Dù nằm ở thị trấn Măng Đen, nhưng để đến được trang trại nông nghiệp sinh thái DoEco Farm, chúng tôi phải di chuyển vào khu vực sản xuất nằm ở cuối khu dân cư 37 hộ ở xã Măng Cành, cách thị trấn Măng Đen gần 13km.
Trang trại nằm ở khu vực đồi núi có độ dốc cao, được bao bọc và xen kẽ bởi những cánh rừng già, có dòng suối chảy bên cạnh và cách điểm du lịch Thác Lô Ba khoảng 2km. Bên trong trang trại, ngoài những lô trồng cây ăn quả chuyên canh, còn trồng cây ăn quả xen canh.
Ông Nguyễn Quang Đông hồ hởi bắt tay chúng tôi rồi chia sẻ, quê gốc của ông ở tỉnh Hưng Yên. Trước đây, ông có quãng thời gian đi bộ đội ở miền Nam, sau đó xuất ngũ về học tập, làm công tác nghiên cứu công nghệ hóa hữu cơ và giảng dạy tại Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Hiện tại, gia đình và người thân của ông đều đang sinh sống, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2007, qua sự giới thiệu từ một người bạn, ông Đông rời Thành phố Hồ Chí Minh lên thị trấn Măng Đen tìm kiếm và mua được khu đất rộng 36ha (là diện tích trang trại hiện nay) để trồng 100.000 cây cà phê giống Arabica và giống Catimor với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Tuy trồng và đạt kết quả sản lượng tốt nhưng giá cà phê trên thị trường liên tục sụt giảm khiến doanh thu của trang trại đạt thấp. Đến năm 2015, ông Đông quyết định chặt bỏ tất cả cây cà phê, tiếp tục đầu tư hơn 10 tỷ đồng để trồng mới hơn 24.000 cây cam sành, cây bưởi da xanh (cùng giống Bến Tre) và cây bơ booth.
Biết mọi người đến trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp, ông Đông đích thân dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh trang trại. Những chiếc xe máy chở chúng tôi cứ thế nối đuôi nhau di chuyển trên những con đường đất, đến những lô trồng cam, bưởi, bơ chuyên canh và xen canh.
Vừa đi vừa giới thiệu, ông Đông cho biết, toàn bộ cây ăn quả của trang trại đều được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Organic. Trang trại sử dụng phân gà được viên thành hạt do Nhật Bản sản xuất và các loại cây cỏ khô được băm nhỏ bằng máy công nghiệp để làm phân bón. Để phòng, trừ sâu bệnh hại, trang trại sử dụng miếng giấy dán keo chứa hoóc môn sinh học pheromone, dung dịch chứa vi sinh vật (vi khuẩn, vi tảo, vi nấm), dầu ăn thực vật được trộn hóa và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
“Để các loại cây ăn quả sinh trưởng và phát triển tốt, việc biết được thành phần của đất trồng rất quan trọng. Nhờ sự giúp đỡ của UBND huyện Kon Plông, tôi biết được đất ở trang trại của mình còn thiếu những chất dinh dưỡng nào, từ đó bổ sung cho cây thông qua phân bón”, ông Đông nói.
Chủ nhân của trang trại DoEco Farm cũng thông tin, nguồn nước tưới cho trang trại được lấy theo nguyên lý tự chảy từ 2 hồ nước tự nhiên có tổng diện tích hơn 2ha nằm ở phía trên cao. Hệ thống tưới của trang trại được áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Irsael để tưới cho các cây ăn quả.
Tham quan được một lúc, chúng tôi dừng nghỉ chân tại một lô trồng cam, nơi những người lao động địa phương đang thu hoạch những quả cam chín đạt yêu cầu.
Được trải nghiệm thu hoạch những quả cam chín mọng trong bầu không khí trong lành, mát rượi trên mảnh đất Măng Đen khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu và thực sự ấn tượng.
Ông Đông vui vẻ cho biết, cây cam của trang trại đến nay đã trải qua 4 mùa vụ thu hoạch, vì hái thủ công từng quả chín nên mỗi mùa vụ thu hoạch của cây cam kéo dài từ tháng 11, tháng 12 năm trước đến tháng 5, tháng 6 năm sau với sản lượng trung bình hơn 200 tấn/mùa. Đặc biệt, quả cam khi chín có vỏ màu đen xen lẫn màu vàng và hương vị bên trong rất riêng biệt, hàm lượng tiền chất của vitamin A cao gấp 3-4 lần và vitamin C cao hơn so với giống cam sành Bến Tre được trồng ở địa phương khác.
Ông Đông giải thích, cam sành của trang trại khi chín có vỏ màu đen xen lẫn màu vàng là do một loại vi tảo cộng sinh trên vỏ quả cam. Loại vi tảo này chỉ xuất hiện khi môi trường có các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Nhờ cây cam của trang trại được trồng xen dưới tán cây rừng nên mới có loại vi tảo này.
Chính nhờ sự độc đáo về màu vỏ và chứa nhiều hàm lượng dinh dưỡng mà trong những năm qua một siêu thị của Nhật Bản ở Thành phố Hồ Chí Minh và những cửa hàng trái cây ở thành phố Đà Nẵng đều lấy sản phẩm cam ở trang trại của ông để bán. Phát huy lợi thế này, ông Đông đã đăng ký sản phẩm tên “Cam Đen Măng Đen” và tham gia chương trình OCOP của huyện Kon Plông trong năm 2021 để sản phẩm cam của trang trại được phổ biến và nhiều người tiêu dùng biết tới.
Tuy nhiên ông Đông vẫn chưa thực sự hài lòng bởi vẫn chưa đạt thành công như kỳ vọng. Sản lượng của bưởi, bơ chưa cao, chỉ đạt tổng hơn 40 tấn/năm. Một phần do thiếu nguồn kinh phí đầu tư trong quá trình sản xuất, một phần do tôi còn thiếu kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc - ông Đông chia sẻ.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, trang trại sẽ bước vào giai đoạn sản xuất ổn định, cho nên thời gian tới, ông Đông sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc diện tích cây ăn quả đã trồng, đồng thời trồng thêm thông đỏ, hoa anh đào ghép với mận tím Sơn La, nấm linh chi và nhiều cây hoa, cây cảnh khác để tạo cảnh quan, bóng mát, thu hút khách du lịch và đa dạng nguồn sản phẩm cho trang trại.