Cước vận chuyển trái cây sang Mỹ đột nhiên tăng gấp đôi, tốn 6 USD/kg, doanh nghiệp kêu khó

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 09/04/2021 14:41 PM (GMT+7)
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở ĐBSCL cho biết, trước đây, cước vận chuyển trái cây sang Mỹ từ 3-3,5 USD/kg nhưng hiện đã tăng gấp đôi (từ 6 - 6,2 USD/kg) khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Sáng nay (9/4), tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra tọa đàm "Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL". 

Buổi tọa đàm do Đài PT&TH Hậu Giang phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Cước vận chuyển trái cây tươi sang Mỹ tốn 6 USD/kg, doanh nghiệp xuất khẩu ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Cước vận chuyển trái cây tươi sang Mỹ tốn từ 6 - 6,2 USD/kg, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh hoạ)

Tại đây, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, hiện nay, cước vận chuyển trái cây tươi Việt Nam sang Mỹ là từ 6 - 6,2 USD/kg. Trước đây, cước vận chuyển này từ 3-3,5 USD/kg.

Bà Vy nói: "Cước vận chuyển từ 3-3,5 USD/kg trước đây đã làm doanh nghiệp ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn rồi, nên mức phí vận chuyển tăng gấp đôi như hiện tại làm cho doanh nghiệp đã khó càng thêm khó".

Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu còn cho biết, do công nghệ bảo quản của Việt Nam chưa đảm bảo nên bắt buộc một số trái cây tươi phải đi đường hàng không với mức cước tăng gấp 15 lần đường biển.

Khó khăn trên đã làm cho nông sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường thế giới (được nhà nước hỗ trợ phí logistics), từ đó sản lượng xuất khẩu có chiều hướng giảm.

Bà Vy hy vọng, thời gian tới, cước vận chuyển trái cây giảm, hạ tầng ở vùng ĐBSCL được cải thiện để nhiều doanh nghiệp được tiếp cận vùng trồng trái cây ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, được hỗ trợ về công nghệ bảo quản.

Theo thông tin được đưa ra tại tọa đàm "Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL", ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước.

Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn.

 Tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. 

Chưa kể, tình trạng một số cảng trọng điểm tại TP.HCM thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng…

Thêm vào đó, khu vực ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… 

Do đó, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều địa điểm, và phải đưa lên TP.HCM để xuất đi các nơi, trong khi hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem