Dân Việt

Đại biểu Quốc hội: "Đất nước như một cơ thế sống, quan hệ tuần hoàn, không vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết"

PVCT 25/07/2021 09:35 GMT+7
“Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói.

Giao Chính phủ và Thủ tướng quyền chủ động

Sáng nay (25/7), Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế -xã hội. Trong bài phát biểu của mình, nhiều ĐBQH đã đề cập tới công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đại biểu Quốc hội: "Đất nước như một cơ thế sống, quan hệ tuần hoàn, không vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết" - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang phát biểu sáng 25/7. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) trong phát biểu đã nhấn mạnh tới diễn biến tình hình dịch Covid-19 ở nước ta. Từ cuối tháng 4/2021 đến nay người dân và doanh nghiệp đã phải chịu ảnh hưởng nhiều mặt từ đợt làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Số ca nhiễm bệnh trong nước ngày lớn và liên tục tăng cao, nhiều địa phương đang phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Vẫn theo ĐBQH Nguyễn Trường Giang, thời gian tới có thể diễn biến của dịch còn hết sức phức tạp, do đó để tiếp tục thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt chống dịch, vừa phát triển kinh tế -xã hội là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng cần phải kiên trì thực hiện. Trong đó việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định và phục hồi kinh tế.

"Để thực hiện thành công mục tiêu này, trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay và có thể phức tạp, khó lường hơn trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị, nhân dân, cử tri cả nước cần đồng hành, chung tay phòng, chống dịch. Trong đó Chính phủ, Thủ tướng cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn nữa, có thể có những biện pháp chưa có quy định trong luật hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Để có cơ sở pháp lý, tạo thế chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi cho rằng việc Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch, quyết định việc áp dụng các biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của một số luật hiện hành để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19, một đại dịch chưa từng có trên thế giới, là việc rất cần thiết và cần được thực hiện ngay. Việc này cũng tương tự như việc Quốc hội thí điểm một số chính sách mới, đặc thù của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", ĐBQH Nguyễn Trường Giang nói.

5 bài học về chống dịch

Phát biểu góp ý, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu 5 vấn đề nổi lên trong thời gian chống dịch vừa qua, cũng là bài học cần tổng kết để giúp cho công tác chống dịch triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội: "Đất nước như một cơ thế sống, quan hệ tuần hoàn, không vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết" - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Quốc hội sáng 25/7. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thứ nhất, quyết liệt phòng, chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan. ĐB Thủy cho biết, thời gian qua có nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, khoa học trên cơ sở nắm chắc tình hình và đánh giá chính xác nguy cơ xâm nhập lây lan của dịch để đưa ra biện pháp phù hợp, từ đó hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Có những địa phương đón đầu dịch, tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, không để mất "giờ vàng" trong chống dịch.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện văn bản của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng những biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, người lao động, doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe ô tô vận chuyển nông sản đi qua mặc dù họ có giấy xác nhận an toàn dịch. Có nhiều doanh nghiệp phản ánh là xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng xe lại phải quay đầu vì mỗi tỉnh mỗi quy định…

"Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế. Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề này", ĐBQH Nguyễn Thị Thủy nói.

Thứ hai, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vừa qua đã khắc phục tâm lý coi thường, "nhờn" các quy định trong phòng, chống dịch. Rất nhiều hành vi vi phạm, kể cả khai báo y tế không trung thực cũng được xử lý nghiêm.

"Có nhiều biện pháp, chế tài được đặt ra, gồm cả xử lý kỷ luật về Đảng, về công vụ như vụ cách chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Hacico tại Hà Nội; rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu HĐND ở Hà Nam; khởi tố nhiều vụ án làm lây lan dịch bệnh…", ĐB Thủy dẫn chứng và cho biết qua đó giúp cho việc tuân thủ quy định của người dân ngày càng tốt hơn.

Vấn đề thư ba được ĐB Thủy phân tích là việc không công khai lịch trình di chuyển của bệnh nhân. Vấn đề thứ tư là sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự sẻ chia của các địa phương. Thứ năm là bài học huy động sức dân.