Tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, anh G cho biết: Ngày 17/2, chị Nguyễn Thị Phương Ng (trú tại huyện Yên Lập) mua 1 cây hoa phong lan đột biến 5 cánh trắng “Bạch tuyết” của anh Đỗ Văn Ph (ở TP Việt Trì, Phú Thọ) với giá là 416 triệu đồng.
Sau khi mua, ngày 19/2, chị Ng đem gửi cây hoa phong lan này cho anh G chăm sóc. Đến ngày 4/7, có 2 đối tượng nam giới đến vườn lan của anh G xem và hỏi mua cây hoa phong lan đột biến 5 cánh trắng “Bạch tuyết” của chị Ng gửi.
Nhưng sau đó, 2 đối tượng này chỉ mua của anh G cây hoa phong lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng “Phú Thọ” với giá 1,2 triệu đồng rồi đi về.
Đến ngày 8/7, anh G phát hiện cây hoa phong lan của chị Ng có biểu hiện úa, chết. Khi kiểm tra, anh G xác định một trong hai đối tượng đã dùng dung dịch hóa chất đổ vào cây nên đã thông báo cho chị Ng và trình báo sự việc đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lập.
Ngày 10/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Lập đã chuyển đơn tố giác trên cùng tài liệu có liên quan đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý giải quyết.
Trung tá Nguyễn Quang Hoà, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Việc điều tra gặp không ít khó khăn do thủ đoạn tinh vi của đối tượng gây án. Các đối tượng có sự thống nhất từ trước nên có nhiều phương thức và thủ đoạn đối phó với cơ quan Công an.
Quá trình rà soát, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã xác định các đối tượng có liên quan gồm Cù Mạnh Tư (SN 1993, trú tại Phú Thọ) và triệu tập lên trụ sở làm việc.
Từ lời khai của Tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đồng thời làm rõ hai đối tượng có liên quan là Bùi Đăng Khoa (SN 1988) và Hán Đức Hải (SN 1994, đều trú tại xã Vạn Xuân - huyện Tam Nông - Phú Thọ), song vào thời điểm đó Hải và Tư vắng mặt tại địa phương.
Quá trình điều tra, ngày 12-7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã vận động Hải và Khoa đến cơ quan Công an làm việc.
Tại cơ quan điều tra, vụ việc bước đầu được làm rõ: Khoảng tháng 11/2020, Hải cùng Khoa đến vườn lan của anh Nguyễn Trung Thực địa chỉ tại Ngã Tư Sở Sao, Thành phố Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương mua một cây phong lan 5 cánh trắng “Bạch tuyết” với giá 170.000.000 đồng.
Sau đó, bán lại cho anh Ph với giá 170.000.000 đồng, một thời gian sau Ph thông báo đã bán cây lan trên cho chị Ng ở Yên Lập. Trong thời gian này, các bên thường xuyên gửi hình ảnh cho nhau để bảo hành.
Cụ thể, Ph nhận video và hình ảnh từ chị Ng sau đó gửi cho Hải, Hải gửi cho Thực. Đến tháng 4/2021, khi Hải gửi hình ảnh cho Thực để bảo hành thì bị Thực chặn số không liên lạc được.
Sau đó, Hải xác định cây lan này không phải hoa lan đột biến 5 cánh trắng “Bạch tuyết”… Do sợ bị chủ vườn lan tố cáo có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo và phải bồi thường tiền nên Hải đã bàn với Tư và Khoa thực hiện hành vi đầu độc cây, mục đích để người mua lan không còn bằng chứng đối chiếu, từ đó không bắt đền được.
Hải giao cho Tư có trách nhiệm sang nhà gặp em gái lấy 1 lọ thuốc diệt cỏ về pha với muối tạo thành dung dịch, cho hỗn hợp dung dịch này vào lọ nhỏ AB (lọ thuốc kích cho ra hoa dùng cho dòng hoa lan) trực tiếp phun vào cây.
Theo sự phân công thì Khoa có trách nhiệm đánh lạc hướng chủ vườn lan bằng cách đi hỏi mua một giỏ lan khác để Tư có điều kiện nhỏ thuốc. Ngày 4/7, Hải thuê anh V là chủ lái xe taxi đưa Tư và Khoa lên vườn lan của anh G tại Yên Lập. Tại đây, các đối tượng đã thực hiện hành vi như đã trình bày trên.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Quang Hoà cho biết: Từ tình hình thực tiễn và nhằm ngăn chặn các vụ việc phức tạp liên quan đến thị trường lan đột biến, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp Công an các huyện, thành, thị rà soát, thống kê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Quá trình rà soát xác định tổng số 850 nhà vườn, với nhiều dòng hoa lan “đột biến” được cho là có giá trị cao.
Hiện nay, trên thị trường toàn quốc có một số dòng hoa lan đột biến các chủ nhà vườn đặt tên như: lan đột biến HO (Hiển Oanh - tên chủ vườn hoa lan ở tỉnh Hòa Bình); hoa lan đột biến “Hồng mỹ nhân”; “Bạch tuyết 5 cánh trắng”, lan đột biến “Bạch tuyết Á hậu”; lan đột biến “Huyền thoại bướm đại ngàn”; “Juliet”...
Một số “đại gia” về hoa lan, dùng các thủ đoạn để “thổi giá” và tung ra giao dịch trên thị trường, tạo ra thị trường ảo, biến lan đột biến thành công cụ để huy động vốn dưới dạng đầu tư đa cấp, lôi kéo những người có lòng tham và không hiểu biết đã huy động tiền nhàn rỗi từ gia đình, bạn bè, người thân, thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, thậm chí vay “tín dụng đen” để đầu tư.
Các chủ nhà vườn và các đối tượng tham gia vào thị trường hoa lan thu về hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong thời gian rất ngắn, gây ra làn sóng sốt về hoa lan “đột biến”, những người tham gia đầu tư ở những cấp cuối cũng có nguy cơ mất vốn là rất cao.
Nhiều người mua hoa lan đột biến bị các đối tượng lừa đảo bán cho các loại hoa lan không đúng chủng loại, đối tượng yêu cầu. Sau một thời gian sinh trưởng, phát triển, ra hoa người mua mới phát hiện nên đã đòi lại tiền nhưng đối tượng bán đã bỏ trốn hoặc cố tình không trả lại tiền nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra.
Trong các vụ việc như trên, quá trình tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác của Cơ quan điều tra ở nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì hiện chưa có hệ thống thông tin, dữ liệu khoa học về gien của các loại lan đột biến nên không có căn cứ để kết luận giám định là lan đột biến hay lan thường.
Đồng thời không có căn cứ để định giá tài sản đối với mặt hàng hoa lan, do vậy công tác điều tra, xử lý người bị tố giác gặp rất nhiều khó khăn…, nên phần thua thiệt sẽ luôn thuộc về những người sau cùng.