Cái tên làng Giáp Long ban đầu làm người ta tưởng đây là ngôi làng có sự tích liên quan đến rồng hoặc phải là vùng đất thiêng, giàu có, nhưng thực tế trước đây Giáp Long là vùng đầm lầy, lau sậy. Bỗng dưng, năm 1969 ở Giáp Long xuất hiện nghề thổi thủy tinh còn mạnh hơn một số xí nghiệp nhà nước, rồi lan ra cả xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, Hà Nội), tạo nên thương hiệu thủy tinh Thống Nhất trứ danh một thời.
Tôi đến làng Giáp Long vào một ngày nắng nóng ở Hà Nội, nghe nói ở đây có một ông "Tôn Ngộ Không mới" là ông Hồ Văn Gừng, sở dĩ họ gọi vậy vì những ngày nắng nóng như thiêu như đốt (gần 40 độ C), ông Gừng vẫn cặm cụi bên bễ lò rèn, đèn khò để thổi thủy tinh theo cách làm truyền thống.
Cả làng này, chẳng ai cần mẫn và yêu nghề thổi thủy tinh như ông Gừng, họ còn bảo "gừng càng già càng cay", ý nói ông Gừng càng già tay nghề càng khéo, thổi càng dẻo.
Nhà ông Gừng ngay dưới chân đê sông Hồng, trước đây chân đê phía bên ngoài rất ít người sinh sống vì sợ lũ lên cuốn sạch nhà cửa, họ chỉ dám trồng chuối, còn giờ sông Hồng êm ả hơn rất nhiều, đời sống nhân dân được an tâm, dân cư đông đúc.
Một điểm chung mà tôi từng tiếp cận với các nghệ nhân già, người tâm huyết với nghề xưa là kinh tế của họ chẳng mấy khá giả, thậm chí là éo le. Có lẽ bao nhiêu công sức, thời gian, họ dành hết cho việc giữ nghề xưa trước cơn bão đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến cho kinh tế gia đình thường chỉ đủ ăn.
Căn nhà mái của ông Gừng đã được xây từ mấy chục năm trước giờ vẫn còn y nguyên, ngoài ra còn một thứ "y nguyên" sau 50 năm chính là bễ lò rèn để thổi thủy tinh của gia đình. Tìm cả làng Giáp Long lẫn xã Thống Nhất giờ chỉ còn duy nhất cái bễ này, còn một số hộ làm thì sử dụng máy móc công nghiệp. Chiếc bễ là minh chứng cho một thời nhà nhà đạp bễ, người người thổi thủy tinh ở Giáp Long – Thống Nhất.
Căn nhà của ông Gừng tuy nhỏ nhưng thiên nhiên và thoáng mát đôi khi khiến nhiều chủ nhân chung cư cao cấp phải ao ước. Vùng này là chân đê nên gió lộng quanh năm, cây cối um tùm bủa vây bốn góc, khoảng sân là giàn hoa leo đem lại không gian thanh bình cho bất kỳ tâm hồn nào.
Năm nay ông Gừng đã bước sang tuổi 73, xấp xỉ tuổi ông nội tôi nhưng trông ông rất phong độ, khỏe khoắn, da mặt còn hồng hào. Thời niên thiếu, ông Gừng chỉ làm nông nghiệp, kinh tế gia đình khó khăn, đến năm 1969 thì do nhu cầu ống tiêm philatop sử dụng trong y tế tăng mạnh nên nhiều xí nghiệp thủy tinh tuyển công nhân vào làm. Ông Gừng cùng nhiều thanh niên của Giáp Long đi làm để "giải quyết cái nghèo".
Vào xí nghiệp, ông Gừng học được kỹ thuật thổi thủy tinh, sau vài năm làm ở xí nghiệp, ông về quê xây bễ và tự thổi thủy tinh, nghề bỗng nhiên lan mạnh ra toàn xã Thống Nhất (gồm các làng Thượng Giáp, Hoàng Xá và Bộ Đầu).
Mạnh đến nỗi những năm 80 của thế kỷ trước có cả Hợp tác xã thổi thủy tinh Hợp Long, thương hiệu thủy tinh Thống Nhất bắt đầu xuất hiện, sản phẩm đa dạng hơn như: Ruột phích, ly chén, con giống, bóng đèn dầu....
Đứng cách bễ thổi thủy tinh của ông Gừng chừng một mét đã cảm nhận được cái nóng hầm hập bốc ra từ ngọn lửa. Nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40 độ C thì chỗ ông Gừng ngồi ít nhất phải 50 độ C, còn ngọn lửa thì phải nóng đến cả nghìn độ C và người thợ phải cần sự tập trung cao độ.
Nghề nào cũng có cái đặc trưng của nó, nghề thổi thủy tinh thì chắc ai cũng biết là đồ rất dễ vỡ, làm việc gì cũng phải nhẹ nhàng kẻo xôi hỏng bỏng không ngay lập tức.
Bắt đầu từ khâu tìm kiếm nguyên liệu, ông Gừng và vợ ông phải đi gom các bóng đèn huỳnh quang đã ra sử dụng, thậm chí là đi mua với giá vài nghìn đồng. Sau đó về tháo nắp hai đầu, rửa sạch lớp vôi váng trong lõi để có được thủy tinh trong suốt.
Nguyên liệu đã có thì phải có công cụ làm. Chiếc bễ đạp gió vốn trước đây sử dụng trong lò rèn thì nay được sử dụng trong thổi thủy tinh cũng có thể coi là sáng tạo của người thợ.
Trên bàn thổi có hai mảnh tê tông khép vào tạo ra một lỗ nhỏ cho ngọn lửa thoát lên, bên trong là 9 đầu lửa khò, 6 sợi bấc được cuộn vào nhau và một ống tiếp dầu để đốt.
Và cứ như vậy, ông Gừng và hàng trăm hộ gia đình khác ngày trước đều làm như thế, từ một bóng đèn huỳnh quang dùng hơi thổi trong ống, thổi ngoài ống, dùng thêm dụng cụ để uốn mới cho ra được sản phẩm đơn giản nhất là chiếc bóng đèn dầu và ống tiêm philatop.
Tốc độ để thổi ra một bóng đèn mất khoảng 5 phút, mỗi ngày ông Gừng thổi được khoảng 150 chiếc, hiện nay thu nhập cũng được 200 nghìn đồng một ngày.
Nguyên lý cơ bản là mồm thổi hơi, tay xoay để tạo hình trên ngọn lửa. Thổi xong, bóng đèn được xếp nhẹ nhàng vào gio bếp chừng một giờ để tránh thủy tinh chưa cứng biến dạng, mọi công đoạn cứ chậm rãi, từ từ, nâng niu để có được mẻ thủy tinh đảm bảo chất lượng và an toàn.
Những năm 1970 – 2000 là giai đoạn phát triển cực thịnh của thủy tinh Thống Nhất, nhiều công ty thiết bị y tế còn về đặt hàng ống tiêm philatop ở đây chứ không phải ở các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, nhưng hỏi sao khó giàu được thì ông Gừng ngán ngẩm nói rằng: "Giàu sao được nghề này vì tỷ lệ vỡ cao, thị trường lại chuyển sang đồ sứ, máy công nghiệp thay thế, chỉ gọi là lấy công làm lãi mà thôi".
Trò chuyện trọng gian chái nhà ông Gừng, tôi vuốt mồ hôi không kịp còn ông Gừng vẫn mải miết làm nghề. Nhìn phong thái của ông Gừng, chẳng ai tin nổi ông Gừng đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy mấy năm rồi.
Tôi nghe ông giãi bày về ảnh hưởng sức khỏe của nghề thổi thủy tinh, nhưng chẳng hề nhìn thấy hệ quả nào trên người ông, có lẽ ông đang nói đến số đông người khác, trừ ông ra.
Việc nhìn vào ngọn lửa ở cự ly gần như vậy cả ngày chắc chắn sẽ rất đau mắt lại phải căng mắt ra, lâu dần sẽ làm đục thủy tinh thể, nhạy cảm với ánh sáng nhưng ông Gừng lại có đôi mắt sáng, khỏe như Tôn Ngộ Không được luyện trong lò luyện kim đan và ông chẳng phải làm bạn với kính.
Lại còn phải ngồi thẳng lưng cả ngày, bởi hai cánh tay lúc nào cũng phải giơ lên không trung mà chẳng có điểm tỳ nhưng lưng ông Gừng không hề đau nhức mỗi đêm, ở tuổi này ông Gừng vẫn tự đi xe máy giao hàng mấy chục cây số mà không gặp vấn đề gì.
Đặc biệt nhất có lẽ là lá phổi ông Gừng, ông là người đã có gần 50 ngồi đạp bễ dầu diesel, lượng khí thải từ việc đốt dầu ra khá lớn, người thợ bắt buộc phải hít khí đó. Nhưng đúng là nghề chọn người, trong khi tất cả mọi thợ thổi thủy tinh ở toàn xã Thống Nhất đã bỏ bễ đạp gió từ 20 chục năm nay vì ảnh hưởng sức khỏe thì ông Gừng vẫn sống chết với nghề.
Ngoài lá phổi khỏe khoắn, không khò khè như cái tuổi phải đã... khò khè mà làn da ông cứ hồng hồng, rực rỡ chẳng thấy ám muội dầu.
Ngoài thổi đồ gia dụng, ông Gừng còn thổi được 12 con giáp, thổi được bộ trang trí Noel như ông già tuyết, cây thông, tuần lộc, xe kéo... nhưng các thứ đồ này rất khó bán vì dễ vỡ khi vận chuyển.
Nghề thổi thủy tinh đã đưa ông Gừng từ một người tìm kiếm việc làm đến một nghệ nhân tài hoa, đem bàn tay khối khí sản xuất ra các tác phẩm có tính nghệ thuật.
Công bằng mà nói, nếu như nghề thổi thủy tinh không thoái trào trước thị trường, thời cuộc công nghiệp mà được bảo tồn như một nét đẹp văn hóa, nghề truyền thống thì ông Gừng xứng đáng được phong nghệ nhân đã cống hiến cả đời về nghề bán hơi này. Hiện nay, toàn xã Thống Nhất hiện chỉ còn lác đác vài xưởng sản xuất thủy tinh bằng phương pháp công nghiệp với sản phẩm chủ yếu là ống tiêm philatop.