Dân Việt

TP.HCM kiên cường trong tâm dịch - Bài 4: Bên nhau những ngày gian khó

Mỹ Quỳnh 13/07/2021 18:30 GMT+7
Chưa bao giờ tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân tại TP.HCM được phát huy mạnh mẽ như thời điểm đại dịch Covid-19 hiện nay.

Trăn trở vì một ánh mắt

Không phải chờ đến lúc TP.HCM trở thành tâm dịch thì những mạnh thường quân mới làm công tác thiện nguyện. Đã từ lâu nay, hoạt động từ thiện trở thành nét đẹp không thể thiếu trong cuộc sống thành phố mang tên Bác. Bất kể mùa nào, dù nắng hay mưa thì các nhóm thiện nguyện vẫn lặng lẽ hỗ trợ, giúp đỡ người dân nghèo.

TP.HCM: Kiên cường trong tâm dịch Bài 3: Bên nhau những ngày gian khó - Ảnh 8.

Những người vô gia cư đang dừng chân trước cổng chùa Bồ Đề được anh Nguyễn Văn Châu tặng quà trong đêm 11/7. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tinh thần tương thân tương ái lại càng được nhân rộng, đâu đâu cũng thấy kêu gọi hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau. Người có ít góp ít, có nhiều góp nhiều. Trong đó, có đủ các hình thức giúp đỡ để chia sẻ khó khăn với những mảnh đời kém may mắn trong mùa dịch.

Khoảng 23h đêm 12/7, đường Sài Gòn vắng hoe, thi thoảng có vài người lao động trở về sau một ngày mưu sinh vất vả. Ngay phía trước chùa Bồ Đề (đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh), vài người đang nán lại, tìm chỗ nghỉ ngơi vì không có nhà cửa. Lúc này, một người đàn ông chở thùng đồ đi tới, dừng xe và mang tặng mỗi người một ít quà, đồng thời nhắn nhủ mọi người cẩn thận, cố gắng vượt qua đại dịch Covid-19.

Người đàn ông này là ThS. KTS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc công ty Tỷ Lệ Vàng (154 Nơ Trang Long, Bình Thạnh), anh thường xuyên đi trao quà cho người nghèo dọc các tuyến đường trong mùa dịch Covid-19. Dù đã làm rất nhiều chương trình từ thiện, nhưng trong đợt dịch Covid-19 lần này khiến anh Châu có nhiều cảm xúc nhất.

TP.HCM: Kiên cường trong tâm dịch Bài 4: Bên nhau những ngày gian khó - Ảnh 6.

Hình ảnh người đàn ông vô gia cư tá túc tạm trước nhà dân để chờ trời sáng. (Ảnh: NVCC)

Trong một lần đi tặng quà trên phố, anh gặp người thanh niên khoảng 30 tuổi, mặc áo sơ mi lịch sự nhưng lại đang lục tìm đồ ăn trong thùng rác trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5). Được tặng quà, cậu thanh niên lau vội bàn tay, run run, không đứng vững. "Cậu ấy nhìn tôi với ánh mắt chất chứa đầy sự khó khăn, bất lực xen lẫn sự cảm động, biết ơn. Ánh mắt ấy khiến tôi không thể nào quên, cứ trăn trở hoài và nghĩ rằng mình cần cố gắng hơn nữa để giúp họ, bởi có rất nhiều người đang cần chúng tôi…"

"Có thể nói, giai đoạn lịch sử này đã làm mọi thứ thay đổi. Quan điểm sống, khái niệm sống thay đổi hết, chỉ đọng lại tình người, con người với nhau. Dù công việc này rất vất vả và nguy hiểm trong lúc dịch bệnh phức tạp, nhưng ai trong chúng tôi cũng hiểu rằng đây là lúc cần hành động để san sẻ, chia bớt gánh nặng với họ, giúp họ vững tin để vượt qua đại dịch"- anh Châu nói.

TP.HCM: Kiên cường trong tâm dịchBài 3: Bên nhau những ngày gian khó - Ảnh 1.

Gian hàng 0đ của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ TP.HCM tại Trường Tiểu học Lại Hùng Cường, đường Liên ấp 123, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. (Ảnh: Kim Sáng)

Đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn

Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP.HCM hiện có hàng chục bếp ăn từ thiện đang ngày đêm đỏ lửa để nấu những phần cơm dinh dưỡng gửi cho người nghèo, người công tác tại các khu cách ly, người ở tuyến đầu chống dịch. Có thể kể đến như bếp từ thiện Nhơn Hòa (huyện Bình Chánh), bếp ăn cô Bảy (quận 2), bếp Nụ cười (Bình Thành), bếp ăn của nhiều cá nhân và nhà chùa trong thành phố...

Ngoài ra, TP cũng có hàng trăm điểm tổ chức gian hàng 0 đồng, tập hợp thực phẩm, quần áo, hóa mỹ phẩm… cho người cần và cũng có hàng trăm nhóm từ thiện, ngày đêm phân bổ khắp nẻo đường để hỗ trợ người dân…

TP.HCM: Kiên cường trong tâm dịch Bài 4: Bên nhau những ngày gian khó - Ảnh 3.

Người đàn ông nán lại để nói lời cám ơn các mạnh thường quân. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Theo chị Kim Thảo (phụ trách bếp Chị Em tại quận 11), mỗi ngày bếp từ thiện của chị chuẩn bị 1.200 phần cơm để gửi cho người khó khăn. Trong đó, bữa trưa có 800 phần cơm mặn và 300 phần cơm chay, bữa tối có 100 phần cơm mặn. Theo chị, mỗi hộp cơm là một câu chuyện gắn với một cuộc đời, trong đó, có nhiều câu chuyện rất nghẹn ngào.

"Tôi không thể nào quên được hình ảnh cả xóm người già neo đơn tại quận 11 phải nhịn đói 2 ngày cho đến khi chúng tôi tìm đến, ai cũng rưng rưng, rơi nước mắt. Tôi cũng không quên được hình ảnh người mẹ bật khóc khi con mình được ăn cây xúc xích nhóm gửi tặng...", chị kể.

Cô Trần Thị Nhung (Bí thư Chi bộ tại KP3C, phường Thạnh Lộc, quận 12) cho biết, ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu như ai cũng gặp khó khăn. Gặp và chứng kiến nhiều cảnh khó khăn của người lao động, cô rất trăn trở.

TP.HCM: Kiên cường trong tâm dịch Bài 4: Bên nhau những ngày gian khó - Ảnh 4.

Thực phẩm tiếp tế cho các khu cách ly tại KP3C, phường Thạnh Lộc, quận 12 gồm rau muống, trứng cút, thịt heo và các basa Nhật. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Để chia sẻ với họ, cô Nhung cùng hội phụ nữ khu phố đứng ra quyên góp, xin rau củ và nhu yếu phẩm... chăm sóc cho các khu cách ly, các khu trọ có hoàn cảnh khó khăn. Cô nói: "Phường Thạnh Lộc là khu vực vùng ven, khó tiếp cận được các nguồn hỗ trợ nên khi nhận được tiếp tế, họ mừng lắm. Trong số đó có nhiều gia đình bị phong toả, không có tiền phải ăn chung gói mì cho qua ngày, rất hoàn cảnh."

Cũng theo cô, trong sáng nay (13/7), cô đã đi đã trao gần 50 phần thực phẩm bao gồm: Thịt heo, cá basa Nhật, trứng cút và rau muống cho người dân tại 3 điểm phong toả.

TP.HCM triển khai hệ thống tiếp nhận phản ánh đề nghị cứu trợ khó khăn

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM vừa công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội của hệ thống Mặt trận Thành phố các số điện thoại tiếp nhận phản ánh của nhân dân về đề nghị hỗ trợ đối với các trường hợp khó khăn do dịch Covid-19, nhằm đảm bảo không để sót, lọt bất cứ người dân nào phải chịu cảnh khó khăn, đói khổ.

Theo đó, số điện thoại của MTTQ TP.HCM là: 028.38 223 212 và 028. 38 293 958.

Người dân trên địa bàn thành phố phát hiện những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt cần hỗ trợ; người dân gặp khó khăn nằm ngoài 6 nhóm đối tượng chịu tác động do Covid-19 được hỗ trợ trong gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của thành phố, có thể thông tin đến các số điện thường trực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn.