Tôi nhớ anh, và nhớ cả những ân tình của anh với cá nhân tôi - một người em bước vào nghề báo sau anh rất lâu. Tôi về Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN) năm 1994, đến giờ là 27 năm, "phụng sự" 4 đời Tổng Biên tập (TBT). Người TBT tuyển dụng tôi về tờ báo này là anh Lê Hồng Châu (Tư Châu). Anh Tư cũng đã sát ngưỡng của tuổi bát thập rồi.
Tháng 4/1994, sau gần 2 năm thất nghiệp, tôi cầm thư tay giới thiệu của nhà văn Văn Chinh sang Báo Nông dân Việt Nam (tiền thân của Báo NTNN) tìm anh Trần Quang Quý - Trưởng Ban Biên tập để xin việc.
Người đầu tiên tôi gặp ở Báo NTNN không phải là anh Quý mà là chị Mai Nhung - Thư ký Tòa soạn. Chị bảo: "Đưa hồ sơ đây, chị gửi lãnh đạo Báo cho, anh Quý đi công tác ở Phú Thọ rồi!".
Hôm sau, tôi lấy của vợ 7.000 đồng ra cơ quan mời anh Tư Châu – Tổng Biên tập đi uống cà phê ở ngõ số 4 Thụy Khuê - gọi là "lobby". Cà phê xong, đến lúc trả tiền, anh Tư Châu thủng thẳng bảo: "Để anh trả, mày đang thất nghiệp, lấy đâu ra tiền. Mai đến đây đi viết bài thử coi. Nếu viết được, tao nhận!".
Tôi cùng anh Tư Châu đi với nhau lần đầu tiên sang Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) thăm mô hình nông dân nuôi ếch đạt hiệu quả cao. Anh Tư chụp ảnh, tôi lấy tư liệu viết bài. Đó là bài báo đầu tiên của tôi đăng ở Báo Nông dân Việt Nam.
Tháng 6/1994, anh ký hợp đồng tuyển dụng tôi về báo. Mới đó mà đã 27 năm. Hôm nay, anh thành người thiên cổ. Còn tôi, vẫn công tác ở tờ báo thân yêu này, cũng đã sắp đến tuổi về hưu...
Anh Tư Châu tên thật là Lê Công Luận, sinh năm 1943, hơn tôi gần hai con giáp. Tuổi trẻ của anh cống hiến cho chiến trường chống Mỹ, với tư cách là phóng viên chiến trường của đài Phát thanh Giải Phóng. Thống nhất đất nước, anh về làm TBT Báo Kiên Giang - quê anh (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang). Có một thời gian ngắn, anh chuyển công tác về Văn phòng Tỉnh ủy Kiên Giang, đến năm 1991, anh về Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trên cương vị là Thường vụ Trung ương Hội - TBT Báo Nông dân Việt Nam - NTNN cho đến năm 1995.
Tính ra, tôi chỉ được làm "lính" của anh được trên một năm. Nhưng thời gian ngắn ngủi ấy cũng đã biết bao nhiêu tình. Nhiều đêm, muốn ra cà phê với anh (nhà tôi lúc ấy ở gần ngay tòa soạn), nhưng đến trụ sở, tầm 22 - 23 giờ, vẫn thấy anh cặm cụi đọc duyệt bài vở, lại đành đạp xe quay về. Anh ra Hà Nội công tác, xa nhà nên ở ngay tại tòa soạn.
Tôi nhớ, những sáng mùa đông, những trưa mùa hè, thủ trưởng của tôi trần lưng bên chiếc bàn gỗ ọp ẹp với bao nhiêu công việc bếp núc cho tờ báo của giai cấp nông dân (bếp núc cơm nước thì đã có chị Hà Thị Sớt - Hà Thị Kim Mai, vợ anh theo ra để lo cho chồng). Chị Mai là một cô gái xứ Quảng, có thể quên hết sự nghiệp riêng để chăm bẵm, nâng giấc cho anh những ngày xa xứ.
Cả một thời tuổi trẻ cống hiến cho nghiệp báo, anh là người Thủ trưởng thường đứng sau, nâng cánh cho lớp đàn em chúng tôi trưởng thành. Vinh quang anh để dành người khác, trách nhiệm anh luôn lãnh nhận về mình.
Làm báo, là một công việc quá ư nhọc nhằn, lại là TBT của một tờ báo Đảng địa phương, sau này là một tờ báo chính trị - xã hội, anh Tư gặp quá nhiều rào cản trong những năm tháng bắt đầu đổi mới với nhiều xung đột. Thậm chí cả những rủi ro "chết người" (không phải lỗi của anh, nhưng anh là người chịu trách nhiệm cuối cùng và cao nhất).
Hình ảnh một người Tổng Biên tập gầy gò, sẵn sàng lao vào, tham gia tất cả những công việc của một người làm báo ngày đó, từ vai trò quản lý của người TBT đến việc viết bài, chụp ảnh, biên tập của người phóng viên, lên ma-két, in của người kỹ thuật... anh đều lăn lưng vào chia sẻ cùng anh em. Đó là những hình ảnh không bao giờ phai nhòa trong tâm trí tôi và tập thể những người làm Báo NTNN (gồm chỉ trên dưới 20 người) hồi ấy.
Anh Tư! Em nhớ anh lúc nào cũng ra đường và trên vai chiếc máy ảnh Pratika sẵn sàng tác nghiệp. Em nhớ anh sẵn sàng cùng tụi em đẩy chiếc Lada già cỗi của tòa soạn mỗi khi nó chết máy. Nhớ anh dịp tháng 5/2019, Ban Biên tập Báo NTNN vào TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm thành lập báo (dịp cuối cùng tụi em được gặp anh).
Vẫn gầy gò, nhỏ nhẹ, khiêm nhường, anh hỏi thăm tình hình của báo, hỏi thăm từng người của tòa soạn thời anh làm Thủ trưởng cơ quan. Anh hỏi thăm TBT đương nhiệm Lưu Quang Định về quy mô bộ máy, nhân sự, số lượng phát hành, đời sống của anh em...
Cả một thời tuổi trẻ cống hiến cho nghiệp báo, anh là người Thủ trưởng thường đứng sau, nâng cánh cho lớp đàn em chúng tôi trưởng thành. Vinh quang anh để dành người khác, trách nhiệm anh luôn lãnh nhận về mình.
Anh Lê Công Luận, nhà báo Lê Hồng Châu, anh Tư Châu của chúng tôi! Mãi nhớ về anh - một TBT Báo NTNN của thời manh nha đổi mới, một người anh, người thầy của chúng tôi.
Anh mất, vào đúng dịp TP.HCM đang thực hiện lệnh phong tỏa vì đại dịch. Chúng em không vào trực tiếp viếng anh bên linh cữu được. Xin gửi anh một nén tâm nhang. Vĩnh biệt anh!