Dân Việt

Đang bán loại nông sản này sang Mỹ, Trung Quốc ầm ầm, thu 8,2 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp vẫn như "ngồi trên lửa"

Khánh Nguyên 27/07/2021 11:04 GMT+7
Nếu như nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu 8,2 tỷ USD thì hiện tại các doanh nghiệp trong ngành như đang "ngồi trên đống lửa" vì nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.

Mỹ, Trung Quốc tăng tốc thu mua, xuất khẩu gỗ tăng trưởng ngoạn mục

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2021 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 63,2% so với tháng 6/2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,23 tỷ USD, tăng 59% so với tháng 6/2020.

 Tính chung trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,4 tỷ USD, tăng 76,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, trong nửa đầu năm 2021, ngành gỗ tiếp tục là ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường đều đạt ở mức cao. 

Dẫn dầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Mỹ đạt 5 tỷ USD, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 814 triệu USD, tăng 27,1%; Nhật Bản đạt 704 triệu USD, tăng 17,2%; Hàn Quốc đạt 453,1 triệu USD, tăng 12,8%... 

Theo đánh giá, triển vọng xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ tới Mỹ trong nửa cuối năm 2021 có nhiều tín hiệu khả quan, nhờ các số liệu kinh tế thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt. 

Trong đó, thị trường việc làm, thị trường nhà ở tăng trưởng mạnh là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn tăng mạnh tại Mỹ.

Đang bán loại nông sản này sang Mỹ, Trung Quốc ầm ầm, thu 8,2 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp vẫn như "ngồi trên lửa" - Ảnh 1.

Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covia-19 nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp khó khăn để duy trì chuỗi sản xuất. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Minh Thành (Đồng Nai). Ảnh: Cao Cẩm.

Ngoài thị trường Mỹ, Anh cũng đang có xu hướng mua nhiều sản phẩm gỗ từ Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh trong tháng 4/2021 đạt 397,3 triệu USD, tăng 117,4% so với tháng 4/2020. 

Trong 4 tháng đầu năm 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh đạt 1,5 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nột thất bằng gỗ lớn thứ 3 cho Anh, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,5% trong tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Anh trong 4 tháng đầu năm 2021. 

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác, đặc biệt là việc tận dụng hiệu quả ưu đãi lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA).

Xuất khẩu gỗ đang khả quan nhưng doanh nghiệp đứng ngồi không yên

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp ngành gỗ khá bận rộn do đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết. Các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cũng góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, hiện nay, đà tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và lan rộng ngay cả thị trường trong nước và tại các thị trường xuất khẩu chính.

Điều này, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng.

Một khảo sát mới đây về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp của Hiệp hội Gỗ Đồng Nai cho thấy, trong số 50 doanh nghiệp thành viên tham gia khảo sát, có đến 60% doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất do công nhân bị cách ly, phong tỏa, trong khi việc bố trí sản xuất "3 tại chỗ" đang gặp nhiều khó khăn.

Chỉ 30% trong số 50 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Hiệp hội Gỗ Đồng Nai đang duy trì sản xuất nhưng cầm chừng vì phải tổ chức giãn cách để đáp ứng các đơn hàng đã ký.

Được biết, Hiệp hội Gỗ Đồng Nai hiện có 138 thành viên.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) thừa nhận một thực tế là các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ ở các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai đang vô cùng khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

"Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do không có đủ nhân công vì đa phần bị cách ly, phong tỏa; việc bố trí sản xuất "3 tại chỗ" cũng gặp khó khăn do thiếu mặt bằng, cơ sở vật chất. Ngay doanh nghiệp của tôi cũng phải giảm công suất 30% do một nhà máy trong vùng phong tỏa" - ông Lập nói.

Điều ông Lập lo ngại là, nếu ngành gỗ không duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất thì nguy cơ không đáp ứng được các đơn hàng đã ký và bị mất thị phần. 

"Từ thực tế đó, chúng tôi kiến nghị, Chính phủ, ngành chức năng tạo điều kiện cho các công nhân trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ được tiêm vaccine để duy trì chuỗi sản xuất, giữ vững vị thế của ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu rất cao này" - ông Lập kiến nghị.