Video điều tra: Đường vào "hang hổ" khét tiếng vừa bị Công an Nghệ An triệt phá
Thưa ông, sau khi đọc xong loạt bài "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng"của NTNN/ Dân Việt đã đăng tải, ông nghĩ gì?
Ông Vũ Quốc Hùng: Việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, với các loài chim thú hoang là nhiệm vụ của toàn thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam. Vị trí, vai trò của những loài động vật hoang dã đối với tự nhiên, cuộc sống của con người là rất quan trọng. Điều này không cần phải bàn thêm nữa.
Theo nhịp điệu mùa, từng đàn sếu đầu đỏ bay đi rồi lại quay về hết sức thơ mộng và hữu ích cho cuộc đời này. Rất nhiều loài hoang dã, quý hiếm đã được Nhà nước ta chủ trương bảo vệ với các quy định chặt chẽ trong văn bản, luật pháp rồi. Giờ chỉ còn việc thực hiện chúng thôi.
Thế cho nên, loạt bài phóng sự điều tra dài kỳ "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng" mà Báo NTNN/Dân Việt đưa ra, đã góp phần "gõ" hồi chuông cảnh báo về việc phá hoại môi trường trên một diện không hề hẹp và với những thủ đoạn tinh vi, táo tợn.
Vậy, bản chất của tình trạng này là do đâu, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tuy rằng các nhà báo điều tra đã lột tả những câu chuyện như vậy trên mặt báo, nhưng nhiều người vẫn chưa dễ gì tỉnh ngộ ngay được đâu. Tôi đang nói đến vấn đề về nhận thức.
Ví dụ như ai đó, hoặc một vị cán bộ nào đó, nghe người ta nói rằng cao hổ cốt có tác dụng "gì đó" là đi tìm mua cao hổ ngay. Mà đáng lẽ ra ông đấy phải tuyên truyền, gương mẫu, không dùng cao hổ cốt.
Nhưng mà, trong bối cảnh đó, các nhà khoa học, giới y học là cũng phải có những loại thuốc, những thảo dược còn tốt hơn cao hổ cốt để thay thế cho họ, hoặc tuyên truyền cho họ rằng cao hổ cốt không có tác dụng "thần kỳ" gì như họ tưởng đâu. Đây là những vấn đề có tính chất văn hóa, luật pháp và lại là cả một vấn đề xã hội...
Các nhà báo đã rung một hồi chuông cảnh tỉnh. Nếu không ra tay kịp thời, để muông thú bị tàn sát hết, các thế hệ sau này sẽ oán trách chúng ta vô trách nhiệm, thực dụng, giết đi biết bao nhiêu loài đẹp đẽ, hữu ích và đáng/cần phải được tồn tại trên trái đất, trên quê hương mình. Chứ không phải là nỗi đau: nhiều loài chỉ còn trong cổ tích mà thôi.
Như loạt bài chúng tôi đã mô tả - có video kèm theo - về số phận bi thương của những gia đình người dân tộc ít người, ở vùng sâu vùng xa, trụ cột gia đình của họ đi săn thú rừng kiếm miếng ăn lần hồi, bị bắt rồi đi ở tù. Bắt họ đi ở tù là điều cực chẳng đã, bởi kẻ buôn, kẻ sử dụng thú rừng đó vẫn nhởn nhơ với các món lợi kếch sù rồi tiếp tục đi xúi giục kẻ khác vào rừng giết hoang thú quý hiếm…?
Ông Vũ Quốc Hùng: Giờ hệ thống tuyên truyền của ta phải làm sao vào cuộc cho ý nghĩa và hiệu quả hơn nữa. Chứ nhiều khi chỉ đem luật ra "áp dụng" hoặc vi phạm thì chiểu theo luật mà bắt giữ thì… chưa phải là cách làm hay nhất. Bởi con người đã không tự giác, sẽ làm mọi việc và dẫn đến vi phạm. Quan trọng là phải làm cho người ta ý thức được, giác ngộ được mà tự khắc không vi phạm nữa.
Chúng tôi, dù tham gia điều tra, tố cáo và tiếp tục phân tích sau điều tra tố cáo, bắt giữ các đối tượng… - chúng tôi cũng chỉ là những nhà báo mà thôi. Không thể làm gì hơn. Trong câu chuyện này, xã hội phải làm gì, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Theo tôi, các anh đã có công rất lớn rồi, những giờ các anh cố gắng làm sao để tuyên truyền hiệu quả hơn nữa qua truyền thông, thậm chí đưa các kiến thức này vào nhà trường.
Thậm chí, để các cháu học sinh về nhà nói, góp ý với cả bố mẹ những điều chúng học được. Còn tất nhiên, chúng ta có cả một hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, cần quản lý và giám sát chặt chẽ để không xảy ra hoặc xử lý dứt điểm các vi phạm ở lĩnh vực này.
Xin hỏi: lỗ hổng ở đâu mà lại để người ta nuôi cả một đàn hổ trong nhà - giữa khu dân cư mà không ai phát hiện ra hoặc… có ý kiến gì.
Có thể thấy là bộ máy cơ sở của chúng ta ở chỗ này chỗ khác đang có dấu hiệu "tê liệt". Hoặc họ đang không thực hiện được vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở đó? Thế cho nên: trách người dân 1, thì phải trách tổ chức, lãnh đạo ở cơ sở đó… 2.
Vâng, tin mới nhất phát đi về vụ giải cứu 17 con hổ bị nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An: gia đình một "công an bán chuyên trách của xã nuôi 3 con". Có lẽ như ông nói, cái "tập quán" dùng cao hổ và các sản phẩm động vật hoang dã với niềm tin quá "mù quáng" về công dụng của chúng đã ăn sâu bám rễ vào không ít người.
Ông Vũ Quốc Hùng: Ngày xưa tôi ở Việt Bắc (tôi sinh ra lớn lên ở Tuyên Quang), tôi thấy người ta đánh bẫy con này, con khác là bình thường. Thậm chí hàng xóm còn rủ nhau, chia nhau thịt. Đấy là hồi chưa có pháp luật về lĩnh vực bảo tồn động vật này.
Thế cho nên, có thể với một số người chưa kịp thay đổi, bây giờ họ vẫn "tin dùng" sản phẩm từ động vật như một… thói quen. Có những người trưng bày cặp ngà voi rất… "oai vệ" trong nhà. Vì nó thành thói quen nên rồi.
Thế nên, vấn đề liên quan đến môi trường, rất quan trọng, và ta phải giáo dục, nâng cao nhận thức, cán bộ, Đảng viên phải làm gương. Nếu chỉ nói thôi thì sẽ như gió thoảng qua tai, phải có một quá trình giáo dục, kết hợp với xử lý, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Như ở Nghệ An, các vấn đề quá nóng (buôn thú rừng trên diện rộng ở nhiều nơi) mà loạt bài điều tra này phản ánh: xin hỏi Tỉnh ủy Nghệ An liệu có biết không? Nếu không biết và không hành động hiệu quả, thì đó là bệnh quan liêu. Bác Hồ khi xưa đã lên án rất nhiều bệnh quan liêu này. Nếu còn ở tình trạng cao hơn, tức là ai đó bảo kê cho các sai phạm về bẫy bắt, nuôi nhốt, buôn bán, sử dụng động vật hoang dã, thì quá tồi tệ.
Thế nên cái đáng lo lắng là sức chiến đấu và năng lực của bộ máy lãnh đạo. Năng lực ở đây là sự hiểu biết về môi trường, hiểu biết về luật pháp. Sức chiến đấu ở đây là cần nghiêm khắc, khách quan, trung thực, nêu gương, kiểm tra, giám sát, không bị ràng buộc bởi những thứ cá nhân kiểu "họ hàng, quen biết" mà để cho vi phạm tồn tại.
Các nhà báo cứ "rung chuông", điều tra phát hiện đi. Sau đó báo cho cấp tỉnh, nếu cấp tỉnh không đồng tình thì anh báo lên Trung ương. Chúng ta cần nghiêm khắc và dùng toàn bộ sức mạnh của hệ thống chính trị để hành động vì mục tiêu tốt đẹp trong bảo vệ môi trường sống.
Ông Hùng nhấn mạnh: Có những mắt xích quan trọng của đường dây săn bắt buôn bán thú rừng, họ thu lợi nhuận kếch sù; nhưng thực tế họ lại rất ít bị pháp luật sờ đến một cách nghiêm khắc.
Mà "án tù" lại thường rơi vào những người nghèo khổ, ít học, thuộc các cộng đồng thiểu số ở vùng sâu vùng xa - họ đi đặt bẫy, đi săn thú và vận chuyển đi bán. Đó là điều vô cùng đau lòng. Những hệ lụy lớn của việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, không chỉ là tàn phá môi trường, mà chúng còn có nguy cơ phá hoại nhiều giá trị tốt đẹp khác nữa của xã hội.
Khi xâm nhập các ổ buôn bán thú rừng, chúng tôi rút ra hai bài học đơn giản: 1/ khi họ bán thú quý cho người ta ăn, nấu cao, ngâm rượu, thì chúng tôi đút tay túi quần vào hỏi mua là xem hàng được hết. 2/ Một nhà Nguyễn Văn Hiền ở xã Đô Thành bị "tóm" với 14 con hổ, mỗi con 2 đến 3 tạ, tức là hơn 3 tấn thịt hổ biết gầm gào và mỗi bữa chúng ăn hết cả tạ thịt bò, gà… Thế thì chỉ cần rình xem họ mua thịt bò, thịt gà về hầu 14 "chúa sơn lâm" ra sao đã tóm được hết rồi. Với hai cái "ai cũng thấy" trên, mà cơ quan chức năng vẫn nói không thể điều tra, ngăn trừ được sai phạm suốt bao năm qua. Chẳng ai tin!
Ông Vũ Quốc Hùng: Điều đó là hiển nhiên, "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Con hổ nặng như thế, làm sao mà "bé như cái kim" được.
Cũng có những người, họ muốn nhân dịp này để thổi phồng lên cái yếu kém của chúng ta trong quản lý, trong xử lý vấn đề. Không phải ta cứ "chửi" cho sướng miệng mà ta phải điều tra, kiến nghị chính sách trên tinh thần xây dựng.
Làm sao để "tệ nạn" này không xảy ra nữa. Phải "gõ cửa" các cơ quan tổ chức Đảng và chính quyền, đặc biệt là mặt trận tổ quốc các cấp để huy động tổng lực, xử lý các vấn đề một cách hiệu quả và minh bạch nhất.
Đại hội XIII của Đảng cũng đã nói rồi, vấn đề môi trường là một trong những vấn đề đáng báo động và cần được đặc biệt quan tâm.
Cảm ơn ông và kính chúc ông sức khỏe!