Đọc sách cùng bạn: Thắp sáng cây đèn lửa

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 27/07/2021 08:25 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn sách có tên "Cô Bé Ngón Tay. Tính nhân văn trong thời công nghệ số" của nhà triết học Pháp Michel Serres (1930 – 2019) qua bản dịch từ tiếng Pháp của Hoàng Mai Anh.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Thắt sáng cây đèn lửa - Ảnh 1.

Cô Bé Ngón Tay (Petite Poucette) không phải là cô bé có thân hình nhỏ bằng ngón tay như trong các câu chuyện cổ tích. Cô Bé Ngón Tay là tên tác giả sách đặt cho những cô cậu sinh ra trong thời đại công nghệ số chỉ cần dùng ngón tay lướt nhoay nhoáy trên màn hình điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác là đã có thể thực hiện được mọi thứ của cuộc sống, không như ngày xưa. Cô Bé/Cậu Bé Ngón Tay hiện nay là những con người mới của một thời đại mới, sống trong một thế giới mới khác. 

Chúng là con người của một nhân loại mới. Chúng là "những người không biết làng quê, gia súc, thu hoạch, mùa màng là gì, chưa từng kinh qua những cuộc chiến tranh đẫm máu, chưa từng chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy, chưa từng thấy người chết đói, không hình dung được tổ quốc có ý nghĩa như thế nào..., chưa từng chịu nỗi đau khổ của sự trải nghiệm cái nhu cầu sống còn về đạo đức." (tr. 14). Chúng sinh ra đã được dự tính trước, không phải kiểu được chăng hay chớ như thời xưa. 

Chúng được định hình bằng các phương tiện thông tin đại chúng do người lớn điều hành. Chúng được định hình bởi quảng cáo. Chúng sống trong thế giới ảo. Chúng đã có một cái đầu khác, không giống cha mẹ mình, và chúng hiểu biết theo một cách khác. Chúng viết theo một cách khác và nói một thứ ngôn ngữ khác. 

Tóm lại: "Cô bé hay cậu bé của thời đại mới có một cơ thể khác, một viễn cảnh đời sống khác, chúng giao tiếp với nhau theo một cách khác, trước mắt chúng là một thế giới khác, chúng sống trong một thiên nhiên khác, trong một không gian khác." (tr. 16). Xã hội chúng sống không phải là xã hội diễn cảnh (société du spectacle) như hiện có. Sự xuất hiện của chúng đảo lộn tất cả những gì quen thuộc đã định hình và chúng buộc phải phát minh lại mọi thứ.

CÔ BÉ NGÓN TAY

Tác giả: Michel Serres (Hoàng Mai Anh dịch từ tiếng Pháp)

Sao Bắc Media & Nhà xuất bản Văn Học, 2021

Số trang: 87 (khổ 13,5x20,5)

Số lượng: 1000

Giá bán: 98.000

Sau khi giới thiệu Cô Bé Ngón Tay (tác giả dùng giống cái để nhấn mạnh sự bình đẳng giới) ở phần Một, M. Serres dành nói về sự thay đổi trong trường học (phần Hai) và trong xã hội (phần Ba) khi con người mới đó xuất hiện. Ông rất cổ vũ cho những thay đổi này. 

Lấy phần giáo dục chẳng hạn. Tác giả dùng một truyền thuyết Kito giáo nói về linh mục Denis bị quân La Mã chặt đầu nhưng vẫn cầm đầu mình trên tay đi lên ngọn đồi nơi ông sẽ bị hành hình để nói về cái đầu của Cô Bé Ngón Tay trong sự học ngày nay.

M. Serres viết: "Cô Bé Ngón Tay mở chiếc máy tính của mình. Tuy cô bé không nhớ truyền thuyết này, nhưng dường như trước mặt và trên tay cô bé là cái đầu của bản thân mình – trong đó lưu trữ nguồn thông tin khổng lồ, đầy đủ mọi kiến thức, nhưng đồng thời lại được tách bạch mạch lạc, trong đó có những công cụ tìm kiếm kích hoạt các văn bản và hình ảnh cần thiết theo ý muốn, và các chương trình xử lý vô số dữ liệu nhanh hơn rất nhiều lần cô bé có thể tự làm. 

Ở đó, tách biệt với bản thân mình, cô bé vẫn giữ được cho mình khả năng nhận thức nội tại vốn có, giống như Thánh Denis giữ cái đầu của mình trên tay." (tr. 29-30). Vậy khi đầu lìa khỏi cổ rồi thì cái gì còn lại trên vai chúng ta? "Đó là trực giác sáng tạo và sống động không gì ngăn cản nổi. Kiến thức đã được nạp đầy trong chiếc hộp, nhưng cuộc săn tìm phát minh vẫn đi cùng chúng ta như trước đây." (tr. 30). 

Nói cách khác, cái đầu của các học sinh ngày nay được giải phóng khỏi sự nhồi nhét kiến thức – chúng đã có sẵn trong máy tính, do đó trở nên trống rỗng để cho những ý tưởng phát minh xuất hiện. "Đừng nên lo sợ sự trống rỗng. Tiến lên, hãy can đảm hơn... Một trí óc sáng tạo được đo bằng khoảng cách xa rời với kiến thức." (tr. 37). 

Từ đây sự học cũng hoàn toàn khác hẳn. Ba câu hỏi căn bản của nhà trường từ xưa đến nay được M. Serres đặt ra trong hoàn cảnh mới và ông đưa ra sự khẳng định được in nghiêng trong sách: "Tôi xin nhắc lại. Truyền thụ cái gì đây? Kiến thức ư? Nó đây, đầy rẫy trên mạng, có sẵn ngay và luôn, đã được hiện thực hóa. Truyền thụ nó cho ai? Cho tất cả mọi người chăng? Nhưng hiện nay tất cả mọi người đều có thể tiếp cận đủ hết mọi kiến thức. Truyền thụ nó như thế nào? Chẳng thế nào cả: nhiệm vụ đã được giải quyết hoàn tất." (tr. 22) 

Tác giả ví không gian học tập ngày trước giống như một phương tiện giao thông, trong đó cầm lái là người dạy, còn người học là hành khách. Ngày nay cứ để Cô Bé Ngón Tay cầm lái là xong. "Trong lớp học, giảng đường, không ai là thầy giáo – tất cả đều là thầy giáo của nhau... Và trong chính trường cũng vậy, sẽ sớm không còn những lực lượng chủ chốt – những tiếng nói mang tính quyết định sẽ thay thế chúng." (tr. 44). 

Tôi chỉ dẫn ra mấy ý nói về giáo dục thời của Cô Bé Ngón Tay để bạn đọc thấy ý hướng chung của Michel Serres khi cổ vũ cho tính nhân văn trong thời đại số. Đọc vào sách còn thấy ông biện luận nhiều khía cạnh khác nhau để khẳng định tư tưởng của mình.

Một cuốn sách mỏng nhưng chứa đựng nhiều những lập luận, diễn giải vừa triết học sâu xa vừa gần gũi cuộc sống thường ngày khiến bạn đọc được kích thích trí tuệ, có thể tán thành cũng có thể phản đối tác giả điểm này điểm khác, nhưng không thể bỏ qua, không suy nghĩ. Cuối sách Michel Serres chỉ cho người đọc nhìn lướt lịch sử nhân loại từ Kim Tự Tháp đến tháp Eiffel để thấy đó là trạng thái trơ lỳ của nhân loại suốt mấy ngàn năm qua. 

Thay vào đó tác giả ủng hộ sáng kiến dựng một cây lửa đèn bên tả ngạn sông Seine, đối diện tháp Eiffel, mà mọi người trên khắp thế giới đều có thể dùng máy tính để kết nối vào. "Trong biểu tượng vươn cao như một tòa tháp này, những đặc điểm chung sẽ hợp nhất thành một dạng thân cây, những phẩm chất hiếm hơn sẽ trở thành cành, và những cái biệt lập là lá hoặc chồi. Và vì số lượng và mỗi người tham gia sẽ thay đổi theo từng ngày, nên cái cây sẽ rung động, như thể được bao bọc trong một ngọn lửa đang nhảy múa." (tr. 85-86). Và Michel Serres kêu gọi Cô Bé Ngón Tay hãy thắp sáng cái cây bay bổng này ở khắp nơi.

Một dự định lãng mạn và bay bổng, nhưng không gì là không thể trong thời đại số, trong một nhân loại mới của các Cô Bé/Cậu Bé Ngón Tay. Bạn đọc, nhất là những người trẻ được tác giả yêu mến và gửi gắm tư tưởng của mình, hãy đọc cuốn sách này của Michel Serres xuất bản năm 2012 nay được dịch ra tiếng Việt để chia sẻ và thúc đẩy cho những ước vọng nhân văn của nhà triết học Pháp quá cố được thực hiện vì hạnh phúc của con người.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 26/7/2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem