Thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột diễn ra. Các bên đều tin rằng Thế chiến III sẽ là cuộc chiến hạt nhân hủy diệt lẫn nhau. Tuy nhiên, vào năm 1979, Liên Xô đã lên kế hoạch mang tên "Bảy ngày tới sông Rhine" với mục đích tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu chỉ trong vòng một tuần, tránh nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Moskva tin rằng NATO sẽ tung đòn tấn công vào Liên Xô trước. Theo kế hoạch "Bảy ngày tới sông Rhine", các nhà hoạch định chiến lược Liên Xô tin rằng NATO sẽ dùng bom hạt nhân tấn công 25 mục tiêu dọc sông Vistula ở Ba Lan, biến nước này thành vùng nhiễm xạ trầm trọng, chia cắt lực lượng Liên Xô ở Đông Đức, Hungary và Tiệp Khắc với căn cứ chủ lực ở trong nước.
Tuy nhiên, điều này sẽ lập tức kích hoạt Hiệp ước Warsaw. Các lực lượng hạt nhân Liên Xô sẽ tấn công Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và miền bắc Italy. Do đó, trụ sở NATO ở Brussels sẽ bị phá hủy.
Liên Xô cũng muốn gây chia rẽ giữa các đồng minh phương Tây bằng việc không tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ, Pháp và Anh.
Liên Xô hiểu rằng lãnh đạo Mỹ, Pháp, Anh có quyền quyết định thời điểm và cách thức sử dụng vũ khí hạt nhân của họ, thay vì nhận mệnh lệnh từ NATO. Với động thái này, Liên Xô sẽ đặt họ vào lựa chọn khó khăn là sử dụng vũ khí hạt nhân và chấp nhận trả đũa toàn diện từ Liên Xô, hoặc chiến đấu bằng vũ khí thông thường hay thậm chí đứng ngoài cuộc xung đột. Đây là kịch bản có thể xảy ra trong bối cảnh Pháp khi đó vẫn có bất đồng trong quan hệ với NATO, tổ chức mà họ rời khỏi từ năm 1966.
Sau khi tung ra các đòn tấn công hạt nhân chiến thuật, quân đội Liên Xô và Tiệp Khắc sẽ chọc thủng phòng tuyến đối phương và tiến về phía sông Rhine nhờ ưu thế xe tăng đông gấp nhiều lần lực lượng NATO. Cùng thời điểm đó, quân đội Hungary sẽ tấn công và kiểm soát nước Áo vốn trung lập nhưng có tầm quan trọng về mặt chiến lược.
Trong khi lực lượng đổ bộ Liên Xô chiếm những cây cầu quan trọng, không quân khối Hiệp ước Warsaw sẽ phá hủy sân bay và căn cứ quân sự của NATO ở châu Âu.
Nhiệm vụ quan trọng được giao cho hải quân Liên Xô là cắt đứt mọi tuyến liên lạc giữa Mỹ và châu Âu ở Đại Tây Dương cũng như ngăn Mỹ điều quân chi viện cho đồng minh. Các tàu ngầm Liên Xô sẽ săn lùng và diệt át chủ bài là những nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Trong khi đó, lực lượng tàu ngầm hạt nhân ở Bắc Băng Dương cũng sẵn sàng đáp trả đòn tấn công hạt nhân của Washington.
Moskva tin rằng quân chủ lực của NATO ở châu Âu sẽ bị đè bẹp trong bảy ngày nếu mọi thứ diễn ra như kế hoạch. Quân đội Liên Xô cũng có thể tiếp tục tiến về Pháp nếu cần thiết, buộc giới lãnh đạo phương Tây ngồi vào bàn đàm phán và tránh nguy cơ chiến tranh hạt nhân tổng lực.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng kế hoạch này khó lòng khả thi. Các chiến lược gia Liên Xô đã không tính đến học thuyết phòng thủ tập thể của NATO, trong đó có điều khoản việc một thành viên trong khối bị tấn công sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung của toàn bộ các nước thành viên.
NATO cũng sẵn sàng leo thang chiến tranh hạt nhân toàn diện trong trường hợp một nước thành viên trong khối bị tấn công hạt nhân, dù nước đó có sở hữu vũ khí hạt nhân hay không.
Ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Liên Xô trong khối Warsaw cũng cho rằng kế hoạch "Bảy ngày tới sông Rhine" quá lạc quan và gần như không thể thực hiện. Tuy nhiên, Liên Xô vẫn bí mật tiến hành các cuộc tập trận theo kế hoạch này cho tới cuối thập niên 1980.