Cuối buổi chiều 29/7, Tỉnh uỷ Đồng Nai cùng UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Y tế đã có buổi làm việc với UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) về công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Nhơn Trạch là một huyện xếp tốp đầu tỉnh Đồng Nai về số lượng khu công nghiệp (9 KCN) và cảng. Do có đông công nhân, địa bàn giáp ranh với TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu nên tình hình dịch Covid-19 tại Nhơn Trạch đang khá phức tạp.
Báo cáo với Đồng Nai, Nhơn Trạch cho biết toàn huyện đã ghi nhận hơn 600 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 12/12 xã, thị trấn của huyện đều đã có ca mắc bệnh.
Thời gian qua để đảm bảo an toàn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất đã có 327 doanh nghiệp tại Nhơn Trạch thực hiện phương án "3 tại chỗ" cho trên 45.000 lao động. Ngoài ra còn có 10 doanh nghiệp thực hiện phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" cho 1.487 lao động.
Tuy nhiên đã có đến 42 doanh nghiệp xuất hiện ca F0 với tổng số 132 ca F0 đã có kết quả PCR khẳng định và 93 ca test nhanh.
Lãnh đạo huyện Nhơn Trạch cho hay địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" nhưng trong quá trình thực hiện có khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu ăn, ở, sản xuất tại doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp khác đang thực hiện lỡ dở các phương án chống dịch tại chỗ nhưng sau đó lại để người lao động tự ý ra khỏi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, số lượng khu nhà trọ trên địa bàn huyện rất nhiều.
"Ở đây đa số nhà trọ công nhân ở chật hẹp, số lượng công nhân rất lớn, mật độ dày đặc nên nguy cơ lây lan dịch Covid-19 cao. Chúng tôi hi vọng Đồng Nai tăng cường công an, quân sự, hỗ trợ Nhơn Trạch tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các khu cách ly".
Trước những khó khăn mà Nhơn Trạch trình bày, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo trong ngày 30/7 Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phải kiểm tra các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Nhơn Trạch đã được cấp phép "3 tại chỗ".
Nếu doanh nghiệp nào không đáp ứng đủ điều kiện thì yêu cầu ngừng sản xuất để đảm bảo an toàn cho người lao động. Các công nhân trong những doanh nghiệp bị tạm dừng lao động sẽ được test nhanh và kết quả âm tính sẽ cho về lại nhà trọ.
"Nhơn Trạch phải lên kế hoạch nắm bắt nhu cầu về quê của người lao động và tổ chức đưa công nhân về quê đảm bảo an toàn. Không cho bất kỳ công nhân nào tự ý ra vào khu công nghiệp trừ các xe vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp", bà Hoàng nhấn mạnh.
Đồng Nai đưa 1.000 công nhân về quê
Chiều cùng ngày tại Đồng Nai đã có gần 1.000 công nhân làm việc tại các công ty trên địa bàn xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã được địa phương giải quyết cho về quê.
Toàn bộ số công nhân trên được địa phương miễn phí xét nghiệm SARS-CoV-2, được bố trí xe đưa về quê. Đặc biệt đoàn người rời Đồng Nai còn được lực lượng công an dẫn đường, hỗ trợ đi qua các chốt kiểm dịch của các tỉnh, thành trên đường về quê.
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai, toàn bộ số công nhân này đều quê ở Đắk Lắk. Chính vì vậy, Sở LĐTB&XH Đồng Nai đã liên hệ với Sở LĐTB&XH Đắk Lắk để chuẩn bị sẵn sàng đón đoàn. Được biết, tất cả các công nhân sẽ được tỉnh Đắk Lắk cho thực hiện cách ly theo đúng quy định phòng, chống Covid-19.
Trước đó, sáng cùng ngày, số công nhân trên đã tập trung tại UBND xã Thạnh Phú để xin được về quê nhà. UBND xã Thạnh Phú, Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai (Sở LĐTB&XH Đồng Nai)… đã kịp thời tiếp cận để xử lý sự việc.
Sở LĐTBXH Đồng Nai cũng lưu ý số lượng người lao động đăng ký được hỗ trợ về quê phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận của các địa phương nơi đăng ký thường trú. Người lao động phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi về địa phương, trường hợp được các địa phương đón về thì phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày theo quy định.