Đọc sách cùng bạn: Có một ông Đức tên là Lê Quang

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 20/07/2021 06:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn một cuốn sách có tên "Nước Đức từ A đến Z" của tác giả Lê Quang.
Bình luận 0

Lê Quang là ai và cuốn sách này nói gì?

Đọc sách cùng bạn: Có một ông Đức tên là Lê Quang - Ảnh 1.

Ông ấy viết báo "Thể thao & Văn hóa" với những bài về văn chương nghệ thuật lối sống nước Đức luôn chốt ở cuối bài: Lê Quang (từ Berlin). Tôi đọc thích, và khiếp. Lão này tổng hợp báo chí Đức rồi đem trộn với cái sống mấy chục năm của mình trên đất người viết ra những câu chữ sinh động, vui nhộn khiến người đọc thấy như chuyện lão kể lão viết cứ tươi rói. Tôi gặp lão lần đầu là khi tôi cứ tưởng lão đang ở Berlin. Nào ngờ lão đã về nước lâu nay và ba từ trong ngoặc đơn cuối mỗi bài viết là lão đang sống lại Berlin và nước Đức của một thời tuổi trẻ ngang tàng, phóng túng. Nhưng khi ấy tôi cũng chưa biết lão này ở Đức thế nào mà có thể "ma xó" thế.

Ông ấy dịch tiếng Đức trong cabin cho các cuộc hội đàm, hội nghị, trao đổi văn hóa thương lượng kinh tế, dịch tại chỗ các bộ phim chiếu không có bản thuyết minh sẵn. Dịch những cuộc như thế người trong nghề mới hiểu là người dịch phải có kiến thức sâu rộng, dầy dặn thế nào mới đáp ứng được. Giỏi cái tiếng của người ta thì là hiển nhiên rồi. Mà điều này thì khỏi bàn với Lê Quang. Nghe lão nói tiếng Đức ai mà gặp lần đầu chắc hẳn tin đây là một ông Tây. 

To béo, đầu tròn trọc, mặt trông hom hóm, nhìn dáng lão trông đã Tây mà lại có tướng như võ sư, đến khi nghe lão "bắn" tằng tằng tiếng Đức vốn là một thứ tiếng nghe rất nặng âm, nặng giọng, thì đúng là dân Giéc Manh (Germany) còn gì. 

Nếu biết lão đã ở Đức 27 năm từ tuổi 18 (nay lão đã thêm gần nửa thế kỷ tuổi nữa rồi) và khi máu viết truyện nổi lên lão lại xài cái ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ thứ hai này, thì rõ lão là một ông Âu. Chỉ khi lão cười hềnh hệch và xổ ra tràng tiếng Việt như cháo chảy thì mới hay lão là người Ta đích thực. Thì ra lão sang Đức là học ngành kiến trúc, ở một lèo bên ấy, đến năm đầu thế kỷ 21 mới hồi hương, và làm một công việc rất phải dính đến ngoại ngữ với Tây là hướng dẫn viên du lịch.

NƯỚC ĐỨC TỪ A ĐẾN Z

Tác giả: Lê Quang

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2021

Số trang: 260 (khổ 13,5x20,5cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 119.000

Ông ấy dịch sách từ Đức ra tiếng Việt, khá đa dạng loại sách, trong đó chú trọng nhất là sách văn học với một sự kỳ khu, khó tính về chữ nghĩa. Thử kể mấy cuốn trong mấy chục cuốn lão đã dịch mà gây đình đám: "Người đọc", "Tình ơi là tình", "Ân sủng của đời", "Mãi yêu em", "Các phi hành gia đi vệ sinh vào đâu"… 

Cuốn "Người đọc" của ông nhà văn Đức nổi tiếng Bernhard Schlink thì có bản dịch của Lê Quang cho độc giả được đọc trước khi bộ phim quay theo tiểu thuyết này có được giải Oscar cho nữ diễn viên chính. Còn cuốn "Các phi hành gia đi vệ sinh vào đâu" thì dịch giả đã rất nín nhịn với nhà xuất bản khi phải chữa chữ "ị" trong nguyên tác thành ra "đi vệ sinh" trong bản dịch. Cứ thế, lão đã cần mẫn cày trên cánh đồng văn chương tiếng Đức để mang về những quả ngọt cho bạn đọc Việt thưởng thức.

Ông ấy, sau khi đã làm những việc nói trên trong bao nhiêu năm chủ yếu là nói tiếng Đức sang tiếng Việt, thì nay ở sách này đã bắt mình viết hẳn ra tiếng Việt những điều mình nghe thấy, mình hiểu biết ở nước Đức qua sách báo và qua sự trải nghiệm bản thân nhằm cung cấp cho bạn đọc tổ quốc mình một cuốn như là từ điển, như là sách hướng dẫn, như là cẩm nang cho người nước Việt muốn đi vào đời sống nước Đức. 

Lão gọi tên cuốn sách là "Nước Đức A-Z" để bạn đọc dễ tra cứu. Ở mỗi chữ cái lão lại liên kết với một từ có thể cho lão cơ hội nói được nhiều nhất và sâu nhất về một đặc điểm, một tính cách, một thế mạnh của nước Đức. Đó cũng là một cách khôn của lão để bao nhiêu những kiến thức của lão về nước Đức được trình bày, diễn giải một cách cặn kẽ, chi tiết, và không kém phần sinh động, thực tế về một nước Đức như lão đã sống và đã nghiệm sinh. 

Cái từ này – "nghiệm sinh" - là dịch từ cái từ tiếng Pháp "vécu" thường được nói đến trong triết học hiện sinh. Theo từng từ của cuốn sách bạn sẽ được lão người Đức có tên là Lê Quang này cho biết rất nhiều thông tin thú vị và bổ ích đến mức nếu thuộc được hết những điều tác giả viết thì khỏi cần sang Đức bạn cũng có thể nói vanh vách nhiều điều về quốc gia từng bị ngăn cách thành hai nước bởi bức tường Berlin này. 

Chưa kể tác giả còn "bonus" cho người đọc thêm những mẩu chuyện tiếu lâm ở cuối từng mục từ để thư giãn và suy ngẫm. Ví như ở mục từ "F" về bóng đá, đang mùa Euro 2020, có câu này: "Bố ơi, vì sao bóng đá không được phổ biến rộng rãi" – "Vì rất khó tìm ra 11 phụ nữ tự nguyện chịu ăn mặc đụng hàng nhau".

Cuốn sách cần thiết và hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu và sống ở một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới. Không chỉ thế, nó còn là một cẩm nang văn hóa. Đọc nó bạn có thể đọc từ A đến Z, tuần tự nhi tiến. Nhưng bạn cũng có thể chọn đọc mục từ theo chữ cái tên mình. Ví như tôi thử đọc vào mục từ Q. của tên Lê Quang. Ở chữ cái trùng với chữ cái tên mình này, lão chọn cái từ "Querdenker" với nghĩa "Người có tư duy phá thông lệ". 

Hãy nghe lão dẫn giải: "Lí do quan trọng nhất để tôi nghĩ đến từ khóa Querdenker là quyết tâm sáng tỏ một khái niệm có tính khoa học nghiêm túc mà tiếc rằng trong những ngày cả thế giới vật vã chống đại dịch Corona lại bị nhiều người gán cho nội hàm xấu xí. Querdenker nguyên thủy là chữ ghép bởi trạng từ quer (ngang) và động từ denken (tư duy). Querdenker thực ra phải được hiểu là người có tư duy tự lập, độc đáo, không theo chuẩn "phải đạo" hoặc bó gọn trong một mô hình tư duy cứng nhắc, mà biết phản biện hoặc liên thông sang các lĩnh vực khác." (tr.172) Ngẫu nhiên mà tên lão là "Quang" trong tiếng Việt có nghĩa là "Sáng" cũng có thể ứng với  "Querdenker" trong tiếng Đức.

Và như vậy, dịch giả, thông dịch viên Lê Quang ở cuốn sách này đã trở thành một "ông Đức" giới thiệu, dẫn dắt cho bạn đọc Việt Nam len lỏi vào một đất nước có những con người ở đó đáng yêu nếu như không yêu được đất nước họ, như lời tác giả đã mượn miệng một người khác nói ở lời "Phi lộ". Cũng vì vậy mà tôi gọi tác giả sách này là một ông Đức có tên là Lê Quang.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem