Theo 765news, vị hoàng đế này là Minh Thần Tông Chu Dực Quân (1563-1620) hay còn gọi là Vạn Lịch đế. Ông là vị hoàng đế thứ 14 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Minh Thần Tông trị vì trong 48 năm, lâu nhất trong các vị Hoàng đế nhà Minh.
Tuy nhiên, Minh Thần Tông cũng nổi tiếng... giận lâu nhất trong lịch sử. Vì giận quần thần, vị hoàng đế này bỏ thiết triều 20 năm, đến thái tử cũng không gặp.
Cụ thể là trong 20 năm cuối đời, Vạn Lịch đế không thèm thiết triều - điều mà ngày nay thường gọi là bãi công.
Theo đó, Vạn Lịch luôn viện cớ "long thể bất an" để không thiết triều, không xử lý tấu chương thậm chí không gặp quần thần. Thậm chí đến thái tử đến gặp, ông cũng không tiếp.
Các đại thần thấy thế ồ ạt dâng sớ khuyên can. Nhìn thấy tấu chương dâng lên ngày càng nhiều, Vạn Lịch càng thêm tức giận, bực bôi, từ đó, không thèm viện cớ mà công khai luôn việc mình không muốn thiết triều.
Vạn Lịch bỏ bê triều chính, không quan tâm đến việc bổ nhiệm nhân sự trong triều dẫn đến nhiều vị trí cấp cao trong triều đình nhà Minh lúc bấy giờ bị trống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc trị nước.
Trong khi đó, Vạn Lịch toàn tâm lo việc kiến tạo lăng mộ cho bản thân. Đó là một lăng mộ nguy nga hoành tráng mà mất cả thập kỉ mới hoàn thành.
Ngoài ra, Vạn Lịch cũng ra sức ăn chơi trác táng, bất cứ ai dám can gián đều bị khép tội chết. Vạn Lịch thường uống rượu say khướt đến đêm khuya rồi đánh đập các cung nữ. Ông ta còn mê mệt chơi hoa và chim.
Vì suốt ngày chỉ lo ăn chơi xa xỉ và háo sắc nên sức khỏe của Vạn Lịch đế ngày một suy nhược, lại chi tiêu hoang phí, quốc khố nhà Minh vì thế ngày càng cạn kiệt.
Để lấp đầy quốc khố Vạn Lịch bè cho áp đặt thêm sưu cao thuế nặng khiến người dân đói khổ lầm than. Điều này dẫn đến một số cuộc khởi nghĩa nông dân. Thay vì xoa dịu lòng người, Vạn Lịch lại điều quân đội đi đánh dẹp những cuộc khởi nghĩa nhỏ này, gây tiêu hao nhân lực và tiền bạc của đất nước.
Theo 765news, có một số lý do để giải thích cho việc Vạn Lịch cố tình không thiết triều. Một trong những lý do quan trọng là vì Vạn Lịch giận quần thần vì không chịu chấp nhận yêu cầu đổi người thừa kế ngai vàng của ông ta.
Theo đó, Vạn Lịch có một sủng phi là Hoàng quý phi Trịnh thị, sinh được hoàng tử thứ 3 tên Chu Thường Tuân. Vạn Lịch rất yêu quý người con này, muốn lập Thường Tuân làm thái tử. Tuy nhiên, các quan trong triều mang tư tưởng Nho gia kịch liệt phản đối. Họ đồng loạt dâng sớ nói rằng tổ tông đã đặt ra quy củ lập trưởng không lập thứ, vì thế, việc Vạn Lịch muốn lập Chu Thường Tuân làm thái tử là đi ngược lại với giáo huấn của tổ tông.
Cuộc tranh chấp này giữa Vạn Lịch và quan lại kéo trong triều dài 15 năm, cuối cùng vào năm 1601 Vạn Lịch đầu hàng, chấp nhận lập con trưởng Chu Thường Lạc (Minh Quang Tông sau này) làm thái tử. Nhưng Vạn Lịch chán ghét con trưởng nên đối xử rất hà khắc với thái tử. Thậm chí, nhiều lần thái tử đến xin diện kiến, Vạn Lịch đều đuổi về không gặp.
Năm 1620, Vạn Lịch ốm rồi qua đời, thái tử Chu Thường Lạc lên kế vị ngai vàng, tức Minh Quang Tông Thái Xương đế. Nhưng Quang Tông chỉ ở ngôi được 29 ngày rồi chết trong một sự kiện đầy bí ẩn sẽ được kể ở một câu chuyện khác.