờ lại động viên chúng tôi làm?”. Câu nói ấy khiến ông chạnh lòng, nhưng ông thấy bà con nói đúng.
"Mô hình của ông Hợi cổ vũ phong trào phát triển kinh tế trang trại trong xã. Ông Hợi là tấm gương trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người học Bác ở từng việc làm...”. Bà Chu Thị Nhì - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên
|
Hiểu suy tư của bố, Nguyễn Tuyên Huấn - con trai út của ông, khi ấy mới 18 tuổi tình nguyện lên núi Miễu tiếp tục thực hiện những phần việc trang trại còn dở dang. Ngày nghỉ, ông Hợi mua lương thực, vật dụng cần thiết lên thay phiên cho con. Cứ vậy, suốt 5 năm, hai cha con ông như những con ong thợ cần mẫn thiết kế trang trại.
Đất hoang cho tiền Theo con đường mòn chỉ vừa lối đi vắt qua suối Cái, ngược đèo Vòi Voi, chúng tôi lên trang trại của cha con ông Hợi. Vùng đất rộng 6ha giờ đã màu mỡ trở lại, với trên 2.000 cây lim xanh (ông trồng khoán cho Vườn quốc gia Tam Đảo) đã cao quá đầu người. Những khoảng đất trống ông trồng khoai, sắn, đậu tương. Đàn vật nuôi trong trang trại là lợn rừng, dê, trâu, bò, gà ta và năm nay mới có thêm cá. Tôi hỏi ông về thu nhập, ông bảo: Làm nông nghiệp lợi nhuận thấp.
Ngoài công trồng, chăm sóc rừng cho Vườn quốc gia Tam Đảo khoảng 10 triệu đồng/năm, trang trại cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm, đủ trang trải chi tiêu cho gia đình. Nhưng cái được lớn nhất là trang trại đã có hệ thống hàng rào, đường nước, thủy điện, ao, chuồng nên từ năm nay chi phí sẽ giảm, lợi nhuận sẽ tăng dần. “Tôi đang chuẩn bị thuê máy xúc làm một con đường nhỏ cho xe máy từ dưới làng lên tận trang trại, để việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi” - ông Hợi nói.
Văn Hiến - Dương Hưng ( Văn Hiến - Dương Hưng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.