Dân Việt

Ấm áp tình người Hà Nội trong đại dịch Covid-19 – Bài 3: Hướng về miền Nam ruột thịt

Khánh Yến - Định Nguyễn 08/08/2021 06:00 GMT+7
Trong những ngày giãn cách xã hội, người Hà Nội vẫn không quên hướng về TP.HCM, thành phố đang trong tâm dịch. Họ bảo nhau "Bắc – Nam một nhà", "Chỉ khi miền Nam thắng dịch, cả nước mới trọn vẹn niềm vui…"

LTS:

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống dân sinh. Có những thời điểm, mọi hoạt động tại thủ đô Hà Nội rất khó khăn vì tỷ lệ ca nhiễm mới tăng cao.

Tuy nhiên, giữa lúc khó khăn nhất, người Hà Nội luôn toát lên "tinh thần Tràng An" vốn có. Họ kêu gọi nhau ủng hộ từng lọ nước rửa tay sát khuẩn, từng chiếc khẩu trang, từng bữa ăn cho các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ ca hát, vẽ tranh để động viên nhau vững trí, vững lòng. Họ gửi yêu thương tới miền Nam trong những ngày cả nước một lòng vượt qua gian khó.

Những nét ứng xử nhân văn ấy làm toát lên một tinh thần Tràng An thanh lịch của mảnh đất Thăng Long văn hiến ngàn đời.

Dân Việt có chùm bài viết mang tên "Ấm áp tình người Hà Nội trong đại dịch Covid-19" để chia sẻ với độc giả những câu chuyện đầy ý nghĩa này.

Hành trình đặc biệt của những người chiến sĩ áo trắng

"Em xin được xung phong đi đợt đầu tiên ạ"; "Xin cho em đi trước"; "Hãy cho em đi cùng chồng em, con em có thể gửi ông bà chăm sóc"… Đó là những tin nhắn của các y, bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức ngay sau khi nhận được thông tin về chuyến đi vào TP.HCM chống dịch Covid-19. Hơn ai hết, họ đều ý thức được đây là một chuyến đi nhiều vất vả và chưa hẹn ngày về, nhưng họ khao khát được cống hiến, được dốc lòng vì người bệnh.

Ấm áp tình người Hà Nội trong đại dịch Covid-19 – Bài 3: Hướng về miền Nam ruột thịt - Ảnh 2.

300 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức mang khao khát được cống hiến tới TP.HCM (Ảnh: BVVĐ)

Sáng 5/8, 6 chiếc xe ô tô cỡ lớn đã đưa hơn 300 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức tới sân bay Nội Bài. Điểm đến của chuyến đi này là Bệnh viện dã chiến số 13, đóng tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, nơi sẽ sớm xây dựng khu hồi sức tích cực với 500 giường bệnh. Khu vực này điều trị những bệnh nhân nặng và rất nặng, cần nhân lực lớn, chuyên môn cao, cũng bởi vậy chuyến đi này trở thành chuyến xuất quân lớn nhất của bệnh viện Việt Đức trong lịch sử.

Chia sẻ với PV Dân Việt, bác sĩ N.K, hiện đang công tác Bệnh viện Việt Đức cho biết, anh cùng đồng nghiệp vô cùng xúc động, tự hào khi được tham gia vào hành trình này: "Các y, bác sĩ trong bệnh viện đều tình nguyện tham gia. Không ít người xin đi nhưng không được lãnh đạo duyệt bởi con còn quá nhỏ. Có một hình ảnh mà tôi cũng cứ nhớ mãi, đó là khi xe chúng tôi chuyển bánh ra sân bay Nội Bài, có một đồng nghiệp nam nhìn chúng tôi lên xe, cậu ấy rưng rưng nước mắt bởi không được đi chuyến này. Cuộc chia tay ấy khiến chúng tôi đều bịn rịn".

Ấm áp tình người Hà Nội trong đại dịch Covid-19 – Bài 3: Hướng về miền Nam ruột thịt - Ảnh 3.

Những tin nhắn xin đi tình nguyện trong tâm dịch TP.HCM của y, bác sĩ bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: FB Vũ Mạnh Cường)

Bác sĩ N.K và vợ anh đều là những bác sĩ trong các bệnh viện tuyến đầu tại Hà Nội. Những ngày này, họ đều không về nhà, các con gửi ông bà chăm sóc: "Biết là có những khó khăn, xa cách, nhưng gia đình tôi đều xác định, còn dịch là còn chiến đấu" – bác sĩ K tâm sự. Anh cũng xin phép được giấu tên để cùng hàng ngàn bác sĩ tham gia vào chuyến công tác đặc biệt này.

Ấm áp tình người Hà Nội trong đại dịch Covid-19 – Bài 3: Hướng về miền Nam ruột thịt - Ảnh 3.

Các bác sĩ trẻ cắt tóc để sẵn sàng làm nhiệm vụ. (Ảnh: BVVĐ)

GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, không khí ngày lên đường giống như nhiều chục năm trước khi các thầy thuốc áo trắng của bệnh viện lên đường vào chiến trường miền Nam, nhưng chưa lần nào đông đến vậy: "Tôi vô cùng xúc động và tự hào khi có đông anh em sẵn sàng đi vào tâm dịch đến thế. Tất cả đều thực sự tâm huyết, hết lòng vì người bệnh. Ngay khi vào TP.HCM, họ sẽ bắt tay vào việc ngay vì nếu nhận và điều trị bệnh nhân sớm hơn mỗi phút, đã có thêm một số người có cơ hội được cứu sống", GS Giang chia sẻ.

"Em không ngờ người Hà Nội yêu đồng bào trong này đến thế!"

Cùng với các y, bác sĩ, người Hà Nội cũng không ngừng hướng yêu thương về TP.HCM, nơi đang là tâm dịch. Họ tìm mọi cách để chuyển lương thực, thiết bị y tế và các dụng cụ cần thiết vào thành phố mang tên Bác với tâm niệm "Bắc – Nam một nhà, đồng bào là ruột thịt".

Sau khi ủng hộ 1 tỷ đồng vào quỹ vaccine, anh Lê Văn Trung (sinh năm 1987, hiện đang làm kinh doanh tại Hà Nội) lại cùng nhóm bạn chung tay mua 30 tấn gạo, 1.500 chai dầu ăn, 19.200 bịch sữa và hàng loạt nhu yếu phẩm cho đồng bào tại TP.HCM. Có những đêm, khi đầu mối mua gạo, mì tôm bị đứt đoạn do người vận chuyển trở thành F0, cả nhóm thức trắng để tìm kiếm địa chỉ mới. "Tôi trăn trở chỉ mong Sài Gòn chóng khỏe, người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường" – anh Trung chia sẻ.

Ấm áp tình người Hà Nội trong đại dịch Covid-19 – Bài 3: Hướng về miền Nam ruột thịt - Ảnh 4.

Một gia đình ba thế hệ tại Hà Nội cùng làm ruốc nấm để gửi tới người dân TP.HCM. (Ảnh: FB Đinh Lan Hương)

Trong khi đó, chị Đinh Lan Hương (hiện sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt đầu chiến dịch kêu gọi ủng hộ TP.HCM từ ngày 8/7, đến ngay đã tròn 1 tháng. Đã nhiều năm làm từ thiện nhưng với chị, chưa chương trình nào kéo dài và thấm đẫm cảm xúc đến thế.

Cùng với những người đồng hành, chị Lan Hương đã chuyển vào miền Nam 3.000 kính chống giọt bắn, 500 bộ bảo hộ y tế, 65 tấn gạo và hơn 1 tấn hàng đồ chay: muối vừng, ruốc nấm, hạt nêm, lạc và nhiều nhu yếu phẩm khác…

Chị Lan Hương cho biết: "Để chuyển số hàng đó từ Hà Nội vào tới miền Nam trong những ngày giãn cách xã hội là điều không đơn giản. Chúng tôi đã phải chia ra làm từng phần, rồi vận chuyển cả bằng tàu hỏa, cả ô tô. Chuyến đi vất vả, nhưng nhờ thế chúng tôi nhận ra đồng bảo cả nước yêu thương và gắn bó với nhau đến thế nào.

Ấm áp tình người Hà Nội trong đại dịch Covid-19 – Bài 3: Hướng về miền Nam ruột thịt - Ảnh 5.

Anh lái xe khách tại Bắc Giang và cô tình nguyện viên trẻ tại Sài Gòn. Cô vô cùng xúc động khi nhận được những món quà từ người Hà Nội. (Ảnh: FB Đinh Lan Hương)

Đó là anh lái xe khách Bắc Giang, vượt hàng ngàn cây số và hàng chục cuộc test Covid-19 ở mỗi địa bàn để đi vào tâm dịch. Khi phóng viên đề đạt muốn phỏng vấn, anh chỉ bảo, có gì đâu, những gì muốn nói tôi đã làm hết rồi. Đó là những cán bộ, chiến sĩ công an tại TP. HCM sẵn sàng vào cùng tình nguyện viên bê vác cả tấn hàng dù chưa kịp ăn bữa cơm chiều. Họ bảo với người trong đoàn: "Cứ yên tâm, chúng tôi sẽ bảo vệ hàng hóa. Hàng cứu trợ người dân cần lắm…".

Đó cũng là những yêu thương mà người dân Hà Nội gửi gắm vào từng lọ muối vừng, ruốc nấm… "Nhiều gia đình ba thế hệ cùng nhau lụi hụi giã vừng, rang lạc, xào nấm, làm ruốc… Họ làm cẩn thận như cho chính gia đình, người thân của mình. Họ viết lên mỗi chiếc hộp những lời nhắn và cầu chú an lành tới miền Nam. Những thứ ấy vượt ra ngoài các dãy số tự nhiên và những ngôn ngữ thông thường…" - chị Hương xúc động chia sẻ.

Ngay sau khi nhận chuyến hàng từ Hà Nội, TN – cô bé tình nguyện viện tại đầu cầu TP.HCM rơi nước mắt nhắn tin cho chị Lan Hương: "Chị ơi, em thật sự không thể tưởng tượng được tình cảm của người Thủ đô dành cho đồng bào TP.HCM lớn đến thế. Nhìn những thứ mọi người tự làm, em không thể cầm được nước mắt… Đồng bào ở đây cũng rưng rưng khi nhận được những lời nhắn từ Hà Nội!"

*******

Trong những ngày tháng đặc biệt này, người Hà Nội vẫn không quên trao gửi yêu thương và sự sẻ chia từ những điều nhỏ bé, bình dị. Truyền thống "yêu nước thương nòi" đã ăn sâu trong tâm hồn mỗi người dân Thủ đô, cũng như những người con đất Việt. Để rồi trong bất kỳ cuộc chiến nào, chúng ta cũng sẽ chiến đấu kiên cường và giành chiến thắng...