Sáu năm trước, ông Lê Anh Đức – Giám đốc công ty TNHN Bình Phước Ecofarm đầu tư 5 tỷ đồng làm hệ thống nhà kính để trồng dưa lưới.
Trang trại của Bình Phước Ecofarm là một trong những đơn vị điển hình làm nông nghiệp công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Toàn bộ diện tích canh tác 3ha đặt ở xã Thanh An (huyện Hớn Quản) được sản xuất theo chuẩn VietGAP.
Mỗi năm, trang trại thu hoạch đều đặn 4 vụ. Mỗi vụ dưa lưới cho năng suất 35-40 tấn trái, đem về cho ông Đức lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng mỗi vụ.
Năm nay, dưa lưới chuẩn bị bước vào vụ mùa thứ 3 thì dịch Covid-19 bùng phát. Ông Đức đã chuyển đổi phân nửa hệ thống nhà kính trồng dưa lưới sang trồng dưa leo và rau củ các loại.
Làm nông nghiệp thì ai cũng muốn có nguồn thu nhập tốt, nhất là với các doanh nghiệp đã bỏ nguồn lớn để vốn đầu tư vốn. Thế nhưng lúc này, lợi nhuận không còn là vấn đề trên hết.
Khi huyện Hớn Quản cũng như nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc tiếp cận rau xanh trở nên khó khăn.
Ông Đức kể, dưa lưới vẫn đang cho thu nhập ổn định. Nhưng việc chuyển sang trồng rau lúc này là một cách chung tay cùng chính quyền hỗ trợ một phần thực phẩm cho người dân đang gặp khó ở những khu vực cách ly, phong tỏa.
Sau khi bàn bạc với Phòng NNPTNT huyện Hớn Quản, ông Đức bắt đầu đưa hạt giống về trồng khắp 1,5ha trong hệ thông nhà kính của mình.
Trên phần diện tích này, anh Đức trồng đủ các loại rau củ từ dưa leo, mướp, bí, bầu đến các loại rau thơm, rau ăn lá... Mỗi thứ lại được trồng rải vụ để đảm bảo khả năng cung ứng thực phẩm liên tục.
Anh Đức nhẩm tính, năng suất mỗi sào (1.000m2) đất ước thu 1 tấn rau. 1,5ha hiện tại có thể cho sản lượng hơn chục tấn để cung ứng.
Sau nửa tháng triển khai xuống giống, những luống rau đầu tiên đã được thu hoạch để chuyển đến những người dân đang có nhu cầu.
Hệ thống ống tưới nhỏ giọt trong nông nghiệp công nghệ cao nay phục vụ trồng rau xanh để cung ứng thực phẩm cho người dân. Ảnh: Anh Đức
Bản thân anh Đức là thành viên thuộc đội phản ứng nhanh ở TX. Bình Long. Nguồn nông sản của anh không chỉ hỗ trợ bà con trong huyện Hớn Quản.
Đội của anh tham gia hỗ trợ nông sản cho nhiều địa phương trên tuyến QL13, qua địa phận các huyện thị như Hớn Quản, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đốp; xuống tới địa bàn các tỉnh thành lân cận.
Chuyến hàng mới nhất là 10 chiếc xe bán tải chở rau xuống khu vực Bình Dương, TP.HCM.
Rau xanh trồng trong hệ thống nhà kính không hư hại, không sâu bệnh và xanh tươi mơn mởn. Ảnh: Anh Đức
Anh Đức kể, đội hoạt động theo sự cho phép của chính quyền và cam kết thực hiện đúng các quy định về giãn cách xã hội và tuân thủ nguyên tắc 5K.
Phương tiện chuyên chở chủ yếu là xe bán tải với kích thước nhỏ gọn để có thể linh động di chuyển và vận chuyển hàng hóa.
Của cho không bằng cách cho. Anh Đức tâm sự, nhiều phần rau củ được công ty hỗ trợ miễn phí cho các bếp ăn thiện nguyện, những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cũng có nhiều nơi, bà con muốn gửi lại tiền mua rau cho đơn vị sản xuất.
Toàn bộ nguồn rau sạch trồng trong hệ thống nhà kính nhưng chỉ bán với giá bình quân 7.000 đồng/kg.
"Phần này coi như chi phí hỗ trợ lại các bạn nhân viên trong công ty chứ không tính lời", anh Đức nói.
7 Đã có gần 5 tấn dưa lưới được Bình Phước Ecofarm chuyển gửi đến mọi người. Ảnh: Anh Đức
Không chỉ rau củ, sản phẩm dưa lưới cũng được công ty hỗ trợ cho người dân. Những ngày vừa qua, đã có gần 5 tấn dưa lưới được Bình Phước Ecofarm chuyển gửi đến mọi người.
"Làm nông thì ai cũng mong có lợi nhuận. Nhưng lúc này nhiều người đang khó, mình cũng không thể làm ngơ", ông Đức nói.
Ông Nguyễn Vũ Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản cho biết, khi tỉnh Bình Phước thực hiện giản cách xã hội, địa phương đánh giá cuộc chiến với Covid-19 sẽ còn kéo dài.
UBND huyện đã làm việc và đề nghị các trại trồng dưa lưới trên địa bàn chuyển đổi một phần diện tích sang trồng rau, hợp sức cùng chính quyền hỗ trợ bà con đang gặp khó.
Sự đồng lòng hỗ trợ của người dân và các đơn vị như Bình Phước Ecofarm trong thời gian giãn cách xã hội có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh, ông Tiến chia sẻ.