Trong cuộc họp khẩn giữa Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các tỉnh, thành phía Nam tìm giải pháp đảm bảo cung ứng kết nối, tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người dân, Cục Quản lý thị trường các địa phương cho biết, đã yêu cầu các siêu thị, cửa hàng cam kết bán đúng giá, niêm yết giá công khai.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi heo Đồng Nai, giá thịt heo từ chuồng trại của nông dân ra đến siêu thị đã chênh nhau "một trời một vực".
Tại buổi làm việc giữa hai bộ NNPTNT, Công Thương và đại diện các tỉnh thành phía Nam tìm giải pháp cung ứng, tiêu thụ hàng hóa nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong điều kiện dịch Covid-19, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, thời gian qua, giá hàng hóa tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa phương được niêm yết công khai, thống nhất trên toàn hệ thống.
Nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn... Tại hệ thống chợ, giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại hệ thống siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương.
Ông Đông thông tin thêm, theo phản ánh của một số doanh nghiệp phân phối, việc tăng giá hàng hóa là không mong muốn nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng giá cả một số mặt hàng do thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng, điểm bán tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng; chi phí nhân công tăng; chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho nhân viên...
Tại TP.Hồ Chí Minh, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường 100% lực lượng để nắm bắt tình hình, phối hợp với lực lượng chức năng để bắt buôn lậu và các trường hợp găm hàng hóa.
Thời gian đầu, một số bà con ở chợ truyền thống nâng giá hàng, một số trường hợp mua hàng ở siêu thị để bán bên ngoài, Cục đã kịp thời nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con.
Đến nay, hoạt động nâng giá ở các siêu thị không còn. Hiện tại, rau củ quả ở siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung, giá cả không tăng so với ngày thường.
Đồng quan điểm với TP. Hồ Chí Minh, đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cho biết, Cục cũng đã yêu cầu các siêu thị, cửa hàng cam kết bán đúng giá, niêm yết giá công khai, bán với số lượng đủ ăn trong 1-3 ngày, tránh tình trạng đầu cơ.
Đó là thực tế được ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nêu ra khi nói đến những vấn đề còn bất cập, tồn tại trong khâu lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nông sản thực phẩm.
Theo ông Đoán, đang có một nghịch lý là, trong khi giá heo hơi nông dân bán ra đang ở mức thấp thì tại nhiều siêu thị, điểm bán thịt heo của TP.Hồ Chí Minh, người tiêu dùng phải mua thịt heo với giá quá cao.
"Qua khảo sát, chúng tôi thấy 1kg thịt heo đùi ở nơi sản xuất đến siêu thị đã chênh nhau tới 100.000 đồng. Tất nhiên, trong điều kiện dịch bệnh các chi phí vận chuyển, kiểm dịch tăng nhưng việc chênh quá lớn là không công bằng cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng" - ông Đoán khẳng định.
Từ thực tế này, ông Đoán cho rằng, khi 16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì các chốt kiểm dịch cần thống nhất biện pháp tạo điều kiện cho các xe chở nông sản hàng hóa được lưu thông khi đáp ứng đủ yêu cầu, nói cách khác là cần "tạo luồng xanh" cho nông sản.
Ông Đoán cho biết, với những bất cập trong lưu thông, phân phối nông sản, trong đó có thịt heo như hiện nay thì nông dân đang chịu thua lỗ, trong khi người tiêu dùng phải mua với giá cao.
Những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nhất là khi 3 chợ đầu mối nông sản lớn ở TP.Hồ Chí Minh buộc phải đóng cửa, các thương lái chuyên thu mua heo đến các chợ đầu mối dương tính với virus SARS-Cov-2, giá heo hơi rơi vào khủng hoảng.
"Nhiều thương lái dương tính với virus SARS-CoV-2 do liên quan đến các chợ đầu mối, đầu ra trở lên bế tắc do không có người thu mua, giết mổ, giá cả hỗn loạn, thậm chí có lúc giá heo hơi chỉ còn khoảng 50.000 - 51.000 đồng/kg. Một vài ngày trở lại đây, giá heo hơi đã nhích lên sau khi có chủ trương cho tiêu thụ thịt heo tại các chợ, giá heo hơi đã đạt 54.000 - 55.000 đồng/kg" - ông Đoán nói.
Tuy nhiên, theo ông Đoán, với giá này, người chăn nuôi heo vẫn chịu thua lỗ "kép", nhất là với những người không chủ động được con giống và phải mua với giá rất đắt trước đây.
"Từ tháng 11 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần, mỗi lần thêm 300 - 400 đồng/kg, nên hiện mỗi con heo bán ra phải chịu thêm 400.000 đồng tiền cám. Như vậy, nếu không chủ động được con giống, giá thành chăn nuôi heo lên đến 70.000 đồng/kg, còn tự sản xuất được con giống thì giá thành cũng lên đến 60.000 đồng/kg, với giá heo hơi như hiện nay thì nông dân lỗ nặng" - ông Đoán phân tích.