Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 2.

Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 3.

Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 4.

img

iền Tây xứ Nghệ là kho báu thiên nhiên đã được ghi nhận và tôn vinh trên toàn cầu. Đây cũng là nơi duy nhất trong lịch sử Việt Nam mà người ta từng chụp được bức ảnh con hổ ở trạng thái hoàng toàn hoang dã "ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng" giữa đại ngàn Pù Mát. 

VQG Pù Mát rộng hơn 95.000ha, rộng thứ 3 trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Với sự màu mỡ đó, nơi đây đã từng là thủ phủ của các toán thợ săn khắp nơi dồn về. Từ năm 1998, khi chụp được bức ảnh hổ huyền thoại kia, hơn 20 năm trôi qua, người Việt Nam, kể cả giới nghiên cứu "ở rừng nhiều hơn ở nhà" cũng chưa từng ghi nhận được phân, nước thải hay dấu chân hổ nào ngoài hoang dã nữa. 

Mà có thời dài, bẫy ảnh (máy ảnh chuyên dụng để lâu ngày trong rừng, khi có thú hoang đi qua nó sẽ tự chụp bất kể ngày đêm), không chụp được thú quý, mà ghi lại toàn hình ảnh từng đoàn người vào rừng săn thú, phá rừng. Cá biệt, họ phá hủy, ăn trộm cả máy ảnh ('bẫy ảnh") của một dự án Châu Âu.

Ở bài trước, chúng tôi đã đưa ra những bức ảnh rợn người: Toàn đầu lâu linh trưởng xếp hàng dài, xương các loại thú xếp đống ven các lán thợ săn "định cư" ở trong rừng thẳm. Các bức ảnh của đội "Anti Poaching" (Biệt đội giải cứu thú rừng, do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã Việt Nam quản lý, "dẫn lối" là kiểm lâm VQP Pù Mát) đã đi tuần rừng với sự giám sát hành trình của các thiết bị hiện đại nhất thế giới. 

Họ chứng kiến các loài muông thú rên xiết và chết chóc trước bẫy và súng săn. Họ cấp tốc tìm cách cứu động vật rồi thậm chí ghi hình đưa lên fanpage "Cùng tôi bảo vệ rừng Pù Mát" để hiệu triệu điều tử tế cho các "linh hồn rừng". Nhiều status (bài đăng) có tới hàng triệu lượt người quan tâm và bày tỏ cảm xúc. Những rông núi có đến hàng trăm cái bẫy thú, xếp thành thiên la địa võng kéo dài vài cây số. Thợ săn dọn cả lối đi trong rừng để dụ thú đi theo lối đó và sa chân vào bẫy.

Họ dựng cả lán "vĩnh cửu" ở trong rừng già, để lần nào đi săn cũng "lập văn phòng đại diện" tạm trú ở đó. Công an vận động giao nộp súng tự chế, thì họ nộp khẩu cũ, khẩu hỏng cho có "số lượng", rồi sắm sanh súng hiện đại, giấu trong rừng, đi săn về lại giấu ở lán. 

Súng có kính ngắm, đo khoảng cách từ nòng súng đến con thú một cách "tối tân". Súng có ống ngắm hồng ngoại "điểm xạ" giết thú chẩn xác cả ban đêm.

Nếu xem những bức ảnh, video kèm bài viết này thì độc giả sẽ hiểu nỗi vất vả của đội giải cứu thú rừng. Đội mưa, vượt lũ, vắt cắn máu chảy lêu lao, lại vây bắt thợ săn máu lạnh với họng súng săn đen ngòm giữa rừng già cách đường xe máy vài ngày đi bộ. 

Họ đã bật khóc khi từng đàn khỉ hoang dính bẫy nằm thoi thóp, có chú được cứu sống thả lại hoang dã, có chú thiếp đi một giấc vĩnh cửu trên tay các "bảo mẫu" đeo đèn pin, giắt dao rừng và cõng mì tôm với nồi niêu lều bạt.

Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 6.

Cả Việt Nam, chỉ có đúng một đội Anti Poaching như vậy thôi. Các thành viên được công an huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (nơi đặt trụ sở VQG Pù Mát, cũng là trụ sở của Đội) dạy võ thuật, được đi đến Cúc Phương - VQG đầu tiên của Việt Nam với trạm cứu hộ thú quý để học hỏi kĩ năng chăm sóc cứu hộ động vật và được truyền cảm hứng về tình yêu muôn loài với lý tưởng sống của người làm bảo tồn. 

Và họ được trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ việc quản lý báo cáo các hành trình/điểm đến, các thông số - hình ảnh trong quá trình theo chân kiểm lâm đi tuần rừng dài ngày (không có sóng điện thoại, không internet, không đường xe cộ, không có khu dân cư). 

Đặc biệt, trong quá trình cứu hộ tê tê, đội còn được trang bị cả thiết bị bay không người lái nhập nguyên chiếc từ Úc, có thể phát sóng, dò sóng, theo dõi các cá thể tê tê sau tái thả chính xác đến từng xăng-ti-mét.

Giữa thảm cảnh buôn bán thú rừng tràn lan ở nhiều nơi, cùng với việc triệt phá các đường dây buôn bán sử dụng thịt thú rừng để tăng sức răn đe, cũng cần "giảm nguồn cung" từ các cánh rừng với sự lùng sục của thợ săn. 

Anh Lương Văn Kính, ngoài 40 tuổi, người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Anh Kính suốt mấy chục năm đã tàn sát không biết bao nhiêu thú dữ, đặc biệt là các loài hiền lành mà "được giá" như vượn, voọc, khỉ. 

Có khi anh bắn con voọc mẹ chết, cả đàn con phủ phục xin chết theo. Thế rồi các tổ chức bảo tồn đến nghiên cứu và quyết định "cảm hóa" anh Kính, đem cái "tài" luồn rừng hiểu tập tính thiên nhiên và muông thú của anh ra để chống lại thợ săn trộm. 

Giữa đại ngàn, anh Kính chỉ cho chúng tôi cách băng rừng khi lũ lớn. Anh nhìn dòng suối đục "nhẹ" là biết phía trước có thợ săn trộm đang lập lán nấu ăn, ngửi mùi khói trong gió xa xôi đã hiểu là rừng này đang lắm thợ săn oanh tạc. 

Chỗ nào thú uống nước, chỗ nào lá cây bị lật trái ven các lối chuột chạy, tức là có thú lớn hoặc con người vừa đi qua. Nhờ các kĩ năng "ma rừng" ấy, mà nhiều vụ triệt phá các nhóm đặt bẫy, giết thú đã thành công, khiến anh Kính trở thành điển hình trên… cả nước.

Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 7.

Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 8.

Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã Việt Nam (SVW) đã làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ bằng được hàng trăm nghìn héc-ta rừng màu mỡ, hoang thú đang dần hồi sinh đông đàn dài lũ của miền tây xứ Nghệ. 

Đóng giả dân chơi, bắt những con buôn thú rừng, đưa ra xét xử. Vào rừng sâu, bắt giữ thợ săn với tang vật là sơn dương, lợn rừng, sóc, khỉ, voọc xám, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì cùng lúc dăm bảy người đi ở tù. 

Dân buôn trên mạng xã hội, rao bán cái gì thì cán bộ vào đặt hàng cái đó, dụ đến chỗ giao hàng, phối hợp với kiểm lâm và công an "tóm" nốt. Các nhà hàng, cứ bán thú rừng là phạt từ 20 đến 50 triệu đồng, động vật hoang dã, dù con chim sẻ, con sóc chuột, cứ bắt giết nó là sai. Động vật quý hiếm thì khởi tố hình sự, một con tê tê bé nhỏ hiền lành bỏ vào túi rết xách đi bán, cũng có thể khiến kẻ vi phạm vào tù.

Họ đã làm tất cả những gì có thể làm. Các loài vật được giải cứu, cá thể nào đủ điều kiện sức khỏe và không mang dịch bệnh thì thả về tự nhiên. Cá thể nào còn yếu, cần phục hồi sức khỏe và tập tính tự nhiên thì họ đem về lập cả các Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã (đặt ngay tại trung tâm VQG Pù Mát trên địa bàn). 

Gấu, vượn, tê tê, cầy gấu, kì đà hoa, rái cá, khỉ các loại. Và đầu tháng 8/2021 vừa rồi, 7 con khỉ nhỏ bị bắt khi vận chuyển qua huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) rồi tất cả những loài bị bẫy bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép (bao năm qua) đã được đưa về đây để cứu hộ trước khi tái thả. Tê tê cũng được tái thả tại đây. Nhiều con được gắn chíp, theo dõi bằng máy bay không người lái nhập về từ Úc. 

Chưa hết, những người trẻ yêu rừng, bảo vệ thiên nhiên như một lẽ sống ấy còn đi đến tận cùng của vấn đề. Khi hóa trang điều tra về các đường dây buôn súng tự chế, đạn dược và thú rừng các loại. Họ lập "danh sách đen" các đối tượng thường xuyên buôn bán thú rừng từ Lào về Việt Nam hay trong nội địa liên tỉnh thành, rồi các "chủ tiệm tạp hóa" trá hình. 

Cuối cùng, thời gian qua, họ tổ chức tới 12 cái "hội thảo" đặc biệt. Cấp huyện, cấp xã, cấp thôn bản. Lập danh sách từng thợ săn, từng tay buôn thú rừng. Đến tận nơi tuyên truyền, mời đi nghe các cuộc phổ biến kiến thức về chống săn bắt buôn bán thú rừng, luật pháp nghiêm khắc với vấn đề này ra sao, sự nguy hiểm của tàng trữ sử dụng phi pháp vũ khí vật liệu nổ thế nào, ai là thợ săn chúng tôi biết... Nếu anh ta trốn không tham gia thì mời bố mẹ, vợ con anh ta tham gia rồi về nói lại. 

Khi nhóm đã tuyên truyền rồi, nhớ rồi, mà vẫn vào rừng bắn thú quý, thì đi ở tù dài năm, cũng đừng có khóc bảo "tôi không biết". Sau đó là "xử điểm", có kẻ nửa đêm chở đầu lâu và tứ chi, thân mình sơn dương đi từ rừng ra, bị bắt và đi ở tù. 

Như dã viết ở bài trước, Viêng Văn Hằng và Viêng Văn Thủy, hai đối tượng ở bản Tùng Hương (huyện Tương Dương) đi tù với các mức án 4 năm và 3 năm vì bắn hai con voọc. Điều này đã thức tỉnh nhiều người dân và cực kì hiệu quả trong việc "dẹp loạn" cho các cánh rừng quý.

Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 9.

Từ tâm huyết đó nên chắc chắn huyện Con Cuông đang giữ một "độc quyền" đáng xúc động ở Việt Nam: Là thủ phủ đặt nhiệm sở của VQG, là "trái tim" của kho báu rừng và muông thú màu mỡ nhất Việt Nam, từng là nơi mà người viết bài này viết sách, viết giáo trình điều tra với chi tiết "mở tủ lạnh của nhà hàng ra đen kịt gần chục cái tay gấu". 

Nhưng, đến nay, vào vai khảo sát toàn huyện, không quán ăn nhà hàng nào dám bán thịt thú rừng. Vì có sự ra quân thật sự của cơ quan hữu trách từ cấp cao nhất đến mỗi bản làng, tổ dân phố. 

Trong khi ở huyện Kỳ Sơn (cũng ven QL7) có thể đặt mua súng kíp, đạn súng săn và cả núi bẫy thú rừng (bày bán la liệt giữa chợ huyện) thì ở Con Cuông, điều này đang là không thể. Các tín hiệu vui đó, khiến người ta nghĩ đơn giản rằng: khi mà bất kì ai có vài trăm nghìn đổ lên đều có thể đút tay túi quần vào quán gọi "một đĩa vi phạm" ra (thịt thú rừng), thì không có lý do gì cơ quan chức năng không xử lý nổi. Đội Anti Poaching và cán bộ các ban ngành, người dân Con Cuông đã làm theo điều đơn giản đó một cách thật thà.

Chúng tôi thật sự xúc động, khi mà trong cuộc họp tại hội trường lớn ở huyện, ảnh tuyên truyền về tàn sát thú hoang, về thiên nhiên Pù Mát phóng to, in đẹp, dựng san sát ngoài hiên để "cổ động", bên trong, dù đeo khẩu trang ngừa Covid-19, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, đứng đầu các ngành công an, biên phòng, quân đội, phụ nữ, liên đoàn lao động cùng hứa "Nói không với thịt thú rừng". 

Và ít hôm sau, pa nô hoành tráng mọc lên khắp các ngã ba ngã tư đường: In ảnh đồng chí cán bộ đứng đầu các ban ngành, người nào cũng đưa ra các slogan (khẩu hiệu, phương châm hành động) nói không với thịt thú rừng. Đơn giản, không còn người mua (người ăn) thì không còn kẻ giết thú.

Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 10.

Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 11.

Thượng tá Nguyễn Văn Phương - Chỉ trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, chị Lữ Thị Khuyên - Chủ tịch Hội phụ nữ huyện; rồi đại diện bên Công an, Đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động huyện… - tất cả đều có in ảnh và lời cam kết "không sử dụng động vật hoang dã" của mình trên pano dựng ở ruộng lúa xanh mơ màng ven đường nhựa hoặc đầu cây cầu dây văng hiện đại nổi tiếng bắc qua sông Lam… Nhiều đại biểu nữ mặc áo cóm của người Thái miền Phủ Tương, nụ cười tỏa nắng trên pano lớn.

Tất nhiên, lá chắn trực tiếp nhất bảo vệ thiên nhiên (mái nhà chung của tất cả chúng ta) phải là các… bản án. Khi đạo đức không thể lên tiếng qua tự ngấm và tự răn sửa mình thì cần có chế tài đủ mạnh. Lực lượng tuần rừng ở trong vùng lõi, ăn mì tôm và sống như "người rừng" để bắt giữ xử lý từng thợ săn. Còn Công an địa phương cũng quyết liệt không kém.

Có huyện nào ở Việt Nam mà công an huyện dạy võ thuật cho cả biệt đội đi tuần rừng. Có nơi nào người dân năm lần bảy lượt đến trụ sở VQG gặp Giám đốc Vườn để tố cáo các đường dây buôn thú rừng xuyên quốc gia, xuyên tỉnh thành rồi trực tiếp dẫn chúng tôi đi điều tra, xử lý sai phạm?

Liên tiếp các chuyên án lớn của công an tỉnh, công an huyện làm nức lòng bà con Nghệ An và cả nước. Cả chuyên án phát hiện, cứu hộ, "triệt phá" các đường dây, giải cứu một lúc 17 con hổ mỗi con 2-3 tạ, vây ráp quyết liệt (còn bị chúng tông vào xe cảnh sát hòng bỏ chạy) bắt một xe chở 7 chú hổ con, cùng ngày bắt đối tượng buôn tê tê tra tay vào còng… - tất cả đều là công sức, mồ hôi, thậm chí cả sự đương đầu với hiểm nguy tính mạng của các chiến sỹ tuyến đầu khi đối mặt với các đối tượng khét tiếng manh động. 

Buôn thú rừng đem lại siêu lợi nhuận chỉ sau có ma túy, buôn vũ khí và buôn người, thế nên, đây là một cuộc chiến cam go và đôi khi cả khốc liệt.

Dầu vậy, các "lá chắn thép" đã được dựng lên, các vụ án giải cứu thú rừng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam đã được thực thi, chúng ta có quyền tin vào sự lan tỏa của các nhân tố lạc quan và đáng cảm kích hiện nay. Để bức tranh xám và tối màu về nạn tàn sát buôn bán thú rừng hoang dã, quý hiếm kia có được nhưng gam màu xanh hy vọng. 

Vâng, sau cơn mưa, trời lại sáng. Sự phục hồi của rừng và muông thú, luôn được trời đất ban cho những sức mạnh nhiệm màu.


Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 12.

Bài cuối: “Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!  - Ảnh 13.


 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem