Ngày 19/7, ngày đầu tiên 16 tỉnh thành phía Nam bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cùng với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã giãn cách từ trước đó. Trái với lo ngại hàng hóa tại TP.HCM có nguy cơ bị đứt gãy, ghi nhận cho thấy, thực phẩm tại các kênh bán lẻ hiện đại rất dồi dào.
Tại siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), nhân viên vẫn điều phối cho khách vào theo từng đợt nhưng hầu như không có hiện tượng xếp hàng vì khá vắng. Khách đến mua sắm chỉ cần khai báo y tế là vào ngay.
Bên trong, khu vực thực phẩm tươi sống gồm rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng sữa tập trung nhiều người nhất nhưng vẫn đảm bảo khoảng cách. Dưa leo, cà chua, khổ qua, cà rốt… và các loại rau ăn lá như cải xanh, cải ngọt, cải thìa… đầy trên quầy.
Rau củ là nhóm hàng được mua nhiều nhất những ngày qua nên siêu thị tăng thêm nhiều vị trí đặt mặt hàng này như nằm cạnh quầy trái cây, bánh ngọt để khách có thể chọn ở bất cứ đâu, nhằm giãn cách tại khu vực chính là quầy rau củ quả.
"Trứng hôm nay có hàng nhiều nhưng siêu thị vẫn yêu cầu mỗi khách chỉ được mua 1 vỉ, ra thanh toán, nhân viên thấy lố 1 vỉ cũng phải trả lại thôi. Tôi ủng hộ cách làm này để người đi sau còn hàng. Hành lá, rau thơm các loại hôm nay cũng rất nhiều, tha hồ lựa", bà Thu (quận Phú Nhuận) nói.
Tương tự, siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1) cũng khá vắng khách, không còn cảnh xếp hàng chờ đến lượt như vài hôm trước. Đại diện Saigon Co.op cho biết dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng sẽ không tăng giá hàng hóa để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân.
Siêu thị Aeon Bình Tân (quận Bình Tân) cũng tăng điểm bán rau củ quả Đà Lạt từ bên trong cho đến ra bãi giữ xe của siêu thị. Nếu khách không có nhu cầu mua các loại thực phẩm khác ngoài rau củ, có thể ghé nhà xe siêu thị để mua ngay, không phải xếp hàng chờ đến lượt.
Các siêu thị Bách Hóa Xanh, Vissan khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận sáng 19/7 cũng không quá đông, ít còn cảnh xếp hàng. Từ ngày 18/7, Bách Hóa Xanh đã đưa vào vận hành 35 siêu thị hoạt động 24/24 tại các quận 5, 8, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh…
Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết các điểm bán hàng này sẽ mở xuyên đêm phục vụ nhu cầu thiết yếu với các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như gạo, sữa, trứng, đường, dầu ăn, rau củ, trái cây. Dự kiến nếu nhu cầu tăng cao, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng mở thêm nhiều điểm phục vụ 24/24.
Còn ở kênh phân phối truyền thống, tính đến sáng 19/7, TP.HCM có thêm chợ An Đông (quận 5) và chợ Kiến Thành (quận Bình Tân) hoạt động trở lại sau thời gian tạm đóng để phòng dịch. Trước đó ít ngày, các chợ Bình Thới, Phú Thọ (quận 11) và chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng đã mở bán thực phẩm trở lại.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết các chợ đang tạm ngưng hoạt động chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh; có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K; tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá…
Ngành hàng bán phục vụ là thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Nếu không gian chợ chưa đảm bảo thì có thể sử dụng các mặt bằng phù hợp để họp chợ an toàn.
Việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại các chợ truyền thống do UBND quận huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế quyết định.
Đồng thời, cơ quan này cũng đã hướng dẫn giải pháp thí điểm về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch: 5K, phân luồng, bán hàng đồng giá, dựng vách ngăn…
Sở Công Thương TP.HCM cho biết các quận huyện đang xây dựng phương án và sẽ sớm tiếp tục tổ chức mở lại thêm nhiều chợ để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, thực phẩm của người dân.