Đó là tinh thần chống dịch của người dân "thủ phủ" vải thiều Lục Ngạn khi Bắc Giang trở thành điểm nóng của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Sáng (ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn) cho biết, thời điểm thu hoạch vải thiều, dù Lục Ngạn không thuộc diện phải giãn cách xã hội hay phong tỏa, trên địa bàn cũng không có trường hợp F1 nhưng người dân vẫn thực hiện nghiêm túc quy định của tỉnh, huyện để bảo vệ bằng được vùng vải thiều an toàn trước dịch bệnh.
"Chúng tôi vẫn nói vui, muốn vào được vùng vải, mọi người phải vượt qua 5 chốt, chốt của tỉnh, của huyện, chốt của xã, thôn, thậm chí là chốt của từng gia đình. Chúng tôi quán triệt với nhau không có việc gì cấp bách thì tuyệt đối không sang nhà nhau tâm sự, mọi việc trò chuyện, trao đổi chuyển sang online" - ông Sáng cho biết.
Tỉnh Bắc Giang có kế hoạch duy trì ổn định tổng diện tích trồng vải thiều toàn tỉnh năm 2022 khoảng 28.100ha; mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; mở rộng diện tích mã số vùng trồng cho các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Nhưng điều không ai có thể lường trước được là khi bước vào chính vụ thì "vành đai thép" bị chọc thủng bởi ổ dịch bùng phát tại thôn Bằng Công, xã Kiên Thành ngày 15/6 do lây nhiễm từ khu cách ly.
Lúc đó, toàn huyện mới tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng vải, tương đương 70.000 tấn.
Nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng là rất lớn khi Lục Ngạn đang bước vào thời điểm thu mua vải thiều vô cùng sôi động.
Chỉ sau ca đầu tiên, Lục Ngạn đã trở thành ổ dịch cộng đồng lớn nhất tỉnh với 167 trường hợp F0, hơn 750 F1, gần 2.400 F2.
Nếu trong điều kiện bình thường, huyện Lục Ngạn buộc phải thực hiện cách ly xã hội. Nhưng bằng những giải pháp khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh, huyện Lục Ngạn vẫn tiêu thụ hết 145.000 tấn vải thiều với giá bán khoảng 22.500 đồng/kg, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ của huyện vụ này đạt 4.000 tỷ đồng, tương đương năm 2020.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, trong bối cảnh dịch Covid-19 rất phức tạp, vụ vải thiều năm 2021 của tỉnh đã vô cùng thành công.
Tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều toàn tỉnh đạt trên 215.000 tấn, tăng trên 50.000 tấn so với vụ năm 2020. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ của tỉnh Bắc Giang đạt trên 6.800 tỷ đồng.
Giá bán vải thiều Bắc Giang bình quân cả vụ ước đạt 19.800 đồng/kg; tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt trên 126.000 tấn (chiếm khoảng 58,6%) và xuất khẩu trên 89.000 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ).
Vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông…
Vải thiều Bắc Giang năm nay được người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức và một số nước EU… đánh giá cao về chất lượng.
Giá xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động từ 30.000 - 55.000 đồng/kg; riêng ở các nước Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan… giá bán ở mức rất cao, từ 350.000 - 450.000 đồng/kg.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, mùa vải thiều năm nay có sản lượng, chất lượng cao nhất trong những năm gần đây. Sản lượng tiêu thụ vượt mục tiêu so với kế hoạch, kịch bản ban đầu đề ra.
Chất lượng quả vải được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao, tiêu thụ thuận lợi cả trong và ngoài nước. Kết quả này vượt kỳ vọng, mục tiêu của Bắc Giang.
Để đạt được kết quả này là nhờ tỉnh sớm xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều ngay từ đầu vụ với 3 kịch bản, phương án tiêu thụ cụ thể, điều hành linh hoạt.
Trong đó, Bắc Giang chủ động khơi thông các thị trường đã có ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, lần đầu tiên, sản phẩm vải thiều được xúc tiến tiêu thụ mạnh mẽ ở thị trường nội địa với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và các sàn thương mại điện tử, không chỉ tiêu thụ được 60% sản lượng vải thiều, Bắc Giang còn tiêu thụ hơn 20.000 tấn dứa, hơn 18.000 tấn dưa; hơn 25.000 tấn rau...