Hà Nội: Ấm áp tình người trong đại dịch Covid-19: Khi những gian bếp cùng thắp lửa yêu thương... (Bài 1)
Hà Nội: Ấm áp tình người trong đại dịch Covid-19: Khi những gian bếp cùng thắp lửa yêu thương... (Bài 1)
Khánh Yến - Định Nguyễn
Thứ tư, ngày 04/08/2021 09:49 AM (GMT+7)
Hà Nội những ngày hè năm 2021 không còn "những bếp than hồng" như trong ca khúc của nhạc sĩ Huy Du ngày nào. Thế nhưng, trong mỗi nếp nhà vẫn ấm áp những ngọn "lửa cháy yêu thương!". Người thủ đô những ngày này gửi niềm tin chiến thắng đại dịch cho nhau qua từng bữa cơm, cân gạo.
LTS: Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống dân sinh. Có những thời điểm, mọi hoạt động tại thủ đô Hà Nội rất khó khăn vì tỷ lệ ca nhiễm mới tăng cao.
Tuy nhiên, giữa lúc khó khăn nhất, người Hà Nội luôn toát lên một "tinh thần Tràng An" vốn có. Họ kêu gọi nhau ủng hộ từng lọ nước rửa tay sát khuẩn, từng chiếc khẩu trang, từng bữa ăn cho các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ ca hát, vẽ tranh để động viên nhau vững trí, vững lòng. Họ gửi yêu thương tới miền Nam, tới Sài Gòn trong những ngày cả nước một lòng vượt qua gian khó.
Những nét ứng xử nhân văn ấy làm toát lên một tinh thần Tràng An thanh lịch của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Dân Việt có chùm bài viết mang tên "Ấm áp tình người Hà Nội trong đại dịch Covid-19" để chia sẻ với độc giả những câu chuyện đầy ý nghĩa này.
"Làm cho mọi người ăn nhưng trái tim mình hạnh phúc"
Sáng 27/7, hoa hậu Jennifer Phạm và con gái dậy sớm hơn thường lệ. Ngoài việc chuẩn bị bữa ăn sáng cho gia đình, chị còn nấu hơn 30 suất cơm gà cho các y, bác sĩ tại CDC Hà Nội. Mỗi món ăn đều được Jennifer Phạm chuẩn bị kỹ lưỡng từ hộp đựng, nguyên liệu, thành phần dinh dưỡng. Chị bảo: "Trong những ngày giãn cách thế này, thật may mắn khi được làm một công việc ý nghĩa cho những người đang ở tuyến đầu chống dịch. Làm cho mọi người ăn, nhưng tôi thấy vui sướng và hạnh phúc".
Jennifer Phạm lớn lên tại Mỹ nhưng đã sống tại Hà Nội từ năm 2002 cùng gia đình nhỏ. Với chị, Hà Nội như quê hương thứ hai, nơi chứa đựng rất nhiều yêu thương và kỷ niệm. Ngay trước những ngày Thủ đô giãn cách, Jennifer Phạm đã bàn bạc với những người bạn cùng tham gia vào dự án "Bếp ăn yêu thương". Từ nơi chế biến bữa cơm của mỗi gia đình, họ sẽ nấu những món ăn khác nhau, sau đó giao cho người thu gom mang tới những nơi đang chờ đợi. "Chúng tôi muốn gửi tới họ những suất ăn nóng hổi, đủ chất dinh dưỡng để tiếp thêm cho họ một chút sức mạnh trong những ngày "chống dịch như chống giặc" cùng toàn xã hội", Jennifer Phạm chia sẻ.
Lê Ngọc Mai, người sáng lập dự án "Bếp ăn yêu thương" cho biết, hiện tại, mỗi ngày, chị cùng những người tham gia dự án đang cung cấp khoảng hơn 300 suất ăn. Chị là người tới từng nhà gom nhận đồ, sau đó vận chuyển tới phát cho các y, bác sĩ tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Phổi TW, bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân trong xóm chạy thận, những người vô gia cư đang gặp cảnh khó khăn, thiếu thốn... "Có lần, khi tới gầm cầu Long Biên phát những suất ăn cuối cùng, anh công nhân vừa nhìn thấy suất cơm liền ăn ngấu nghiến, tôi nhìn anh, cảm giác vừa ấm áp vừa nghẹn ngào. Đó là lý do mà dù có nhiều vất vả, khó khăn, chúng tôi vẫn tự nhủ mình phải tiếp tục…", chị Mai chia sẻ.
Dự án "Bếp ăn yêu thương" với thông điệp "Từng gian bếp nhỏ, thắp lửa yêu thương được bắt đầu từ ngày 30/4/2021. Dự án do chị Lê Ngọc Mai sáng lập, có sự tham gia của nhiều hộ gia đình trong việc quyên góp thực phẩm, nấu ăn, trong đó có gia đình hoa hậu Jennifer Phạm, hoa hậu Ngọc Hân, diễn viên Lương Thanh Hằng…
Tại một bếp ăn khác, những ngày này, các nữ cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội cũng đang chuẩn bị hàng chục suất cơm để gửi tới lực lượng chức năng đang đóng tại các điểm chốt phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Những suất cơm trưa đầy đủ chất dinh dưỡng bao cồm cơm, thịt luộc, bò kho khoai tây cà rốt, rau luộc, canh… đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Phúc tình nguyện nấu gần tuần nay, kể từ khi lập chốt.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Ngô Thuỳ Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Vĩnh Phúc cho biết, ngay từ 6h sáng, các cán bộ trong đơn vị đã đi chợ mua thực phẩm. Tất cả thịt, cá, rau củ quả đều có nguồn gốc, sơ chế, nấu cẩn thận nên hoàn toàn đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho lực lượng tham gia chống dịch.
"Mỗi ngày, chúng tôi chuẩn bị khoảng 40 suất cơm gửi tới cán bộ y tế, lực lượng tham gia chốt trực phòng chống dịch. Các anh chị đã làm việc rất vất vả. Qua những suất cơm này, chúng tôi muốn gửi gắm tình cảm tới anh chị. Mong anh chị vững vàng trên mặt trận tuyến đầu, chúng tôi luôn sát cánh phía sau", chị Thuỳ Linh chia sẻ.
Anh Ngô Tiến Dũng (42 tuổi, trú tại phường Vĩnh Phúc) cũng đã tình nguyện tới cùng các chị em phụ nữ trong địa bàn nấu ăn. "Khi UBND phường kêu gọi, tôi đã tới trực tiếp tham gia nấu ăn cho lực lượng cắm chốt tham gia chống dịch. Tôi mong mọi người ăn uống đảm bảo sức khoẻ để tiếp tục vì nhân dân và cuộc chiến chống Covid-19 nhanh chóng giành thắng lợi", anh Dũng nói.
Người phụ nữ mua 10 tấn gạo và 950 thùng mì tôm đặt trong nhà
Những diễn biến khó lường của của dịch bệnh đã khiến nhiều hộ kinh doanh trên khắp địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng, không ít người lao động rơi vào cảnh thiếu thốn, thất nghiệp. Trong gian khó, người Hà Nội như thường lệ lại sẵn sàng "lá lành đùm lá rách", đứng ra chung tay kêu gọi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh yếu thế hơn mình.
Là một hộ kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng chị Nguyễn Bảo Ngọc (32 tuổi, ở phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) vẫn cho rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người khác. Chị bảo: "Mình vẫn đủ ăn, đủ mặc, có nhà để trú ngụ, như vậy là hạnh phúc rồi".
Chị Ngọc kể, cách đây ít ngày, chị xem trên mạng xã hội một câu chuyện vô cùng cảm động về tình người trong những ngày dịch bệnh. Khi chị đem kể lại với con, cậu rưng rưng xúc động. Ngay lập tức, em bé 5 tuổi bê con lợn đất tiết kiệm nhiều năm qua ra đưa cho chị Ngọc, cậu bảo: "Con đưa mẹ số tiền tiết kiệm của con, mẹ đi giúp mọi người hộ con nhé". Câu nói của con trai đã khiến chị rung rưng và quyết định "phải làm một điều gì đó chung tay cùng xã hội".
"Tôi nghĩ dịch bệnh nhiều hoàn cảnh đáng thương quá nên quyết định lên kế hoạch phát gạo, mì tôm làm từ thiện đợt này. Con chưa đến 6 tuổi mà đã thương mọi người như thế, tại sao mình may mắn không bị bệnh tật gì lại không góp chút sức nhỏ giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó", chị Ngọc tâm sự.
Chị Ngọc đã cùng gia đình bỏ tiền ra mua 10 tấn gạo cùng 950 thùng mì tôm chất đầy trong nhà. Các thành viên trong gia đình chị thay nhau ngày đêm bọc hàng ngàn suất quà để yêu thương nhanh chóng được trao đi. Ngày 25/7, tại nhà mình ở phố Hàng Trống (Hà Nội), chị tiến hành phát những suất ăn đầu tiên. Người phụ nữ 32 tuổi vừa thoăn thoắt phát gạo, mì, vừa luôn miệng yêu cầu mọi người thực hiện giãn cách 2m, khử khuẩn.
"Tôi nghĩ dịch bệnh nhiều hoàn cảnh đáng thương quá nên quyết định lên kế hoạch phát gạo, mì tôm làm từ thiện đợt này. Con chưa đến 6 tuổi mà đã thương mọi người như thế, tại sao mình may mắn không bị bệnh tật gì lại không góp chút sức nhỏ giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó".
chị Nguyễn Bảo Ngọc
"Đối với gia đình khó khăn, đông người tôi sẽ phát 5kg gạo cùng 20 gói mì tôm. Gia đình nào bình thường 3kg gạo cùng 10 gói mì. Trong lúc này san sẻ mỗi người một chút tấm lòng mình. Ngày đầu tôi trao 400 suất quà cho người dân. Ngày 26/7 trao 100 suất thì đông người dân xếp hàng quá nên việc phát gạo phải dừng lại, tránh việc người dân tập trung đông đúc, không đảm bảo giãn cách", chị Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, với các hộ chính sách, chị ủng hộ mỗi gia đình 500.000 đồng, chị trao tận tay nhờ UBND các phường lên danh sách để giúp đỡ mọi người.
"Hiện tại gia đình tôi đang còn rất nhiều gạo và mì tôm nhưng do dịch bệnh phức tạp nên tôi lên phương án tìm các tổ chức, đoàn thanh niên, chính quyền các phường lên danh sách những gia đình khó khăn để trao từng suất quà tới tận tay người dân. Tôi cũng sẽ gửi đến cho những hoàn cảnh người bệnh ở xóm chạy thận ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội… Đây cũng là việc giúp đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch", chị Ngọc chia sẻ.
Đến nhận gạo của gia đình chị Ngọc, ông Hùng (65 tuổi, ngụ tại Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm) xúc động cho biết: "Người trong xóm trọ đọc được thông tin và kể cho tôi nên tôi biết được ở đây phát gạo. Tôi đến đây nhận được phần quà từ thiện cảm thấy rất xúc động. Tôi cảm ơn những tấm lòng thơm thảo giúp cho người dân trong những lúc khó khăn thế này...".
Hà Nội những ngày này vắng người đi lại, những hàng quán không còn nhộn nhịp, đông vui. Nhưng sự "giãn cách" chỉ có ở mặt địa lý chứ không hề tồn tại trong trái tim những người sinh sống ở đây, họ vẫn thắp lửa yêu thương, quan tâm tới nhau mỗi ngày trong dịch bệnh. Ý nghĩa cộng đồng Nhà - Làng - Nước đã thành thuộc tính cơ bản trong bản chất của người Kẻ Chợ. Những lúc khó khăn, con người nơi đây lại càng đoàn kết hơn để giữ gìn thủ đô yêu dấu và đất nước Việt nghìn năm vĩnh hằng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.