Việc lựa chọn Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Tập tại Long An đang gây không ít chú ý của giới đầu tư. Có ý kiến cho rằng UBND tỉnh Long An đã chỉ định liên danh Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) và Công ty CP Khu Công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) để đầu tư KCN Nam Tân Tập không qua đấu thầu. Và năng lực của liên doanh cũng là vấn đề được quan tâm.
Liên danh SGT và SHP đã thành lập Công ty TNHH Saigontel Long An để đăng ký thực hiện dự án.
Theo Báo cáo 2113/UBND-KTTC ngày 16/3/2021 của UBND tỉnh Long An, tỉnh cùng các sở ngành đã kiểm tra khảo sát hai KCN do hai Cty "mẹ" của Saigontel đã thực hiện là KCN Đại Đồng Hoàn Sơn (Bắc Ninh), KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) và "đánh giá rất cao" khả năng của liên danh muốn thực hiện dự án Nam Tân Tập.
Về bản thân Công ty Saigontel (Saigontel Long An), tại thời điểm 10/3/2021, có số dư tài khoản được HDBank xác nhận 450 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu về vốn theo điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Kết quả xác minh của Long An cũng cho thấy Saigontel (Saigontel Long An) có khả năng huy động vốn từ tổ chức tín dụng để thực hiện dự án, có các văn bản cung cấp tín dụng của HDBank và cam kết của SGT.
Vừa thành lập, Saigontel Long An vay công ty cùng ông chủ
Có thể thấy, giữa tháng 3/2021, Long An khảo sát cả hai khu công nghiệp và tình hình tài chính của đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án KCN Nam Tân Tập.
Tại thời điểm 10/3/2021, Saigontel Long An có số dư tài khoản được HDBank xác nhận 450 tỷ đồng. Và một phần không nhỏ trong số này là đi vay vì Saigontel Long An được thành lập trong tháng 2/2021 với vốn điều lệ 337,5 tỷ đồng. SGT nắm giữ 75% vốn công ty.
Không lâu sau khi thành lập, Saigontel Long An đã vay dài hạn Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) 112,5 tỷ đồng. Hai khoản tiền này cộng lại đúng bằng với 450 tỷ đồng mà Saigontel Long An gửi tại HDBank.
Điều đáng nói, cả 4 cái tên liên quan đến KCN Nam Tân Tập bao gồm Saigontel Long An, SHP, SGT và KBC có cùng ông chủ. Đó là đại gia bất động sản khu công nghiệp Đặng Thành Tâm.
Vì vậy, Saigontel Long An được xem là công ty liên kết của KBC.
SGT vay "nóng" rồi giảm tiền ngay?
Cũng trong khoảng thời gian này, lượng tiền mặt và nợ phải trả tại SGT tăng đột ngột nhưng rồi lại giảm ở cuối kỳ.
Cụ thể, hồi cuối tháng 3/2021, nợ phải trả tại SGT đạt 2.765 tỷ đồng, tăng 1.107 tỷ đồng, tương đương 66,8% so với hồi đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 254 tỷ đồng, tương đương 74,9% lên 593 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 779 tỷ đồng, tương đương 974% lên 881 tỷ đồng.
Cần lưu ý, quý 1/2021 là thời điểm tỉnh Long An "khảo sát" chủ đầu tư Nam Tân Tập. Một trong những năng lực nhà đầu tư mà Long An có nhắc tới chính là "tiền". Dựa vào số nợ vay tăng vọt trong kỳ, có thể thấy dòng tiền chảy vào công ty tăng đột biến, lên đến ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, tại thời điểm cuối kỳ, khi thời điểm "khảo sát" đã đi qua, lượng tiền mặt lại chỉ còn hơn 300 tỷ đồng.
Tại thời điểm 1/1/2020, tiền và các khoản tương đương tiền của SGT chỉ là 123 tỷ đồng. Trong kỳ, SGT đi vay rất nhiều, trong đó, công ty có phát sinh nợ vay với KBC. Đến cuối tháng 3/2021, KBC ghi nhận khoản phải thu do cho vay ngắn hạn với SGT là 275 tỷ đồng.
Ngoài ra, KBC còn khoản phải thu về hợp tác cho vay SGT trị giá 40 tỷ đồng.
Một điểm lạ là trong báo cáo tài chính quý 1/2021 của SGT, công ty không hề nhắc gì đến khoản vay trị giá 275 tỷ đồng này. Nếu cộng số tiền này với 123 tỷ đồng đầu kỳ, (chưa tính các nguồn vay khác kể trên), tiền mặt tại SGT là tối thiểu 398 tỷ đồng.
Thế nhưng, tại thời điểm cuối tháng 3, sau khi Long An đã "khảo sát" xong, tiền mặt tại SGT giảm xuống 311 tỷ đồng.
Có hay không việc SGT vay tiền để tạo lượng tiền mặt nhiều trong khoảng thời gian giữa tháng 3, để rồi sau đó giảm vào cuối tháng?
Đáng chú ý, chỉ trong vài tháng trở lại đây, SGT mới có lượng tiền mặt lớn. Trước đó, chỉ tiêu này tại SGT là rất thấp. Tại thời điểm cuối quý 3/2020, quý 2/2020, quý 1/2020, tiền mặt tại SGT chỉ là 60,2 tỷ đồng, 10 tỷ đồng, 76,9 tỷ đồng.
Tiền mặt tăng nhưng SGT lại bất ngờ rơi vào tình trạng âm dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của SGT tại thời điểm cuối tháng 3 là -71,2 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư lên đến -1.658 tỷ đồng.
SGT gây… nợ quá hạn cho ông chủ
Ông Đặng Thành Tâm là Chủ tịch Hội đồng quản trị tại cả SGT và KBC. Vì vậy, cùng với KBC, ông Đặng Thành Tâm không ít lần cho SGT vay. Tuy nhiên, SGT nhiều lần gây nợ quá hạn (nợ xấu) cho bản thân ông Đặng Thành Tâm và các công ty liên quan.
Cụ thể, tại ngày 31/3/2021, số nợ quá hạn mà SGT chưa thanh toán cho ông Đặng Thành Tâm là 1,5 tỷ đồng. Số nợ quá hạn này lần đầu được ghi nhận tại thời điểm 1/1/2019. Như vậy, nợ xấu này đã kéo dài 2,5 năm.
Ông Đặng Thành Tâm không phải đối tượng duy nhất SGT gây nợ xấu. Tại ngày 1/1/2020, SGT có số nợ quá hạn chưa tới toán với Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn (SGI) là hơn 51,5 tỷ đồng. Tới cuối năm 2020, khoản tiền này được thanh toán sau 1 năm bị ghi nhận là nợ quá hạn.
Hồi cuối năm 2019, số nợ quá hạn chưa thanh toán mà SGT phải trả cho công ty TNHH TM và XNK Đại Phước Thịnh 11,1 tỷ đồng, phải trả SHP 1,3 tỷ đồng. Thậm chí, hồi đầu năm, SGT gây nợ xấu cho SHP gần 7 tỷ đồng.