Bách Hóa Xanh nói tăng giá không phải để kiếm lời, Co.opmart, Big C thì sao?
Bách Hóa Xanh nói tăng giá không phải để kiếm lời, Co.opmart, Big C thì sao?
Hồng Phúc
Thứ bảy, ngày 17/07/2021 12:34 PM (GMT+7)
Bách Hóa Xanh tăng giá một số mặt hàng tươi sống trong mùa dịch nhưng khẳng định không có chủ trương tăng để kiếm lời. Các siêu thị Co.opmart, Big C... thì thế nào?
Mạng xã hội vẫn râm ran chuyện Bách Hóa Xanh tăng giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm so với trước đây. Theo người tiêu dùng, việc mua thực phẩm giữa cao điểm Covid-19 khá khó khăn, thu nhập bấp bênh, gặp thêm cảnh giá các mặt hàng tăng vọt, khiến họ khó chồng thêm khó.
Bách Hóa Xanh nói tăng giá vì khách quan
Khi nhiều người cùng phản ánh, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động - doanh nghiệp sở hữu hệ thống Bách Hóa Xanh, đã lập tức lên tiếng giải thích về vấn đề giá cả các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tại hệ thống Bách Hóa Xanh những ngày qua.
"Chúng tôi khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh và chúng tôi cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống", đại diện Bách Hóa Xanh nêu.
Theo doanh nghiệp, chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định nhưng vẫn bảo toàn tính hài hoà giữa lợi ích người tiêu dùng và việc vận hành hàng nghìn cửa hàng bán lẻ hiện có.
Theo đó, hiện Bách Hóa Xanh đang chịu nhiều chi phí về hệ thống kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng trong giai đoạn dịch bùng phát.
Giải thích cụ thể hơn, Bách Hóa Xanh nói thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng. Tỷ lệ hư hao hàng tươi sống cũng tăng cao. Phía nhà cung cấp cũng tăng giá do các chi phí tương tự.
Thêm vào đó, chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc. Doanh nghiệp còn thuê chỗ ở cho nhân viên gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển.
Ngoài ra, chi phí để lấy giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng nghìn tài xế giao hàng và nhân viên kho cùng hàng trăm nhân viên đi làm ở hai tỉnh lân cận nhau cũng khiến doanh nghiệp chịu gánh nặng đội giá.
Các giải thích này cũng được lãnh đạo Bách Hóa Xanh nói với lực lượng chức năng, khi đoàn của Cục Quản lý thị trường TP.HCM đến kiểm tra các cửa hàng thuộc chuỗi này tại TP.Thủ Đức ngày 16/7. Đại diện Bách Hóa Xanh cho rằng doanh nghiệp tăng giá một số mặt hàng là vì lý do khách quan.
Co.opmart, Big C giữ giá để hỗ trợ người dân mùa dịch
Trong khi Bách Hóa Xanh nhận định không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống thì một số siêu thị khác cũng lên tiếng về giá cả các mặt hàng đang bán tại hệ thống.
Đại diện Saigon Co.op - doanh nghiệp sở hữu hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… nhận định, dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng đơn vị này vẫn quyết không tăng giá hàng hóa để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bắt đầu bổ sung các loại thực phẩm chế biến nấu chín để tăng tính tiện lợi mùa dịch.
"Trên thực tế, giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ sự điều chỉnh nào từ trước giãn cách cho đến nay dù giá các các mặt hàng này trên thị trường đã tăng gấp nhiều lần", đại diện Saigon Co.op nói với Dân Việt.
Theo vị này, việc giữ và giảm giá hàng hóa siêu thị là nhằm cùng chính quyền TP.HCM chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân trong bối cảnh khó khăn, đảm bảo phòng tuyến cho người dân an tâm chống dịch.
Chủ hệ thống siêu thị Co.opmart cũng cập nhật hàng hóa đang đổ về các siêu thị ở TP.HCM rất nhiều, cộng với việc các thủ tục vận tải, vận chuyển ngày càng được khai thông nên công tác phân phối hàng hóa đến tay người dân ngày càng được thuận lợi hơn so với những ngày trước.
Đại diện Central Retail - chủ hệ thống siêu thị Big C, Go! và Tops Market cũng khẳng định đang tăng cường nhân viên từ các cửa hàng khác nhằm hỗ trợ cho siêu thị vận hành thường xuyên, liên tục. Doanh nghiệp cũng làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo đầy đủ nguồn hàng, đặc biệt là hàng tươi sống.
Theo vị này, Central Retail cũng đồng hành cùng TP.HCM và người dân trong công tác bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu nên quyết định giữ vững bình ổn giá, không tăng giá vì dịch Covid-19 đã khiến đời sống người dân đang gặp không ít khó khăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.