Dân Việt

Phí logistics tăng một cách khó hiểu, nguy cơ mất khách hàng Mỹ-EU, doanh nghiệp ngành tiêu than trời

P.V 13/07/2021 17:12 GMT+7
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thời gian gần đây, Mỹ, EU chuyển hướng sang mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Doanh nghiệp oằn mình gánh phí logistics tăng một cách khó hiểu

Sau khi nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp, ngày 09/7/2021, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có văn bản gửi các Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ NNPTNT, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phản ánh về việc cước vận chuyển tăng quá cao trong thời gian qua.

Theo VPA, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 155.000 tấn, kim ngạch đạt 500 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020, lượng xuất khẩu giảm 7% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 41%. 

Lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm ngoài yếu tố sản lượng năm 2021 giảm, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì chi phí logistics là nguyên nhân chính gây ra rất nhiều những khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp.

STTNội dung thanh toánCont 20’

 

(USD)
Cont 40’

 

(USD)
Đơn vị thu
1Cước vận chuyểnHãng tàu
2Phí xếp dỡ120180Hãng tàu
3Niêm chì99Hãng tàu
4Chứng từ5050Hãng tàu
5An ninh1515Hãng tàu
6Phụ phí xăng dầu100200Hãng tàu
7Phụ phí mùa cao điểm5001000Hãng tàu
8AMS/ENS3535Hãng tàu
9Nâng container rỗng2437Cảng
10Hạ container hàng2437Cảng

 Mỗi container hàng xuất sẽ bao gồm các chi phí trên. (Nguồn: VPA).

Theo tổng hợp từ các doanh nghiệp, giá cước vận chuyển đi các thị trường trọng điểm nhập khẩu hồ tiêu từ tháng 1/2021 cho tới tháng 6/2021 luôn trong chiều hướng tăng với biên độ rất cao và không có dấu hiệu ngừng lại với lý do chính hãng vận chuyển đưa ra là hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thiếu hụt container.

"Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ; sản lượng container thông qua cảng Việt Nam quý I/2021 đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thông tin thiếu container rỗng từ các hãng tàu đưa ra là hoàn toàn không chính xác" - VPA thông tin.

Theo VPA, Mỹ là thị trường chính và là thị trường quan trọng của hồ tiêu Việt Nam với lượng xuất khẩu chiếm 20-25%/năm và luôn duy trì sức mua ổn định cho tới hiện tại. 

Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường trọng điểm và thị trường hướng đến của hầu hết các doanh nghiệp trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do càng thúc đẩy tăng sức mua của thị này.

Tuy nhiên, VPA cho biết, đây lại là 2 tuyến vận chuyển đường biển có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet sau mỗi 2 tuần. 

Vận chuyển 1 container tiêu từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam, Mỹ-EU chuyển sang mua tiêu của Brazil - Ảnh 2.

Cước vận chuyển hồ tiêu đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần. (Ảnh: VPA).

"Cước vận chuyển đi Mỹ và EU hiện tại tăng liên tục dao động 2 tuần 1 lần và mức tăng không báo trước, có những lúc lại tăng đột biến; đặc biệt không loại trừ việc tăng chi phí từ đơn vị trung gian là đại lý hãng tàu cùng cộng hưởng tạo tâm lý sai lệch về vấn đề tăng giá" - VPA nhấn mạnh.

VPA cho biết, thời điểm năm 2020, cước vận chuyển đi châu Âu thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng bây giờ tăng trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020. 

Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần. 

Thậm chí nhiều khi các doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận trả giá cao để giao hàng cho khách cho kịp thời hạn giao hàng nhưng vẫn không tìm được booking để giao hàng. 

Các hãng tàu còn sẵn sàng hủy chỗ (Booking confirmation) cho các booking đã đặt trước để bán lại cho các doanh nghiệp khác khi họ trả giá cước cao hơn, dẫn đến tình trạng tranh giành nhau để book tàu.

"Việc này làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hàng hóa sản xuất ra nhưng không thể xuất đi buộc doanh nghiệp phải thuê thêm kho trữ, tiền hàng bị ứ đọng" - VPA thông tin.

Vận chuyển 1 container tiêu từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam, Mỹ-EU chuyển sang mua tiêu của Brazil - Ảnh 3.

Ngành hồ tiêu nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu trọng điểm Mỹ, EU vì chi phí logistics tăng quá cao. Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại Nam Yang, Đăk Đoa, Gia Lai. (Ảnh: K.N).

Nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu trọng điểm vì chi phí logistics

Theo VPA,  việc tăng giá cước vận chuyển đường biển là một vấn đề hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu hồ tiêu, việc giá cước vận tải đường biển tăng giá phi mã, liên tục và không có lộ trình khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đáng lo ngại là, theo VPA, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở các thị trường Mỹ và EU.

Trước những khó khăn như trên, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam kính đề nghị các ngành chức năng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ làm việc với các hãng tàu, xem xét tìm cách tháo gỡ “vấn nạn thiếu container, thiếu chỗ” và đưa giá cước trở lại như trước đây.

Đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đối thoại trực tiếp với các hãng tàu lớn yêu cầu các đơn vị đại lý hãng tàu áp dụng mức tăng giá chung tránh việc nhiễu loạn giá cước như hiện nay.