Thủy sản khai thác đang là mặt hàng gặp khó khăn ở Bình Định, bởi ách tắc về khâu tiêu thụ. Theo nhiều chủ tàu cá, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch Covid-19 gây khó khăn trong tiêu thụ thủy sản.
Giá một số loại thủy sản đang giảm mạnh, khiến ngư dân không dám cho tàu ra khơi đánh bắt, chủ tàu thì lo ngại đánh bắt xong không biết có bán được sản phẩm hay không.
Vì vậy, lực lượng tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định hiện đang neo bờ khoảng 50%. Nếu dịch Covid-19 còn kéo dài, tiêu thụ thủy sản còn gặp khó khăn, số lượng tàu cá nằm bờ ở Bình Định sẽ còn tăng thêm.
Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, dự kiến sản lượng thủy sản khai thác từ tháng 7 đến tháng 10/2021 của tỉnh ước đạt khoảng 39.480 tấn, trong đó có 1.470 tấn cá ngừ đại dương.
Hiện nay, tỉnh Bình Định đã có hướng kêu gọi các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thu mua cá ngừ đại dương để chế biến hoặc bảo quản phục vụ xuất khẩu, nên nguy cơ bị tồn đọng là rất ít.
Tuy nhiên, các loại thủy sản đánh bắt khác phần lớn được tiêu thụ qua trung gian đầu nậu tại các cảng cá, chợ cá và đại lý thủy sản để cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, trong khi tình hình vận chuyển, tiêu thụ rất khó khăn, nhu cầu tiêu thụ cũng đang giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho rằng, trong các loại nông sản, hiện dưa hấu cũng đang là mặt hàng đáng lo nhất về khâu tiêu thụ.
Tổng diện tích trồng dưa hấu trong vụ hè thu năm nay ở Bình Định khoảng 700 ha, tổng sản lượng dự kiến đạt khoảng 23.000 tấn. Diện tích dưa hấu nói trên sẽ thu hoạch rộ trong tháng 7, tháng 8.
Dự báo, dưa hấu vụ này sẽ hết sức khó khăn trong việc tổ chức tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Vì vậy, kênh tiêu thụ được xác định tập trung cho thị trường nội địa, nhất là các chợ trong tỉnh và một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Tuy nhiên, những địa phương nói trên cũng đang bị dịch Covid-19 hoành hành, nên khâu vận chuyển, tiêu thụ đang gặp nhiều trắc trở.
Dự báo, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 còn ảnh hưởng lâu dài, dưa hấu vụ hè thu năm nay của Bình Định có khả năng tồn đọng khoảng 15.000 tấn.
Trước thực tế này, Sở NNPTNT Bình Định sẽ phối hợp với Sở Công Thương cùng chính quyền các địa phương tổ chức kết nối với các đại lý thu gom; các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể của tỉnh; hệ thống siêu thị trên địa bàn tổ chức phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng.
Ngoài ra, tổ chức các điểm bán lẻ, đồng thời vận động người dân trong tỉnh mua ủng hộ và kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ ngoài tỉnh.
Hiện tại, đầu ra của thủy sản nuôi trồng của tỉnh Bình Định cũng đang trong tình trạng rất ảm đạm.
Theo ông Lê Đình Đức, Giám đốc HTX Thủy sản Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, Bình Định), hiện tôm thẻ chân trắng đang lâm cảnh khó tiêu thụ.
Tại xã Mỹ Thành, các đại lý cung ứng thức ăn thủy sản chính là đầu nậu thu mua tôm theo phương thức: Đại lý cung ứng thức ăn cho chủ hồ tôm từ đầu vụ nuôi, đến khi thu hoạch đại lý đến thu mua tôm, sau đó trừ tiền thức ăn đã cung ứng trước đó.
Trước đây, tôm thu hoạch lên bao nhiêu là các đại lý thu mua hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dù đến vụ thu hoạch rộ, nhưng các đại lý tiêu thụ số lượng rất nhỏ giọt.
Bởi, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, tôm không thể xuất bán ra Hà Nội hay những tỉnh thành khác, chủ yếu chỉ tiêu thụ ở TP.Quy Nhơn và các chợ trong tỉnh nên sức mua rất yếu.
Ông Đức cho biết, hồ tôm nào đến kỳ thu hoạch thì phải báo trước cho đại lý. Đại lý cân đối sức tiêu thụ rồi thông báo số lượng thu mua, khi ấy chủ hồ chỉ thu hoạch đủ số lượng đại lý thông báo, số tôm còn lại trong hồ để nuôi tiếp. Khi nào đại lý bảo cần mua nữa thì chủ hồ lại thu hoạch.
"Để tôm lại nuôi dễ gặp rủi ro lắm, nếu tôm khỏe ăn tốt, tôm lột vỏ nhanh lớn thì chủ nuôi có lãi. Nếu gặp tôm yếu, ăn ít, teo dần thì chủ hồ cầm chắc lỗ. Hiện tôm thẻ chân trắng thương phẩm có giá bình quân 100.000 đồng/kg (100 con). Với giá này, người nuôi tôm vẫn đang có lãi nhưng sức tiêu thụ chậm khiến bà con lo lắng", ông Lê Đình Đức nói.
Trên cơ sở phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương nắm bắt tình hình sản lượng nông, thủy sản trong thời gian tới, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, Sở NNPTNT Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh triển khai phương án vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm phù hợp trong tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kho chứa hàng, nhằm chủ động trong bảo quản, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Nhất là các sản phẩm có sản lượng lớn, tươi sống, dễ hư hỏng và nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương tổ chức kết nối, tăng cường các phương thức xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Sở GTVT cũng đang phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát các đơn vị vận tải trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ huy động các phương tiện vận chuyển nông, thủy sản đi tiêu thụ theo nhu cầu thực tế", Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Trần Văn Phúc khẳng định.