Một tháng không về nhà, nữ điều dưỡng ăn cơm với con qua... điện thoại
TP.HCM kiên cường trong tâm dịch - Bài 3: Một tháng không về nhà, nữ điều dưỡng ăn cơm với con qua… điện thoại
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 13/07/2021 07:00 AM (GMT+7)
Xúc cơm ra chén, chị vừa ăn vừa nói chuyện với cô con gái nhỏ. Bé gái tíu tít: "Mẹ ơi mẹ về chưa, tụi con đang ăn trưa nè, mẹ ăn với tụi con nha mẹ". Rồi cả nhà cùng "đút ăn online" cho nhau.
Chị Nguyễn Ngọc Sen, điều dưỡng viên của Bệnh viện Da liễu TP.HCM xung phong đến trung tâm cách ly tập trung phòng, chống Covid-19 tại ký túc xá Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã hơn một tháng nay.
Một ngày của chị và các đồng nghiệp bắt đầu từ 6h sáng, phân chia công việc, gồm đo nhiệt độ, cập nhật tình trạng sức khỏe người cách ly, nhập số liệu, làm báo cáo, chia phần cơm, nhu yếu phẩm cho người vào cách ly, hỗ trợ lấy mẫu, làm vệ sinh các khu vực và "tác chiến" khi có ca dương tính hay tiếp nhận thêm người mới đến…
7h, mặc bộ đồ phòng hộ, chị Ngọc Sen đi đo thân nhiệt cho mọi người trong khu vực được phân công và báo cáo bác sĩ về những trường hợp đặc biệt, bất thường. Tiếp đến, chị chuẩn bị nước, khẩu trang, túi rác để phân phát cho người cách ly theo danh sách các khu, sau đó đi tiếp nhận thức ăn và phát cho mọi người theo danh sách, số phòng.
Xong xuôi mọi việc, chị vừa ăn sáng, vừa cập nhật sinh hiệu theo từng bệnh nhân, xử trí bất thường theo y lệnh rồi tiếp tục đi lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân theo từng khu vực. 10h30, chị Ngọc Sen đi như bay đến nơi giao, nhận thùng đựng rác. Chị cười: "Ai cũng vậy cả. Điều dưỡng hay bác sĩ cũng phải làm những việc này. Nếu không, sẽ khó đảm bảo an toàn".
12h30 trưa, chị Ngọc Sen mới có đôi chút thời gian cho riêng mình. Cởi bộ đồ bảo hộ, lau sơ mồ hôi, lưng áo ướt sũng, chị tranh thủ ăn chút cơm để tiếp tục làm công việc buổi chiều. Vừa múc cơm, chị Ngọc Sen vừa kể: "Tôi có hai con, đứa lớn chín tuổi, đứa nhỏ sáu tuổi, đều gửi lại cho chồng và mẹ. Mình là phụ nữ, vắng nhà nhiều ngày cũng chộn rộn lắm, nhưng mỗi bữa cơm, thấy bà cháu quây quần, lòng cũng nhẹ nhàng đôi chút".
Từ sáng tinh mơ đến tối muộn, chị Ngọc Sen chỉ tranh thủ chút giờ trưa để "đoàn tụ" với gia đình. Cô con gái 9 tuổi của chị ríu rít qua màn hình: "Mẹ ơi mẹ về chưa, tụi con đang ăn trưa nè, mẹ ăn với tụi con nha mẹ", rồi cả nhà cùng "đút ăn online" cho nhau.
30 phút nghỉ trưa quý giá trôi qua, chị lại tất bật với các hồ sơ cách ly cho những bệnh nhân khỏi bệnh, khử khuẩn phòng ốc, tiếp nhận bệnh nhân mới và tiếp tục vòng xoay đo thân nhiệt, lấy mẫu, đưa cơm… cho từng phòng bệnh.
Có những đêm, mọi người cùng nhau làm việc đến 0h, nhận được lệnh báo là mọi người đều vào vị trí của mình, thời gian không được cố định.
"Nhiều lần trao đổi công việc mọi người cũng có giận dỗi, nóng nảy và căng thẳng nhưng sau đó ai cũng nghĩ rằng mình cần phải cố gắng hơn nữa. Xong ca làm việc, chúng tôi cùng chia sẻ, động viên để lấy lại tinh thần chiến đấu", chị Sen cho biết.
Nửa đêm vẫn chưa hết việc
Cũng tất bật không khác gì chị Sen, điều dưỡng Phạm Hồng Phẩm kể: "Nhiều ngày đến 0h15 xe chở bệnh mới tới. Trời thì mưa, nhìn từ lái xe đến bệnh nhân đều mệt mỏi, chúng tôi chỉ có thể cố gắng làm càng nhanh càng tốt để họ có thời gian nghỉ ngơi. Bạn lái xe còn rất trẻ, gương mặt đẫm mồ hôi, giao bệnh nhân cho chúng tôi xong phải tiếp nhận luôn 5 bệnh nhân có triệu chứng để chuyển xuống Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Chắc cũng phải 2h sáng mới đến nơi".
Điều dưỡng Phẩm cho biết, mỗi người vào đây cách ly là một câu chuyện khác nhau. Khi là đôi vợ chồng cũng gần 60 tuổi dắt nhau cùng vào cách ly, nhưng ấn tượng nhất với chị là bé 6 tuổi đi cách ly cùng cha mẹ. Nhà bé ở Bình Tân, mẹ làm công nhân vệ sinh, bố làm thuê, khi xuống đón bệnh nhân dưới xe, chị xúc động khi thấy em bé đang nằm ngủ say sưa. Mẹ bé nói, được thông báo đi cách ly từ chiều mà chờ mãi không có xe, bé nằm tạm rồi ngủ luôn. Khi được dẫn lên phòng cách ly, bé vừa ôm gói đồ vừa gà gật ngủ…
Sắp xếp xong các công việc thì trời cũng cũng gần rạng sáng, các nhân viên y tế mới tranh thủ ngả lưng trước khi ngày mới bắt đầu. Vất vả là thế nhưng không ai nản lòng, bỏ cuộc. Chị Sen tâm sự: "Đáp lại công sức của những y bác sĩ đang ngày đêm căng mình chiến đấu với dịch Covid-19 là niềm hạnh phúc vô bờ khi chứng kiến hàng chục bệnh nhân được công bố "âm tính rồi, âm tính rồi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.