Tân Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trả lời phỏng vấn Báo Dân Việt ngay sau nhậm chức
Tân Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trả lời phỏng vấn Báo Dân Việt ngay sau nhậm chức
Thu Hà (thực hiện)
Thứ bảy, ngày 29/05/2021 19:50 PM (GMT+7)
Trao đổi với Báo NTNN/Báo Điện tử Dân Việt ngay sau khi được bầu giữ chức Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN, ông Lương Quốc Đoàn cho biết, cá nhân ông cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, BCH và Hội ND các cấp sẽ nỗ lực, cố gắng giúp hội viên, nông dân nâng cao thu nhập, có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn.
Là người đứng đầu và dẫn dắt giai cấp nông dân trong thời gian tới, điều Chủ tịch trăn trở nhất hiện nay là gì?
Trong bối cảnh hiện nay, thực sự có rất nhiều vấn đề để trăn trở. Trước hết, việc trăn trở nhất của tôi, đó là làm sao để chúng ta thay đổi mạnh mẽ được phương thức tập hợp nông dân.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, phương thức tập hợp nông dân không thay đổi theo kịp, dẫn đến thực tế rõ ràng là tập hợp nông dân còn nhiều hạn chế. Việc triệu tập hội viên nông dân đến để tuyên truyền như cuộc họp thông thường trước kia đã thấy rõ những hạn chế.
Để người nông dân thích ứng được với sự phát triển mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra, đó là, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây là một chủ trương rất lớn, đòi hỏi các cấp Hội chúng ta phải có đổi mới phương thức, nội dung hoạt động.
Các cấp Hội ND cần tích cực, chủ động hướng dẫn nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất lớn; cần coi trọng sản xuất về giá trị, chất lượng hơn là số lượng. Đặc biệt là hướng cho người nông dân chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp thông thường sang kinh doanh nông nghiệp.
Để làm tốt được việc này, Hội cần phải xây dựng các đề án để đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, huấn luyện người nông dân. Hội ND cần tập trung huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ cho người nông dân có đủ kiến thức để làm chủ và phát huy vai trò chủ thể của mình trong phát triển nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm gần đây, phương thức hoạt động Hội có nhiều đổi mới rất tích cực. Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục xu hướng này như thế nào, thưa Chủ tịch?
Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Nông dân Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề số 04, 05, 06 về tổ chức xây dựng Hội (năm 2020).
Các nghị quyết đã xác định rõ những chủ trương, giải pháp để thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động Hội trong thời kỳ mới, và đã từng bước đạt được kết quả có ý nghĩa.
Để phát huy những thế mạnh đang có và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đổi mới phương thức tổ chức hoạt động Hội, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần tập trung vào một số việc sau:
Thứ nhất, dứt khoát phải làm thay đổi về cơ bản phương thức tập hợp nông dân. Nhiều cơ sở Hội ở các địa phương, qua tổng kết công tác Hội, thấy rằng, mức độ tập hợp hội viên chỉ đạt 60-70% so với nông dân, thậm chí có nơi thấp hơn tỷ lệ này. Chúng ta đổi mới trên cơ sở phải sắp xếp lại các chi, tổ Hội, đặc biệt là phát triển chi tổ hội nghề nghiệp. Đó là việc trọng yếu hàng đầu trong công tác Hội hiện nay.
Thứ 2, phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa các câu lạc bộ (CLB) nông dân của Hội. Đơn cử, như các CLB nông dân tỷ phú, CLB nông sản xuất kinh doanh giỏi, CLB nông dân với pháp luật, CLB nông dân với môi trường… Chúng ta có rất nhiều mô hình CLB của nông dân, phải phát triển, tập hợp nông dân trên cả các cơ sở đó, vì mỗi câu lạc bộ gắn với nhu cầu thiết thực của người tham gia.
Thứ 3, chúng ta phải tăng cường các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân để thu hút hội viên nông dân tham gia tổ chức Hội.
Trước hết, cần tiếp tục tạo nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho nông dân phát triển kinh tế. Thông qua việc phối hợp Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng CSXH, các ngân hàng thương mại và Quỹ HTND của Hội NDVN để hỗ trợ người dân có vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, thông qua các nguồn vốn đó, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để gắn kết người nông dân.
Điểm nữa, các cấp Hội cần phải tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân về vật tư đầu vào, hợp tác với các doanh nghiệp uy tín cung cấp, giới thiệu. Hỗ trợ cho nông dân có những sản phẩm, dịch vụ đầu vào đúng chất lượng, giúp cho nông dân tránh bị "thua" ngay từ đầu vào khi mua phải vật tư nông nghiệp giả hoặc kém chất lượng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần kết nối tích cực hơn nữa với các Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn ở các tỉnh để phối hợp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản cho nông dân, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, các sản phẩm theo mùa vụ.
Khi chưa thực hiện tốt việc quy hoạch, chưa đảm bảo đầu ra tốt cho người nông dân thì Hội vẫn phải phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Đầu tư tương xứng cho yếu tố "trung tâm"
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn giàu có, nông dân văn minh. Hội Nông dân Việt Nam sẽ có những hành động gì để cụ thể hóa và đưa các mục tiêu của Nghị quyết vào cuộc sống?
Trước hết, Hội NDVN đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Mới đây, ngày 19/5/2021 trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định một lần nữa, trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thì người nông dân là "Trung tâm", nông thôn là "Nền tảng", và nông nghiệp là "Động lực". Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rất rõ vai trò của nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Và khi người nông dân là trung tâm, thì tất yếu cần phải đầu tư tương xứng cho yếu tố "trung tâm".
Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thì đối với vai trò Hội ND cần làm là hỗ trợ để "trung tâm" đó mạnh lên, tốt lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Theo đó, các cấp Hội phải tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân có đủ năng lực, trình độ và tư duy để làm chủ và phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và trong phát triển kinh tế nông thôn.
Để người nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, Hội Nông dân Việt Nam đã, đang và sẽ đưa ra những giải pháp nào để hỗ trợ hội viên của mình, thưa ông?
Trong thực tế, chúng ta thấy có rất nhiều hội viên nông dân nông dân rất giỏi, rất thông minh và chủ động chuyển đổi, thích ứng rất nhanh với đối với diễn biến thị trường. Tuy nhiên, đa phần hội viên nông dân Việt Nam không làm được như thế.
Muốn cho nông dân thay đổi, Hội cần thúc đẩy"nhu cầu đổi mới" của nông dân. Các cấp Hội NDVN cần trang bị cho nông dân có đủ kiến thức để thay đổi. Chúng ta không thể bảo người nông dân thay đổi là thay đổi ngay được. Nếu như người nông dân vẫn cách nghĩ đấy, cách làm đấy thì rất khó để phát triển đột phát.
Các cấp Hội NDVN đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp, các hiệp hội để tận dụng các kiến thức khoa học; huy động các nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, trang bị cho hội viên nông dân có đủ kiến thức, đủ năng lực để làm chủ và phát huy vai trò chủ thể.
Khi người nông dân có đủ nhận thức được vai trò chủ thể của mình và phát huy vai trò đó thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch!
"Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, các cấp Hội cần phải làm tốt vai trò tổ chức vận động cho hội viên nông dân thực hiện tốt, thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ cũng như của ngành y tế và các chính quyền địa phương về phòng chống dịch bệnh Covid. Đồng thời, phối hợp với chính quyền, các cấp các ngành phát hiện, tố giác những người trốn cách ly, những người nhập cảnh trái phép; tích cực hỗ trợ các đơn vị, lực lượng tham gia thực hiện phòng chống dịch.
Bên cạnh đó vận động hội viên nông dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, đó là chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế" - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.