Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, trong 5 tầng điều trị bệnh nhân Covid-19, chỉ có tầng 1 (cơ sở cách ly F0 không triệu chứng) và tầng 2 (F0 triệu chứng nhẹ) là còn dư chỗ. 3 tầng còn lại gần như đã kín bệnh nhân.
Tầng 3 gồm 20 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng, có 4.716 giường, hiện đang tiếp nhận 4.385 bệnh nhân.
Tầng 4 điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, có bệnh lý nền với 15 bệnh viện, có 4.551 giường, hiện đang điều trị 4.238 bệnh nhân.
Tầng 5 điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch với 4 bệnh viện, 1.438 giường, đang điều trị 1.450 bệnh nhân.
Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM quan tâm nhiều hơn đến số ca F0 cần điều trị, số ca F0 chuyển nặng và số ca tử vong, số ca điều trị khỏi để tập trung nguồn lực, tập trung giải pháp thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là điều trị, cứu người.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, trong 5 tầng điều trị của TP.HCM thì tầng 3, tầng 4 đang có áp lực nhiều. Tầng 3, tầng 4 và tầng 5 gần như đầy hết năng lực. TP.HCM phải tập trung tổ chức lại và xem xét những quy trình nào có thể rút ngắn, cải thiện, sắp xếp để có thêm không gian tiếp nhận phục vụ điều trị, nhất là sơ cấp cứu và cấp cứu.
Đồng thời, tập trung liên thông các tầng điều trị, F0 ở tầng 3 chuyển nặng thì chuyển tầng 4, tầng 5 thế nào và ngược lại.
Ông Phan Văn Mãi cũng nêu thực trạng, có những bệnh viện trước đây không điều trị bệnh nhân Covid-19, bây giờ chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19 thì cần đầu tư trang thiết bị ra sao để có thể tiếp nhận bệnh nhân. Hoặc nếu các cơ sở này không tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 thì sẽ tiếp nhận bệnh nhân ở các bệnh viện khác để các bệnh viện mở rộng không gian điều trị Covid-19.
Hiện tại TP.HCM đang chuyển thêm 3 bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng thu dung điều trị lên tầng điều trị. TP.HCM đang quyết liệt để cuối tuần này có thể nhận tối đa thêm 1.000 giường nữa ở tầng điều trị thứ 3.
Bên cạnh 4 bệnh viện ở tầng 5 đang triển khai, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hiện đang có 500 giường, sẽ khẩn trương mở rộng theo kế hoạch là 1.000 giường. Ông Mãi cho biết, đây là tầng đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, hồi sức, các dịch vụ phục vụ cũng đòi hỏi rất cao nên TP.HCM đang vướng về nhân lực và trang thiết bị.
Bộ Y tế đang chỉ đạo triển khai 4 trung tâm hồi sức do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phụ trách. Đến ngày 4/8, Bệnh viện Đại học Y Dược đã triển khai được 50 giường hồi sức ở Bệnh viện quốc tế City. Các bệnh viện còn lại đang khẩn trương để cuối tuần này có thể nhận bệnh nhân đầu tiên và sau đó hoàn thiện với quy mô 2.000 giường.
Như vậy, với 1.000 giường của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thì TP.HCM sẽ có khoảng 3.000 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng, nguy kịch. TP.HCM đang khẩn trương nâng công suất điều trị của các tầng, mở rộng thêm năng lực tiếp nhận bệnh nhân mới.