Tỉnh hai lần chỉ đạo, dân vẫn phải mua điện qua HTX
Trong đơn phản ánh gửi đến Dân Việt, người dân ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết, hàng chục năm qua, hàng nghìn hộ dân ở thị trấn bị thiệt thòi rất nhiều quyền lợi khi phải mua điện qua HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô.
Đó là tình trạng hệ thống điện không ổn định, giá bán điện thiếu minh bạch, đặc biệt là khi người dân phản ứng thì thường bị cắt điện tùy tiện.
Việc này đã tạo ra sự bức xúc kèo dài trong người dân, xảy ra nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự do người dân tụ tập đông người để phản đối.
Trước tình trạng này, từ nhiều năm trước, các xã viên HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô có nguyện vọng được mua điện trực tiếp từ ngành điện qua việc bàn giao hệ thống lưới điện của HTX cho Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế quản lý, vận hành theo quy định.
Các xã viên HTX, đại diện là ông Nguyễn Văn Quang, đã nhiều lần có đơn gửi các cơ quan chức năng ở tỉnh đề nghị vấn đề này.
Vào ngày 18/12/2020, Đại hội thành viên bất thường HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô đã biểu quyết thông qua việc bàn giao công tác mua bán điện cho ngành điện lực.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, HĐQT HTX đã phải có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, UBND huyện Phú Lộc và UBND thị trấn Lăng Cô xin được bàn giao lưới điện 0,4kV trên địa bàn thị trấn Lăng Cô cho Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tiếp nhận và bán điện trực tiếp cho khách hàng.
Ngày 24/12/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành văn bản số 11687/UBND-CT đồng ý chủ trương bàn giao lưới điện của HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô cho Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế quản lý, vận hành.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu hoàn thành việc bàn giao trước ngày 30/1/2021. Mặc dù UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ấn định thời hạn như trên nhưng sau đó việc bàn giao lưới điện tại Lăng Cô vẫn không được thực hiện.
Ngày 10/3/2021, UBND huyện Phú Lộc có báo cáo số 943/BC-UBND gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình bàn giao lưới điện của HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô cho ngành điện quản lý. UBND huyện Phú Lộc đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có ý kiến với ngành điện về việc bàn giao nêu trên.
Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn số 2330/UBND-CT ngày 23/3/2021 đề nghị Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế khẩn trương phối hợp với UBND huyện Phú Lộc thực hiện việc tiếp nhận, bàn giao lưới điện theo đúng quy định trước ngày 15/4/2021.
Tuy nhiên, đến nay, việc bàn giao lưới điện của HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô vẫn không được thực hiện.
Vướng mắc bàn giao hạ tầng lưới điện
Ông Hà Hải Nam - Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô cho biết: Hiện có 3.000 hộ dân thị trấn Lăng Cô mua điện qua HTX. Đến nay, đã gần 8 tháng kể từ khi HTX có văn bản về việc xin bàn giao lưới điện cho Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế nhưng các đơn vị liên quan vẫn chưa có cuộc họp chính thức nào bàn về vấn đề xử lý tài sản bàn giao.
Ông Nam nói rằng, HTX muốn thực hiện bàn giao lưới điện càng sớm càng tốt và sự vướng mắc đang nằm ở phía ngành điện lực.
Theo ông Nam, hệ thống lưới điện ở Lăng Cô được đầu tư bởi nguồn vốn RE2 (nguồn vốn Ngân hàng Thế giới cho vay ưu đãi), phía điện lực muốn tiếp nhận lưới điện nhưng không muốn trả vốn này mà để HTX phải tự hoàn trả. Tình trạng này dẫn đến sự chậm trễ trong việc bàn giao lưới điện ở Lăng Cô.
Về vấn đề người dân phản ánh phải mua điện qua HTX với giá bán điện thiếu minh bạch, ông Nam nói điện được HTX bán với giá thống nhất trên toàn quốc chứ không phải theo giá riêng do HTX đưa ra.
Về việc người phản ánh bị cắt điện khi có bức xúc, khiếu nại, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô cho rằng đơn vị chỉ thực hiện cắt điện đối với những trường hợp chậm trả tiền điện.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 4 đơn vị mua điện từ điện lực để bán lẻ cho dân. Các đơn vị này đều thuộc địa bàn huyện Phú Lộc, ngoài HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô là HTX Lộc Thủy, HTX Vinh Hưng và Công ty Cổ phần Điện lực Phú Lộc.
Theo ông Phúc, trong giai đoạn 2018- 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị các đơn vị này bàn giao lưới điện nhưng cả 4 đơn vị đều không thực hiện bàn giao. Đến cuối năm 2020, khi có sự phản ứng của người dân, các đơn vị mới đồng ý bàn giao. Tuy nhiên, lúc này, chương trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hết thời gian thực hiện.
Về phản ánh của người dân mua điện qua HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô liên quan đến việc chậm trễ bàn giao lưới điện, ông Phúc cho biết, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã chủ động nhiều lần làm việc với huyện Phú Lộc, HTX điện nước lăng Cô để khảo sát, thống kê lưới điện hiện trạng và báo cáo Sở Công thương, về nguồn vốn đầu tư của từng hạng mục tài sản lưới điện.
Việc bàn giao tài sản giữa hai đơn vị phải tuân thủ Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 04/12/2013 của liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn và QĐ số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.
Theo ông Phúc, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị sẵng sàng phương án bán điện trực tiếp đến người dân thị trấn Lăng Cô, sau khi các sở ngành, địa phương thống nhất phương án giao nhận tài sản.
Người dân thị trấn Lăng Cô cho rằng, mặc đù UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hai lần ấn định mốc thời gian phải thực hiện bàn giao, nhưng sự thiếu trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là của HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô và Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, đã khiến việc bàn giao không được thực hiện.
"Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi vẫn phải mua điện qua HTX với rất nhiều nỗi lo lắng. Sự chậm trễ bàn giao lưới điện đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và tạo ra sự bức xúc trong dư luận tại địa phương", một người dân ở Lăng Cô nói.
Sự chậm trễ trong việc bàn giao lưới điện ở Lăng Cô là do sự vướng mắc trong vấn đề tài sản bàn giao giữa HTX Dịch vụ điện nước Lăng Cô và Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, trong khi các đơn vị này chưa thực sự chủ động hợp tác tháo gỡ.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị cần sớm giải quyết vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho 3.000 hộ dân thị trấn Lăng Cô.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.