Siêu thị nói không thiếu hàng, vì sao quầy, kệ vẫn trống?

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 18/07/2021 10:34 AM (GMT+7)
Các siêu thị khẳng định không thiếu hàng, nhân viên làm việc hết công suất, nhưng nhiều thời điểm, quầy, kệ bên trong vẫn trống hoặc hết sớm, vì sao ?
Bình luận 0

Kênh phân phối hiện đại, trong đó gồm siêu thị, cửa hàng thực phẩm từ trước đến nay chỉ giữ khoảng 30% lượng cung hàng hóa cho TP.HCM. Tuy nhiên, kể từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, chợ tạm đóng cửa, hơn 2/3 chợ truyền thống ngưng hoạt động, siêu thị, cửa hàng thực phẩm đã "gồng" mình, đáp ứng nhu cầu cho hơn 10 triệu dân TP.

Không quá tải, sao được

Hơn một tuần qua, các siêu thị Co.opmart tại TP.HCM sáng đèn đón khách xuyên suốt từ 6h sáng đến 24h đêm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đây là khung giờ hoạt động ít doanh nghiệp bán lẻ nào nghĩ đến, bởi trước đây, cao điểm Tết cũng chỉ kéo dài vài ngày, bán đến khoảng 23h là đóng cửa.

Siêu thị nói không thiếu hàng, vì sao quầy kệ vẫn trống? - Ảnh 1.

Nhân viên siêu thị hoạt động hết công suất. Ảnh: Hồng Phúc.

Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) những ngày này, từ kho đến bên trong, nhân viên hoạt động hết công suất. Một nữ nhân viên cho hay, cô được huy động từ cửa hàng tiện Cheer vào hỗ trợ lấy hàng cho khách đã đặt online. Cô và nhiều nhân viên khác tất bật, làm liên tục không có thời gian nghỉ ngơi.

Còn Bách Hóa Xanh, hệ thống này cũng phải tận dụng nhân viên từ các cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh đang tạm ngưng hoạt động để chuyển sang bán thực phẩm, hàng thiết yếu, song song tuyển thêm người. MM Mega Market cũng đưa nhân viên từ các hệ thống khác vào hỗ trợ siêu thị.

Đại diện một siêu thị lớn cho biết, những ngày qua, kho hàng tại Bình Dương của doanh nghiệp nhìn còn thấy thương hơn. "Anh em phải ở luôn tại kho 24/24, ngủ luôn tại chỗ mà không về nhà. Chọn về nhà thời điểm này không an toàn, lỡ mang mầm bệnh ảnh hưởng đến gia đình cũng như lo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy" - vị này nói với Dân Việt.

Phía Saigon Co.op cho biết số lượng nhân sự tại TP.HCM chưa đến 10.000 người nhưng đang phục vụ ước tính cho 3 - 5 triệu người dân thành phố. Ngoài bán trực tiếp tại siêu thị, bán online, hệ thống siêu thị còn chịu trách nhiệm cung cấp hơn 10.000 suất ăn và nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến tại TP.HCM.

Chưa hết, giãn cách xã hội lần này, TP.HCM cũng giao nhiệm vụ cung cấp thức ăn chế biến sẵn cho siêu thị thực hiện, khi quyết định dừng dịch vụ ăn uống mang về. Một hai ngày đầu tiên, tình trạng "cháy hàng" xảy ra nhưng hiện đã tạm ổn định. Các doanh nghiệp thừa nhận gặp khó khi đảm nhận dịch vụ này, bởi đang quá tải cung ứng hàng hóa cũng như giao đơn online, nay "gánh" thêm nhiệm vụ mới.

Vì sao quầy kệ vẫn trống ?

Nhân viên hoạt động hết công suất, tăng thời gian mở cửa, tuyên bố lượng hàng dự trữ tăng gấp nhiều lần so với bình thường nhưng những ngày qua, nhiều người dân vẫn phản ánh khó mua đồ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Hôm ào có "tin đồn", rau củ hết sạch từ sáng sớm, không có tin đồn, nhiều quầy cũng trống dù chưa hết ngày.

Siêu thị nói không thiếu hàng, vì sao quầy kệ vẫn trống? - Ảnh 3.

Quầy kệ siêu thị VinMart trống sớm dù chưa hết ngày. Ảnh: Hồng Phúc.

"Trung bình cứ 1 khách ôm 10 bó rau là trống kệ ngay, khiến thực phẩm nhanh chóng hết cục bộ" - đại diện một doanh nghiệp nói. Theo vị này, tâm lý hoang mang của người dân trước các tin đồn khiến lượng người bất ngờ đổ dồn đến các siêu thị, nhu cầu mua sắm tích trữ tăng khiến thực phẩm nhanh chóng hết cục bộ. Nhân viên không châm hàng lên kịp hoặc hàng chưa đến kịp kho.

Vấn đề vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là rau củ quả từ các vùng nguyên liệu về TP.HCM cũng rất nhiều khó khăn. Đại diện Saigon Co.op khẳng định hàng hóa tại doanh nghiệp không thiếu nhưng những ngày qua, khâu vận chuyển hàng về TP.HCM gặp khó. Các tỉnh siết phòng dịch, xe thực phẩm đi qua nhiều chốt kiểm soát khiến thời gian đưa hàng về TP chậm hơn bình thường.

Đại diện Bách Hóa Xanh nói thêm, ngay cả xe thực phẩm đi từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương dù có xét nghiệm âm tính nhưng khi vào trung tâm Cần Thơ cũng phải dừng lại. Lực lượng chức năng địa phương yêu cầu đổi tài xế là người Cần Thơ có giấy xét nghiệm âm tính ra thay mới được đưa xe vào.

"Rất nhiều nhà cung cấp của chúng tôi không thể chờ đợi vì hàng hóa sẽ hư hỏng đã phải quay trở về dẫn đến hàng thiết yếu không cung cấp được cho các siêu thị để phục vụ người dân trong mùa dịch" - đại diện Bách Hóa Xanh nói.

Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng việc vận chuyển khó khăn khiến hàng hóa có mặt tại siêu thị chậm hơn, chưa kể làm tăng chi phí vận chuyển, nhân công, tỷ lệ hư hỏng hàng hóa cũng như chi phí xét nghiệm Covid-19 cho tài xế.

Các chi phí này làm tăng giá thành bán ra mà hiện nhiều siêu thị cho biết họ vẫn cố gắng giữ giá bình ổn để hỗ trợ phần nào khó khăn cho người dân trong giai đoạn dịch bệnh.

Siêu thị cũng muốn người tiêu dùng hỗ trợ 

"Saigon Co.op khẳng định lượng hàng hóa đang đổ về các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food rất nhiều, cộng với việc các thủ tục vận tải, vận chuyển ngày càng được khai thông, nên công tác phân phối hàng hóa đến tay người dân ngày càng được thuận lợi hơn" - doanh nghiệp này cho hay.

Siêu thị nói không thiếu hàng, vì sao quầy kệ vẫn trống? - Ảnh 4.

Siêu thị cho rằng các thủ tục vận tải, vận chuyển hàng đã thuận lợi hơn so với những ngày trước. Ảnh: Hồng Phúc.

Song song đó, các nhà bán lẻ cũng cho biết thêm dù có lượng lớn nhân viên phải thực hiện cách ly và rất nhiều khó khăn khác nhưng vẫn luôn nỗ lực hết sức để vừa có thể phục vụ hàng hóa ngay tại siêu thị, vừa đáp ứng nhu cầu tăng đột biến cục bộ trên các kênh online.

Các siêu thị tiếp tục khẳng định hàng sẽ không thiếu nhưng cũng cần có sự phối hợp hỗ trợ mua sắm trách nhiệm của từng người dân, như mua vừa phải đúng nhu cầu để hạn chế tắc nghẽn, tuân thủ hướng dẫn an toàn mua sắm tại siêu thị để giảm thiểu nguy cơ lây lan, tham gia mua sắm online để giảm tải siêu thị, hưởng ứng giãn cách.

Trong thời gian này, để giải tỏa bớt áp lực cho siêu thị, các quận huyện cũng đang tăng tốc đưa các chợ truyền thống đã ngừng hoạt động, thí điểm cho 2-10 tiểu thương bán thực phẩm, đảm bảo giãn cách. Các chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức cũng đang hình thành khu trung chuyển hàng hóa, tập kết và phân phối về cho chợ truyền thống.

Sở Công Thương TP.HCM sẽ kết hợp với Viettel Post, Việt Nam Post và nhiều doanh nghiệp từ siêu thị, vận tải, bán lẻ… đưa vào hoạt động thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động, phủ khắp các quận huyện phục vụ người dân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem