Thời xưa, những người được "hậu táng" (hậu hĩnh – ý chỉ chôn cất đầy đủ và hoành tráng) đa số đều là những người có địa vị cao sang, giàu có. Họ xây dựng lăng mộ cho mình đầy kiên cố, chuẩn bị nhiều đồ tùy táng có giá trị. Cũng chính vì thế mà những ngôi mộ này luôn trở thành miếng mồi ngon cho giới trộm mộ. Và rồi cục diện "Hán mộ thập thất cửu không"ra đời, chủ nhân của những ngôi mộ bắt đầu đấu trí đấu dũng với những kẻ đạo mộ.
Lấy ví dụ như trường hợp một lượng lớn thủy ngân trong lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng cũng đủ để khiến những kẻ trộm mộ phải khiếp sợ; Hoặc như lăng mộ Mã vương đôi thời Hán nổi tiếng, có thể được coi là một thể loại bẫy hố lửa. Những đồ vật ở trong lăng mộ sẽ biến chất theo thời gian và tạo thành một loại khí dễ cháy. Do đó, nếu những kẻ trộm mộ nhắm tới ngôi mộ này, khi đào lên, khí sẽ tràn ra và bốc cháy khi gặp ngọn lửa trần, khiến những kẻ trộm mộ lần lượt bỏ mạng.
Một trường hợp khác là lăng mộ của một Triệu khanh thuộc nước Tấn ở Thái Nguyên thời Xuân Thu (quan khanh họ Triệu). Tại bốn góc của lăng mộ có một tảng đá lớn nặng 50 kg, xung quanh khoang quan tài còn có một lượng lớn sỏi. Những tảng đá lớn này khiến những kẻ trộm mộ hiểu rằng không dễ đào được ngôi mộ này, tốt nhất nên từ bỏ ý định, nếu không sẽ bị đá đè chết.
Nhưng nếu nói đến ngôi mộ thành công nhất trong việc chống trộm thì không thể không nhắc tới ngôi mộ giữa thời Chiến Quốc ở thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ngôi mộ cổ này được phát hiện một cách tình cờ vào những năm 1990. Tại thời điểm đó, một người nông dân địa phương muốn xây chuồng lợn trong nhà, sau đó người này đã đào ra những tảng đá kích thước vô cùng lớn. Nhận thấy sự bất thường, người đàn ông đã báo lên cục di tích văn hóa địa phương. Sau đó đơn vị này đã cử những chuyên gia khảo cổ xuống để thăm dò khảo sát khu vực.
Trong quá trình đào bới, các nhân viên không chỉ đào ra được cát mịn mà còn khai quật được nhiều hài cốt bị cắt xén. Ban đầu các chuyên gia cho rằng những xác chết này có khả năng là của những người bồi táng. Nhưng sau khi khai quật thêm, các chuyên gia khảo cổ học đã đoán được đây là một lăng mộ cổ đặc biệt nhiều bẫy chết.
Hóa ra những xác chết đó là của những kẻ trộm mộ có vào mà không thể ra. Và ngôi mộ cổ này là một ngôi mộ cát lún điển hình. Phần cát lún trong mộ cũng được chế tạo đặc biệt. Chúng được rang nóng và sấy khô trước khi đặt trong hành lang lăng mộ hoặc xung quanh mật thất, nơi nào ít thì vài tấn, chỗ nào nhiều thì tới hàng chục tấn, hàng trăm tấn.
Loại cát này lưu thông tốt, vô cùng mịn. Những kẻ trộm mộ khi vào lăng mộ trước tiên sẽ phải đối mặt với cát, chỉ cần một lượng ít được đào lên thì ngay lập tức hố cát lại được lấp đầy, cứ như vậy những kẻ trộm mộ sẽ không biết phải đào tới bao giờ mới hết cát.
Trong khi đó, những hố trộm được đào thường có kích thước lớn. Nếu không cẩn thận bản thân hố trộm cũng sẽ bị cát mịn tràn vào vùi lấp, những kẻ trộm mộ cũng sẽ trở thành người bồi táng cùng chủ nhân ngôi mộ.
Sau khi biết được những điều này, đoàn khảo cổ đã sử dụng những công cụ máy móc hiện đại, không chỉ khai quật được 30 xác chết từ lớp đất cát, mà còn vui mừng phát hiện không một di vật văn hóa nào trong ngôi mộ cổ bị mất đi. Hàng nghìn bảo vật bao gồm đồ bằng ngọc và bằng đồng được khai quật và trình làng.
Có thể thấy, những ngôi mộ cát lún là sự thể hiện trí tuệ của người xưa, khi được xây dựng cũng cần chú ý tới các yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tuy nhiên, những ngôi mộ cổ cát lún như vậy dần dần ít đi vào thời Đông Hán và sau này không còn thấy nữa.