Mới nhất, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/4 đến 30/6).
Theo đó, doanh thu quý 3 của "ông lớn" HSG ước đạt 12.986 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.701 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 90%, 435% so với cùng kỳ niên độ tài chính 2019-2020; tăng 20% và 64% so với quý 2 vừa qua.
Riêng tháng 6/2021, doanh thu ước đạt 3.870 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 562 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/10/2020 đến 30/6/2021), doanh thu của HSG ước đạt 32.932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.371 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 72%, 381% so với cùng kỳ. Với kết quả này, HSG đã thực hiện được tới 99,8% kế hoạch doanh thu và 225% kế hoạch lợi nhuận.
Trước đó, Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng sớm công bố BCTC quý 2 với khoản doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 203% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế gấp 51 lần cùng kỳ năm trước, đạt 875 tỷ đồng, lập kỷ lục mới ghi nhận trong 1 quý.
Tương tự, doanh thu quý 2 của Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) đạt 5.950 tỷ đồng, tăng 62%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 502 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ năm trước.
Thép Thủ Đức - Vnsteel (UPCoM: TDS) cũng cho biết sản lượng tiêu thụ tăng trong quý tăng, giá bán bình quân sau khi trừ chiết khấu cũng gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, doanh thu quý 2 của đơn vị đạt 655 tỷ đồng, tăng 36%; lãi sau thuế 34 tỷ đồng, gấp 4,4 lần quý 2/2020.
Thép Mê Lin (HNX: MEL) cũng đạt doanh thu 212 tỷ đồng trong quý 2, tương đương cùng kỳ năm trước. Song, biên lãi gộp tăng từ 5% lên 17,4% gúp lãi sau thuế đạt 23 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 1,2 tỷ cùng kỳ năm trước.
Thép tấm lá Thống Nhất (UpCOM: TNS) cũng công bố báo cáo tài chính quý 2 với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Theo đó, doanh thu quý 2 của TNS đạt 374,5 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của TNS đạt gần 695 tỷ đồng, tăng 39% so với nửa đầu năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 12,9 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Còn với "ông lớn" ngành thép là Hòa Phát (HoSE: HPG) hiện chưa công bố BCTC quý 2 nhưng cũng hứa hẹn lãi kỷ lục. Theo SSI Research ước tính, lợi nhuận Hòa Phát quý 2 có thể đạt mức cao kỷ lục 9.700 tỷ đồng, tăng 50%.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong nửa đầu năm 2021, ngành sản xuất thép trong nước được mùa lớn khi sản xuất và tiêu thụ đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, sản xuất thép đạt gần 16 triệu tấn, tăng 37%, tiêu thụ đạt 14 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp giá thép tăng tới 40 - 45% so với cùng kỳ 2020, nhu cầu tiêu dùng thép trong nửa đầu năm 2021 vẫn tăng cao, nhập khẩu thép cũng tăng phi mã.
6 tháng qua, cả nước đã nhập khẩu gần 7 triệu tấn thép các loại, trị giá 5,662 tỷ USD, tăng 4% về lượng nhưng tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ 2020.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, tháng 6, 7 hàng năm là mùa mưa nên các công trình xây dựng ít thi công, dẫn đến số lượng thép bán ra giảm, kéo theo việc giảm giá.
"Giá thép năm nay đã tăng cao tới 45% so với trung bình hàng năm, trong tháng 6, tháng 7, giá thép chỉ giảm khoảng 3 - 5%, nhưng vào cao điểm mùa xây dựng (3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm) giá thép có thể sẽ tăng trở lại", ông Đa nói.
Trước tình trạng giá thép trong nước tăng cao, Bộ Tài chính mới đây đề nghị tăng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép, giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép nhằm bình ổn thị trường.
Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, Bộ đã trình chính phủ điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%.
Liên quan đến đề xuất này, trong báo cáo ngành thép mà Chứng khoán SSI mới công bố, công ty này nhận định nếu đề xuất điều chỉnh biểu thuế xuất/nhập khẩu thép được thông qua, kết quả kinh doanh của các công ty thép không bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, trong nửa cuối năm, SSI dự báo doanh thu của các công ty thép sẽ tăng trưởng tích cực nhờ việc đẩy mạnh đầu tư công và xuất khẩu.
Tuy nhiên, về dài hạn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm nhẹ do mức cơ sở so sánh cao trong năm 2021 và sự phục hồi của nguồn cung trên toàn thế giới.
"Dù chưa có cơ sở nhận định sẽ giảm mạnh trong thời gian tới nhưng nhiều khả năng giá thép sẽ dần trở về mức bình thường do các yếu tố như giá thép thế giới trở về mặt bằng cũ do nguồn cung phục hồi và chính sách kiểm soát giá thép của chính phủ. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước giảm do tác động của dịch Covid-19 đối với các hoạt động xây dựng", báo cáo của SSI Research, nêu.