Dân Việt

Đắk Lắk: Người dân kêu trời vì thứ quả chi chít gai rớt giá thê thảm

Ngọc Giàu 31/07/2021 11:35 GMT+7
Đang bước vào giai đoạn chính vụ nhưng sầu riêng tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Giá sầu riêng bán "rẻ như cho" khiến người dân "khóc ròng".

Theo Sở NNPTNT Đắk Lắk, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng 12.224 ha và được trồng rải rác tại nhiều huyện, trong đó nhiều nhất là các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Cư M'gar, TX. Buôn Hồ,... Sản lượng ước tính khoảng 103.200 tấn/5.216 ha (diện tích đã cho thu hoạch).

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trở nên khó khăn hơn, các thương lái cũng sẽ tỉ mỉ hơn trong việc "chọn hàng" - Video: Ngọc Giàu

Điển hình tại huyện Krông Pắk - "thủ phủ sầu riêng" của Đắk Lắk có tổng sản lượng sầu riêng khoảng 40.000 tấn. Nhưng vấn đề tiêu thụ vẫn vô cùng nản giải khi thương lái hạn chế thu mua, giá cả thấp hơn rất nhiều so với các năm trước.

Ông Đinh Xuân Diệu - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, huyện cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ sầu riêng như lập tổ công tác đặc biệt, lưu động để hỗ trợ các xã, thị trấn trong công tác phòng dịch.

Tổ này sẽ đến tận nơi thực hiện test nhanh Covid-19 để thực hiện các biện pháp y tế cần thiết và hỗ trợ các thương lái về vấn đề chỗ lưu trú trong thời gian thu mua để đảm bảo công tác phòng chống dịch cũng như tạo điều kiện thuận lợi việc tiêu thụ sầu riêng cho người dân địa phương.

Đắk Lắk: Người dân kêu trời vì thứ quả chi chít gai rớt giá thê thảm trong "mùa dịch bệnh" - Ảnh 2.

Huyện Krông Pắk - "thủ phủ sầu riêng" của Đắk Lắk có tổng sản lượng sầu riêng hàng năm ước đạt khoảng 40.000 tấn. Ảnh: Ngọc Giàu

Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các thương lái vẫn e dè, không mặn thu mua như những năm trước vì lo lắng việc đi lại, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Chị Hồ Thị Trang, một thương lái ở xã Hoà Thắng (TP.Buôn Ma Thuột) cho biết, năm nay dịch bệnh, xe cộ vận chuyển khó khăn nên chẳng ai dám "ôm" hàng, mua đến đâu tính đến đó, giá cả sụt giảm hơn một nửa so với các năm trước.

Đắk Lắk: Người dân kêu trời vì thứ quả chi chít gai rớt giá thê thảm trong "mùa dịch bệnh" - Ảnh 3.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 việc đi lại, tiêu thụ sầu riêng trở thành vấn đề hết sức nan giải. Ảnh: Ngọc Giàu

Thậm chí ngay gần trung tâm TP Buôn Ma Thuột, trên địa bàn huyện Cư Kuin việc tiêu thụ sầu riêng cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Minh Huân (xã Ea Ktur, Cư Kuin) cho biết, năm nay gia đình có khoảng 4 tấn sầu riêng đến vụ thu hoạch, tuy nhiên do dịch bệnh nên thương lái thu mua nhỏ lẻ và không thường xuyên, giá rẻ hơn rất nhiều so với các năm trước, thậm chí bà con phải "năn nỉ" thương lái mới có thể tiêu thụ bớt số lượng sầu riêng chín rụng mỗi ngày. 

Trung bình 1 kg sầu riêng hạt chỉ có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.  Các năm trước giá sầu riêng hạt không dưới 30.000 đồng/kg và sầu riêng Ri6 không dưới 60.000 đồng/kg...

Thế nhưng theo ghi nhận của PV Dân Việt thì tại các chợ trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột giá sầu riêng mà các cửa hàng, sạp trái cây vẫn bán 50.000 - 60.000 đồng/kg sầu riêng Ri6, cao hơn rất nhiều so với giá các thương lái mua ở vườn.

Đắk Lắk: Người dân kêu trời vì thứ quả chi chít gai rớt giá thê thảm trong "mùa dịch bệnh" - Ảnh 4.

Giá sầu riêng năm nay rớt thê thảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 - Ảnh: Ngọc Giàu

Giá sầu riêng giảm, hiện nhiều hộ dân chỉ biết bán nhỏ lẻ hoặc đóng gói trữ đông. Tuy vậy đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời và không thể giải quyết hết sản lượng sầu riêng như hiện nay.

Chưa kể, để đầu tư cho cây sầu riêng nhiều hộ dân đã bỏ ra không ít vốn đầu tư, thậm chí đi vay lãi ngân hàng nhưng giờ đây lại điêu đứng vì giá cả sụt giảm.

Theo Hội Cây ăn quả tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh chưa có kho cấp đông đủ lớn để thu mua và dự trữ, bảo quản sản phẩm hỗ trợ bà con.

Do đó Hội cũng đã có văn bản đề nghị Sở NNPTNT tỉnh có biện pháp hỗ trợ bà con.

Đắk Lắk: Người dân kêu trời vì thứ quả chi chít gai rớt giá thê thảm trong "mùa dịch bệnh" - Ảnh 5.

Cơ quan chức năng cần quản lý và theo dõi việc thu mua trên địa bàn, tránh để xảy ra tình trạng "ép giá" - Ảnh: Ngọc Giàu

Các ngành chức năng tạo điều kiện cho thương lái thu mua, vận chuyển dễ dàng hơn trên tinh thần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch.

Quán triệt, quản lý và theo dõi việc thu mua trên địa bàn, tránh để xảy ra tình trạng "ép giá", thu mua chênh lệch so với mức giá chung, gây thiệt hại kinh tế cho bà con.

Tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), UBND thành phố vừa ban hành văn bản về bổ sung nội dung việc cấp giấy đi lại cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các thương lái thu mua nông sản sẽ được cấp giấy đi lại trong trường hợp đã có điểm thu mua hàng nông sản ngoài địa bàn phường, xã nơi cư trú.

Và khi có nhu cầu ra khỏi địa bàn thành phố phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ.