Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Thành thị trong mắt một nhà nho

Phạm Xuân Nguyên 06/08/2021 16:27 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn tuyển tập thơ chữ Hán của Nguyễn Hành, một nhà nho sống ở thế kỷ XVIII, nhân dịp kỷ niệm 250 năm sinh của ông.
Đọc sách cùng bạn: Thành thị trong mắt một nhà nho - Ảnh 1.

Nhà nho Nguyễn Hành (1771-1824), gọi đại thi hào Nguyễn Du là chú ruột, và được giới văn chương đương thời xếp cùng chú mình và ba người nữa là "An Nam ngũ tuyệt" (Năm người giỏi của nước Nam). Ông sống vào thời có những biến động dữ dội của đất nước, khi nhà Tây Sơn nổi lên, rồi nhà Nguyễn thay thế, lập triều đại mới. Nhưng Nguyễn Hành không theo nhà nào, chỉ một niềm cô trung hoài Lê. Thơ ông để lại có hai tập là Minh quyên thi tập (Tiếng kêu của chim quyên) và Quan Đông hải (Trông bể đông).

Tuyển thơ chữ Hán của Nguyễn Hành gồm 222 bài được in cả chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa. Thơ Nguyễn Hành viết về nhiều đề tài, bày tỏ tấm lòng thương xót của ông đối với cuộc sống và con người đương thời. Như trong bài tựa tập Minh quyên thi tập ông viết: "Tiếng kêu của chim đỗ quyên, đau thương ai oán cùng cực, thì vấn vương lơ lửng giữa cây cành; còn tôi dùng chữ nghĩa lên tiếng kêu thương thì sự ai oán đến như ở trong tập thơ này là cùng cực…"

Đặc biệt trong hai tập thơ chữ Hán của Nguyễn Hành được đưa vào tuyển này có những bài ông viết về cảnh tượng và cuộc sống của thị thành, chủ yếu là ở Thăng Long mà vào thời ông đã được nhà Nguyễn đổi sang tên gọi là Bắc Thành. Tôi muốn dừng lại ở điểm này cùng bạn.

THƠ NGUYỄN HÀNH

Trung tâm Nghiên cứu Quốc họ biên soạn

Nhà xuất bản Văn Học, 2015

Số trang: 428 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 500

Giá bán: 110.000

Chúng ta đều biết từ thế kỷ 16 – 17, những yếu tố thành thị đã bắt đầu xuất hiện và hình thành trong đời sống xã hội Việt Nam phong kiến. Dẫu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không có điều kiện phát triển trong chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng những yếu tố của phương thức đó vẫn xuất hiện do những biến động của lịch sử và xã hội. 

Câu ngạn ngữ "thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến" là phản ánh thực tế đó. Thành thị là nơi sinh sống của các tầng lớp quan chức và thương nhân, là trung tâm văn hóa, kinh tế của vùng miền. Thành thị có sức hút người ở mọi miền quê đổ về để kiếm sống và sinh sống, để mong được trở thành thị dân. Người nông dân ra thành thị để được là người thành thị phải trải qua một quá trình tập sống, tập quen để thay đổi mình.

Nguyễn Hành đã nhìn thấy cái bí quyết đó của thành thị và ghi lại trong bài "Thành thị đan quyết":

"Bất lai thành thị/ Bất thức nhân tình/ Nhân tình vạn biến/ Chân tính nãi luyện/ Thí chư kim dã/ Tinh do hỏa công/ Dĩ tình luyện tính/ Thành thị tiên ông" (Không đến thành thị/ Không hiểu nhân tình/ Tình người biến đổi muôn hình vạn trạng/ Qua đó bản tính sẽ được tôi luyện/ Ví như kim loại/ Tinh luyện nhờ lửa góp công/ Lấy tình luyện tính/ Sẽ trở thành "Thành thị tiên ông" – Tổng tập văn học Việt Nam, tập 14).

Bài thơ cho thấy Nguyễn Hành đã nhìn ra một đặc điểm cơ bản mà ông gọi là "bí quyết chốn thành thị" đó là tình người biến đổi muôn hình vạn trạng (nhân tình vạn biến). Tình người phố thị là của những con người mang ý thức cá nhân, khác với tình người thôn quê trong các quan hệ họ hàng, làng mạc. Người quê ra phố chạm phải cái đầu tiên "khó chịu" là cái tình này. 

Ông nhà nho Nguyễn Hành chắc cũng không thích gì cái sự biến đổi nhân tình như vậy, như hai câu đầu bài thơ đã nói. Nhưng ông coi đó như lửa luyện sắt, người nào ngụp lặn trong bể nhân tình đó mà vẫn giữ được cái tính của mình, không bị cuộc sống thành thị làm cho mất chất, tha hóa, thì sẽ thành "thành thị tiên ông". Bí quyết chốn thành thị ở đây thực chất là bí quyết giữ mình của con người ra chốn thị thành. Cái nhìn của Nguyễn Hành vẫn là cái nhìn của nhà nho, nhưng ông đã đặt mẫu người nhà nho của mình vào một môi trường mới, khác lạ với nho gia, là thành thị để đề cao bài học ứng thế bảo thân.

Ông cũng đã quan sát thấy khi đi đường ở thành thị: "Thăng Long thành đông đa đại lộ/ Lộ đầu lai vãng hành vô số/ Đồng hành dị tình bất tương tri/ Hữu nhãn vô tâm hoàn thị ngộ" (Phía đông thành Thăng Long nhiều đường lớn/ Trên đường, người qua lại nhiều vô kể/ Cùng đi một đường nhưng tình cảm khác nhau, chẳng quen biết/ Có mắt nhưng không có tâm, chỉ càng thêm lẫm lẫn – Lê Quang Trường dịch). Thành thị là như vậy: "đồng hành dị tình" và "hữu nhãn vô tâm". Vậy sao cứ bảo thị thành vui mà bám lấy, không chịu trở lại chốn thôn quê. Tâm lý này, té ra, đã có ở con người từ khi có sự phân chia thành thị và nông thôn.

Nguyễn Hành có bài "Thị thành lạc" (Thành thị vui) nhưng là để nói ý ngược lại: "Thùy vân thị thành lạc/ Đản giác thị thành khổ/ Hồ vi hồ thị thành/ Cửu bất quy hương thổ" (Ai bảo rằng nơi thị thành là vui/ Chỉ nhận thấy ở thị thành là khổ/ Làm sao cứ luẩn quẩn ở thị thành/ Mà không trở về nơi cố thổ - Ngô Lập chi dịch). Tâm trạng này của nhà nho hơn hai thế kỷ trước vẫn đồng vọng rất nhiều với hôm nay. Nhất là cứ mỗi độ tết về xuân sang. Người ta khát khao bỏ phố về quê, "theo em anh (thì) về". Người ta kêu "ăn phải gạo thị thành như ăn phải bả". Nhưng rồi có ai dứt được phố phường đâu. Lại vẫn Nguyễn Hành nói như một sự day dứt, xót xa "Thành thị hà kham cửu nhiễm trần" (Ở thành thị sao khỏi việc lâu ngày nhiễm bụi trần).

Cho nên Nguyễn Hành mấy năm ở Thăng Long lòng vẫn hoài vọng quê nhà nơi Hồng Lĩnh. Và khi nghe tin người chú ruột là Nguyễn Du mất khi đang làm quan ở phía Nam, ông đã thốt lên câu thơ đầy nhớ thương, tiếc nuối, và cả tự hào: "Tam thu luân lạc thử thành trung/ Nam vọng phù vân mỗi ức công" (Ba năm lưu lạc chốn thành này/ Mỗi lần ngóng về phương Nam, nhìn đám mây trôi nổi lại nhớ đến ông – Tổng tập văn học Việt Nam, tập 14).

Đọc thơ Nguyễn Hành hơn hai trăm năm trước khiến ta nay cũng giật mình. Thì ra thành thị ngay từ hồi mới sơ khai đã gây cho con người cảm giác thấy mình lạc lõng, xa lạ, chỉ muốn trở về chốn quê. Con người ngày nay cũng đâu khác thế, mà cơ chừng những nỗi niềm của Nguyễn Hành ở ta còn nặng nề hơn vì thị thành hiện đại ngày càng nuốt chửng con người hơn.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 6/8/2021