Bị giam trong nhà tù của phát xít Đức gần như là dấu chấm hết với quá trình chiến đấu của các binh sĩ phe Đồng minh trong Thế chiến II. Tuy nhiên, người lính Nam Phi Job Maseko lại làm nên kỳ tích vào năm 1942, khi đánh chìm tàu Đức bằng quả bom tự chế từ một hộp sữa trong khi vẫn là tù binh.
Job Maseko là nhân viên giao hàng ở thị trấn Springs, gần thủ đô Johannesburg của Nam Phi khi Thế chiến II nổ ra. Vào thời điểm đó, những người da đen bản địa không được gia nhập quân đội Nam Phi (UDF). Chính sách này thay đổi sau khi quân Đồng minh cần lượng lớn binh sĩ tham chiến.
Dù vậy, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Nam Phi khiến người da màu hoặc con lai không được tham gia nhiệm vụ chiến đấu, chỉ những người da trắng được huấn luyện quân sự. Bất chấp hạn chế này, Maseko và 77.000 lính da màu Nam Phi vẫn tình nguyện nhập ngũ để chống phe Trục.
Đầu năm 1942, Maseko trở thành hạ sĩ thuộc Quân đoàn Bản xứ Nam Phi đồn trú ở Tobruk, Libya, nơi đang bị phát xít Đức bao vây và liên tục oanh tạc dữ dội.
Những binh sĩ như Maseko ban đầu chỉ được trang bị giáo khi làm nhiệm vụ canh gác. Tuy nhiên, khi lực lượng của thống chế Đức Erwin Rommel tiến công, họ được biên chế súng trường và chiến đấu bên cạnh các đồng đội da trắng để phòng thủ Tobruk.
Ngày 21/6/1942, Tobruk thất thủ vì hỏa lực mạnh của đối phương, Maseko cùng hàng nghìn lính Nam Phi bị bắt làm tù binh. Quân Đức phân chia số tù binh này theo chủng tộc. Những người da trắng được chuyển đến các trại tù binh ở châu Âu, trong khi người da màu phải đi bộ qua sa mạc đến trại tù binh ở Italy, nơi họ trở thành lao động khổ sai.
Các tù binh da màu chỉ có khẩu phần ăn hạn chế gồm vài chiếc bánh quy khô và cháo nhiễm đầy mọt. Họ cũng chỉ được uống lượng nước rất ít, dù phải làm việc trong điều kiện sa mạc khắc nghiệt.
Thiếu tá Schroeder, chỉ huy trại tù binh, là người rất tàn bạo và thường xuyên tra tấn tù binh. Những cai ngục cũng lấy việc đánh đập tù binh làm thú vui. Có lần thống chế Rommel trực tiếp thị sát nhà tù và hỏi Maseko về tình trạng cuộc sống. Dù bị Schroeder cảnh cáo, Maseko vẫn kể trung thực những gì xảy ra với các tù nhân. Điều đó khiến người lính Nam Phi này bị biệt giam và tra tấn.
Các tù nhân thường phải làm những việc như bốc xếp hàng tiếp tế từ các tàu hàng Đức. Quá trình phòng thủ Tobruk giúp Maseko học cách làm bom tự chế và anh quyết định trả thù.
Trong một lần dỡ hàng, ba tù nhân đã thu hút sự chú ý của lính canh để Maseko chế bom ở dưới hầm tàu.
Khối chất nổ được làm từ thuốc súng rút ra từ một hộp đạn, hộp sữa rỗng và một dây cháy chậm. Maseko đặt nó vào giữa các thùng nhiên liệu trên tàu hàng. Anh lặng lẽ châm ngòi trước khi bốc dỡ khối hàng cuối cùng và rời đi.
Vài phút sau khi nhóm Maseko trở về nhà tù, quả bom và các thùng nhiên liệu cùng phát nổ, khiến tàu hàng chìm xuống biển. Quân Đức không tìm được nguyên nhân vụ nổ nên Maseko thoát nạn.
Maseko sau này đào thoát khỏi nhà tù và tìm đường băng qua sa mạc để hội quân với lực lượng Đồng minh. Maseko được đề xuất nhận Huân chương Victory, phần thưởng cao quý nhất của lực lượng vũ trang Anh. Tuy nhiên, anh chỉ được trao Huân chương Quân đội Anh vì màu da và chính sách phân biệt chủng tộc khi đó.
Số phận người anh hùng Nam Phi cũng là một bi kịch sau chiến tranh. Những hy sinh, khó khăn mà Maseko và đồng đội phải chịu đựng trong chiến tranh không được ghi nhận ở quê nhà. Anh lâm vào cảnh nghèo đói và thiệt mạng do bị tàu hỏa đâm vào năm 1952. Chiến công của người lính này chỉ được biết đến sau đó hơn 50 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.