Sáng ngày 24/7, sau khi TP.Hà Nội bắt đầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, do các tài xế chưa nắm bắt được thông tin Hà Nội giãn cách xã hội.
Việc Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên các tuyến quốc lộ, cao tốc,... đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Theo đó, trên mạng xã hội xuất hiện "luồng" thông tin cho rằng: Bộ GTVT cần khẩn trương vào cuộc, đường cao tốc và các quốc lộ là huyết mạch giao thông của Quốc gia, không tỉnh thành nào có quyền chốt chặn xe chở hàng cứu trợ; Tại sao Hà Nội lại lập chốt giữa cao tốc? Nếu tỉnh nào cũng làm vậy, thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Liên quan những nội dung trên, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Hưng Hà – Cục trưởng Cục quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: "Việc lập chốt là do Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP.Hà Nội quyết định. Thực tế, trước khi Hà Nội có chủ trương lập chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên các tuyến quốc lộ, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cục cũng đã nêu ra một số ý kiến khó khăn về vấn đề này.
"Cái khó nhất là tuyến quốc lộ 1 gần như là đi xuyên hết địa phận TP.Hà Nội, cao tốc Pháp Vân Cầu - Giẽ cũng đi xuyên qua các huyện, quận phía Nam của TP.Hà Nội", ông Hà nêu ra khó khăn.
Ông Hà cho hay, việc kiểm soát dịch Covid-19 trên các tuyến quốc lộ và cao tốc là vô cùng khó khăn. Khi Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP.Hà Nội tính tới phương án lập chốt đã lấy ý kiến của các sở, Bộ GTVT và các cơ quan liên ngành, sau đó Ban chỉ đạo đã quyết định lập chốt tại các cửa ngõ TP.Hà Nội.
Trong đó, có chốt kiểm soát trên các tuyến quốc lộ trọng yếu như: Quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 6 và cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thì mới đảm bảo được công tác kiểm soát người ra vào TP.Hà Nội.
Về vai trò của Cục trưởng Cục quản lý Đường bộ I, ông Hà cho biết: "Chúng tôi đã có những tham mưu tới lãnh đạo Tổng cục và Bộ GTVT có ý kiến tới lãnh đạo TP.Hà Nội kiểm soát phân luồng điều tiết linh hoạt, đảm bảo chặt chẽ "luồng xanh" vận tải hàng hoá quốc gia. Những chốt kiểm soát của TP.Hà Nội là các vị trí địa giới hành chính trọng yếu đi vào TP.Hà Nội dễ kiểm soát nhất".
"Cục cũng đã góp ý tới TP.Hà Nội phải tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải có thẻ nhận diện và các phương tiện đi qua Hà Nội để tới địa phương khác. Tôi có kiểm tra cùng với lãnh đạo Tổng cục thì nhận thấy các chốt họ tạo điều kiện cho các xe có thẻ nhận diện đi qua rất thuận lợi. Đặc biệt, các phương tiện vận chuyển hàng hoá, hàng cứu trợ có dán thẻ nhận diện đều được tạo điều kiện lưu thông rất nhanh", ông Hà đánh giá.
Cho ý kiến về việc có tình trạng cản trở các phương tiện vận tải, ông Hà khẳng định: "Không có chuyện các chốt kiểm soát dịch Covid-19 cản trở các phương tiện, các phương tiện dán thẻ nhận diện đều được đi qua 100%. Còn các phương tiện chỉ đi qua TP.Hà Nội thì cũng đã có lộ trình tuyến tránh TP.Hà Nội để các phương tiện lựa chọn lưu thông".
Theo ông Hà, mục đích của Hà Nội là kiểm soát người ra/vào thành phố để kiểm soát dịch Covid-19 một cách tốt nhất. Do đó, Cục và TP.Hà Nội đã công bố lộ trình cho các phương tiện không đi vào TP.Hà Nội đi qua các tuyến tránh để việc lưu thông được thuận lợi hơn.
Thông tin về việc ùn ứ giao thông tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19, ông Hà chia sẻ, ngày 24/7, là ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách nên các phương tiện bị động chưa chủ động được việc đăng ký thẻ nhận diện và lộ trình đi lại của mình nên mới xảy ra ùn ứ giao thông tại các chốt".
Đến sáng nay (25/7), tại chốt Pháp Vân và cầu Phù Đổng không còn xảy ra ùn ứ, do các phương tiện đã chủ động được các giấy tờ liên quan và nắm bắt được lộ trình tuyến tránh TP.Hà Nội. Tại các chốt chỉ có một số phương tiện đang chờ được cấp thẻ nhận diện để đi vào TP. Hà Nội.
Ông Hà khuyến cáo các doanh nghiệp, đơn vị vận tải có lộ trình không đi vào TP.Hà Nội thì cập nhật các thông tin về luồng tuyến tránh TP.Hà Nội để phổ biến cho tài xế nắm bắt, chủ động vận chuyển hàng hoá. Nếu có lộ trình đi vào TP.Hà Nội thì đăng ký thẻ nhận diện phương tiện và hoàn thiện các thủ tục xét nghiệm Covid-19 cho các tài xế.
Lộ trình tuyến đường tránh TP.Hà Nội:
Hướng tuyến các tỉnh Tây Bắc về Hà Nam, Ninh Bình, các tỉnh phía Nam và ngược lại đi theo các lộ trình như sau: QL6 đi ngã ba Tòng Đậu - QL15- Thanh Hóa; QL6 đi ngã ba Mường Khến – QL12B – đường Hồ Chí Minh; QL6 đi ngã ba Cun – đường tỉnh 12B – đường Hồ Chí Minh.
Hướng từ Hòa Bình đi Vĩnh Phúc, Yên Bái và ngược lại đi theo lộ trình Hòa Bình -QL6 - đi đường tỉnh 317 - QL32 – QL2 (Việt Trì về Vĩnh Yên);
Hướng từ đường Hồ Chí Minh sang QL1 và ngược lại theo lộ trình đường Hồ Chí Minh – QL 21 – giao QL1 – nút giao Liêm Tuyền (cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ).
Hướng tuyến từ các tỉnh phía Nam sang tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, các tỉnh Đông Bắc và ngược lại: Từ Đồng Văn (nút giao Vực Vòng cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ) – đi QL38 – QL38B – giao Cao Tốc 5B (Hà Nội – Hải Phòng); Từ Đồng Văn (nút giao Vực Vòng cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ) – đi QL38 – giao QL1 (cao tốc Hà Nội – Bắc Giang)
Hướng đi Bắc Ninh sang Thái Nguyên và ngược lại đi từ Bắc Ninh đi QL18 – QL3 – nút giao Ba Hàng (giao QL3 và ĐT261). Hướng đi Thái Nguyên sang Vĩnh Yên và ngược lại đi từ nút giao Ba Hàng (giao QL3 và ĐT261) – ĐT261 giao QL2 và đi Việt Trì.