Dân Việt

Tháo gỡ khó khăn trong tái đào tạo nghề

Nguyệt Tạ 09/08/2021 06:00 GMT+7
Một trong những vấn đề được cả lao động và doanh nghiệp (DN) quan tâm nhất lúc này chính là việc tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, giữ vững việc làm cho người lao động. Bộ LĐTBXH và các bên đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện chính sách này.

Rà soát, hướng dẫn DN nộp hồ sơ

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, cả nước có hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng, hàng trăm nghìn DN tạm dừng sản xuất, đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, ngoài những giải pháp hỗ trợ chi trả tiền mặt trước mắt, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 cũng đề ra chính sách tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề, giữ vững việc làm cho người lao động.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH) cho biết, Tổng cục đã hoàn tất các bước chuẩn bị, thành lập Tổ triển khai Nghị quyết 68. Tổ triển khai đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định triển khai, giám sát, kiểm tra đánh giá thực hiện chương trình đào tạo nghề; cẩm nang hướng dẫn đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động...

Tháo gỡ khó khăn trong tái đào tạo nghề   - Ảnh 1.

Lao động Tổng Công ty May 10 sản xuất kinh doanh trong mùa dịch. Ảnh: N.T

Điều kiện được hỗ trợ tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề giữ vững việc làm cho lao động là các DN phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, ND phải giảm doanh thu từ 10%, có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Thời gian hỗ trợ là 1 năm. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Việc phê duyệt mức hỗ trợ, đơn vị được hỗ trợ sẽ do lãnh đạo Sở LĐTBXH các tỉnh, thành quyết định.

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bà Phạm Nguyên Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dù khó khăn nhưng các DN thành viên của tập đoàn đều đang nỗ lực, cố gắng duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Theo bà Hạnh, giải pháp bền vững được doanh nghiệp hy vọng nhiều nhất lúc này để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định, thích nghi trong tình hình mới, khôi phục sản xuất kinh doanh vẫn là tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động.

Đẩy nhanh tốc độ thực hiện

Thừa nhận những khó khăn, ông Đào Trọng Độ cho biết: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện "3 tại chỗ" thì tập trung sản xuất, các doanh nghiệp khác dừng hoạt động, người lao động bỏ về quê. Bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện giãn cách, người lao động buộc phải di cư về các tỉnh nên xảy ra tình trạng DN thiếu lao động trầm trọng khi quay trở lại sản xuất.

Đồng thời, các DN khi quay trở lại sản xuất chủ yếu tập trung khôi phục sản xuất, đẩy nhanh tiến độ sản xuất để trả các đơn hàng nên việc bố trí thời gian đào tạo cho người lao động khó khăn.

"Ngoài ra, khi DN phục hồi sản xuất thì hầu như phải tuyển mới lại lao động thay thế, do đó, lại không đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (12 tháng) để được hưởng chính sách theo quy định. Một số ND nhà nước thì khó đáp ứng điều kiện giảm doanh thu 10% theo quy định"- ông Độ nói.

Trước thực trạng này, từ đầu tháng 8 tới nay, Bộ LĐTBXH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hàng chục hội nghị, gặp gỡ nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai.

Tổ triển khai Nghị quyết 68 đã làm việc với một số tổng công ty, trong đó có Công ty May 10, Trường Cao đẳng nghề Long Biên trong việc triển khai chính sách đào tạo nghề cho thành viên của Tổng công ty.

"Kết quả, các bên đã thống nhất phối hợp với Tổng Công ty May 10 chỉ đạo hướng dẫn Trường Cao đẳng nghề Long Biên thực hiện thí điểm phối hợp Công ty cổ phần Trung tâm thương mại sản xuất công nghệ cao Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Hiện nay, đơn vị này đang hoàn chỉnh phương án, gửi sở LĐTBXH phê duyệt"- ông Độ nói.

Ngoài ra, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cũng đã làm việc với các bên như: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cộng đồng DN; khối DN, tập đoàn tư nhân lớn… để phối hợp hướng dẫn tuyên truyền, rà soát việc kiểm tra thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động. Mục tiêu, nắm bắt tình hình, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, hỗ trợ DN thực hiện tái đào nghề, nếu muốn.

"Thời gian tới, Tổ tiếp tục nắm bắt tình hình để từ đó có những điều chỉnh về mặt chính sách, hỗ trợ DN và người lao động tiếp cận dễ hơn với chính sách"- ông Độ nói.