Bài học từ “đàn hổ chết” ở Nghệ An: Hổ chết, không ai muốn, nhưng hẳn là chúng ta đã có lỗi

Lam Anh - Văn Hoàng Thứ hai, ngày 09/08/2021 08:34 AM (GMT+7)
Trong 17 cá thể hổ trưởng thành vừa được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An thu giữ dẫn đến 8 cá thể hổ đã bị chết 9 cá thể còn lại đang rất yếu. Còn 7 chú hổ con vừa thoát khỏi tay bọn buôn lậu cũng chưa biết sẽ đi về đâu.
Bình luận 0

Dù Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã ở Pù Mát đang chăm sóc chúng rất tử tế, nhưng ai sẽ nuôi "nhân đạo" chúng trong các năm tiếp theo (vì hổ này hầu như ít có khả năng thả về tự nhiên được) theo và bằng nguồn kinh phí nào? Toàn những câu hỏi chưa có lời đáp.

Để có một cái nhìn rộng hơn: công tác "giải cứu" và bảo tồn hổ ở nước ta, Phóng viên Dân Việt đã trao đổi với ông Trần Lê Trà, một chuyên gia bảo tồn có uy tín, Cố vấn khoa học - Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) - một tổ chức nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Hổ bị bắn thuốc mê để chuyển khỏi khu vực nuôi nhốt trái phép ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Video: CTV

Hổ ở rừng đem lại "nguồn lợi" hơn nhiều so với… nấu cao!

Ông Trà cho rằng đã có quá nhiều tranh luận về việc cho hay không cho nuôi hổ vì mục đích thương mại một cách hợp pháp. Khi hổ nuôi dễ như nuôi lợn, đẻ dễ như mèo, cao hổ có giá ở "chợ đen" đắt đỏ… 

Câu hỏi đặt ra là tại sao không cho nuôi thương mại, miễn là quản lý chặt để họ không tuồn hổ ngoài tự nhiên vào nấu cao. Không dám nói rằng người ủng hộ hoặc không ủng hộ nuôi hổ vì mục đích thương mại ai có lý hơn ai.. Vấn đề là: quản không nổi!

Bài học từ “đàn hổ chết” ở Nghệ An: Hổ chết, không ai muốn, nhưng hẳn là chúng ta đã có lỗi - Ảnh 2.

Ông Trần Lê Trà, một chuyên gia bảo tồn có uy tín, Cố vấn khoa học - Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD). Ảnh: NVCC

Hiện nay, không ai, cả ở Việt Nam và trên thế giới, có thể đảm bảo ngăn chặn được việc bắt hổ tự nhiên, hợp thức hóa, đưa vào chuồng và hô biến thành… hổ nuôi. Thế nên, tạm thời thế giới đành đồng ý với phương án rất thụ động: quản không được thì cấm. 

Không riêng gì hổ, rất nhiều loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm khác cũng được quản lý theo cách này. Cần lưu ý rằng cấm ở đây là pháp luật cấm. Mà nếu đã là pháp luật cấm thì việc thực hiện và thực thi pháp luật phải đúng với quy định hiện hành, thể hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật.

Có người nói rằng nuôi hổ (và không ít loài khác), trong nhiều hoàn cảnh, chính là một phương pháp để tham gia vào… việc bảo tồn. Như ở Nam Phi, có loài tê giác sắp tuyệt chủng, họ nhân nuôi để giờ đây có hàng vạn cá thể. Ông bình luận như nào về việc này?

Ông Trần Lê Trà: Hổ "quý" với không ít người, như chúng ta biết. Từ da, lông, móng, vuốt cho đến xương, thịt. Thế nhưng, con hổ càng quý hơn nếu để nó sống trong thiên nhiên. 

Là động vật đứng đầu chuỗi thức ăn, hổ điều hòa số lượng cá thể của các loài ăn cỏ, qua đó cân bằng hệ thực vật trong những khu rừng mà nó sinh sống. Giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái mà khu rừng có hổ mang lại có giá trị lớn hơn nhiều, nuôi sống được nhiều người hơn nhiều so với một con hổ bị nấu cao.

Việt Nam không có cơ sở nào đủ điều kiện chăm sóc hổ "lý tưởng"… như thế

Ông Trà nói tiếp: Vậy nên có ai đó bảo là tôi nuôi hổ trong chuồng vì "mục đích bảo tồn", "phi thương mại" thì phần lớn là mượn cớ và núp bóng bảo tồn. Nuôi sinh trưởng cũng thế, nuôi sinh sản cũng thế, nuôi trong safari hay sở thú nhiều khi cũng thế nốt. Nuôi trong chuồng như chuồng heo hay trong lồng giát vàng cũng thế. 

Chỉ có một số rất ít cơ sở là đủ năng lực để nuôi bảo tồn loài hổ. Ở đó có chuyên gia thuộc các chuyên ngành khác nhau, có các hoạt động nghiên cứu vì mục đích khoa học và bảo tồn, có chuồng trại hoặc không gian bán hoang dã đủ điều kiện, tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn và phúc lợi cho người và thú nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường và đặc biệt là đảm bảo đạo đức bảo tồn…

Ông nói như vậy có "đa nghi" và "oan" cho vài nơi được chính quyền cho phép nuôi hổ ở các tỉnh quá không? Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế WWF, Việt Nam đang có khoảng 300 cá thể hổ bị nuôi nhốt.

Ông Trần Lê Trà: Nghiêm khắc mà nói thì Việt Nam không có cơ sở nào đủ điều kiện như thế. May ra thì có Trung tâm Cứu hộ ĐVHD ở Tam Đảo, Thảo Cầm Viên Sài Gòn và một số ít các cơ sở khác được xem là có "nhiệm vụ" và có điều kiện tạm đủ để cứu hộ, bảo tồn hổ. 

Còn về điều kiện, có lẽ các Safari là nơi có điều kiện tốt hơn cả. Ở đó họ có chuyên gia, có điều kiện và cơ sở vật chất hiện đại, tốt hơn hẳn so với các trung tâm cứu hộ khác. Tuy nhiên, rất khó để nói rằng các Safari là cơ sở "bảo tồn" hay "phi lợi nhuận".

Bài học từ “đàn hổ chết” ở Nghệ An: Hổ chết, không ai muốn, nhưng hẳn là chúng ta đã có lỗi - Ảnh 3.

Theo ông Trà, ai đó bảo là tôi nuôi hổ trong chuồng vì "mục đích bảo tồn", "phi thương mại" thì phần lớn là mượn cớ và núp bóng bảo tồn. Ảnh: Lam Anh

Không "giải cứu" hổ đó thì thượng tôn pháp luật để đâu?

Quay lại vụ 17 con hổ bị tịch thu do nuôi trái phép trong nhà dân ở Nghệ An vừa rồi, có ý kiến cho rằng lẽ ra cứ để hộ gia đình nuôi, cho dù trái phép, thì hổ vẫn sống; còn phát hiện, tịch thu thì hổ lại chết. Hoặc phát hiện, niêm phong xong, thì lẽ ra cần để hổ ở đó, đàng hoàng có thêm thời gian cứu hộ, chẳng có gì nguy hiểm quá đâu. Ông có quan điểm thế nào về ý kiến này?

Ông Trần Lê Trà: Việc "đánh án" là đúng và cần phải làm. Điều này đáng trân trọng và không có gì phải bàn nữa. Luật Bảo tồn Đa dạng sinh học có quy định; Luật Lâm nghiệp có quy định; Bộ Luật hình sự có quy định. Không phát hiện, xử lý thì thượng tôn pháp luật để đâu? 

Việc thực thi nghiêm pháp luật còn có tác dụng răn đe, giáo dục, ngăn chặn những vi phạm tương tự. Do đó dứt khoát là không thể để mặc việc nuôi hổ trái phép mà không xử lý được.

Thế nhưng "đánh án" không thể chỉ dừng lại ở điều tra, phát hiện, bắt giữ người, thu giữ tang vật. Pháp luật còn có quy định về xử lý, bao gồm cả việc xử lý tang vật là động vật hoang dã còn sống, ở đây là 17 cá thể hổ. 

Trừ việc bắt quả tang một cách bất ngờ, ví dụ như động vật hoang dã đang bị vận chuyển trên đường chẳng hạn, cơ quan chức năng có thể bị động trong việc xử lý, còn khi đã có kế hoạch cụ thể thì chúng ta luôn phải tính đến đưa tang vật là động vật hoang dã còn sống về đâu? Ai tiếp nhận? Ai chăm sóc? Tiền lấy ở đâu để chăm sóc chúng …

Việc tịch thu tang vật là đúng quy định pháp luật. Pháp luật không cho phép giao lại tang vật cho người vi phạm bảo quản cho đến khi có quyết định xử lý của người có thẩm quyền mà buộc cơ quan tạm giữ, nếu không có điều kiện nuôi dưỡng, bảo quản động vật rừng thì "chuyển giao động vật rừng cho cơ sở có điều kiện để nuôi dưỡng, bảo quản trong thời gian chờ quyết định xử lý của người có thẩm quyền". 

Cơ sở được tiếp nhận ở đây chỉ bao gồm "Cơ sở cứu hộ động vật rừng, vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, ban quản lý rừng đặc dụng có cơ sở cứu hộ động vật". Không rõ nơi 17 cá thể hổ được đưa về sau khi thu giữ, có chức năng tiếp nhận hay không.

Động vật bị chết trong quá trình giải cứu xảy ra khá thường xuyên

Vậy, chính sách bảo tồn hổ của nước ta còn thiếu và có những điều chưa phù hợp với thực tế?

Ông Trần Lê Trà: Hổ chết trong quá trình giải cứu là điều không ai mong muốn, nhưng hẳn là chúng ta có một phần lỗi trong đấy.

Không có Luật nào bảo "cứ quy định thế, còn thực hiện đến đâu là tùy vào nguồn lực và năng lực" cả, nhưng trên thực tế đúng là không có nguồn lực và năng lực thì thực thi pháp luật không thể có hiệu quả như mong muốn được. Chúng ta có chính sách bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm thì cũng cần có đầu tư tương ứng để thực hiện chính sách đó.

Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 - 2022 (Quyết định 539/QĐ-TTg - 16/4/2014, vẫn còn hiệu lực) đưa ra rất nhiều giải pháp. Nhưng khi nói về nguồn lực thì không rõ ràng: rất nhiều "lồng ghép", "khuyến khích", "huy động", "đưa vào chi thường xuyên". 

Chương trình này có xu hướng ưu tiên bảo tồn nguyên vị (trong khi Việt Nam chưa chắc còn có hổ trong tự nhiên) và do ưu tiên bảo tồn nguyên vị nên Chương trình không hề ưu tiên tăng cường năng lực cho cứu hộ, bảo tồn hổ (tức là tuyển dụng, đào tạo chuyên sâu về cứu hộ, nuôi dưỡng, huấn luyện, bảo tồn hổ cho các kỹ thuật viên, bác sĩ thú y, chuyên gia bảo tồn hổ).

Bài học từ “đàn hổ chết” ở Nghệ An: Hổ chết, không ai muốn, nhưng hẳn là chúng ta đã có lỗi - Ảnh 4.

Hổ dược nuôi nhốt ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Văn Hoàng

Trong điều kiện như thế, mặc dù có rất nhiều thú hoang dã được cứu sống và tái thả thành công vào môi trường sống phù hợp, nhưng thú hoang dã bị chết trong quá trình giải cứu cũng xảy ra khá thường xuyên, không chỉ riêng với hổ. 

Nguyên nhân thường gặp khá đơn giản: thú được giải cứu bị giấu diếm, nhồi nhét, bó buộc, đánh thuốc, đi đường dài hoặc bị nhốt và khai thác tàn bạo trong thời gian dài… nên phần lớn đã yếu, thả ra là chết. Thú chết vì quá sợ hãi. 

Thú lớn bị bắn thuốc mê quá liều trong quá trình vận chuyển. Thú được vận chuyển không đúng cách. Thú hấp hối không có bác sĩ thú y chuyên ngành chăm sóc, không có thuốc men thiết bị chăm sóc… 8 con hổ vừa chết do được "giải cứu" vừa rồi có lẽ nằm trong số mấy nguyên nhân này.

Có nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng một số cá thể động vật bị nuôi nhốt trái phép trong "ngục tối" đã chết sau "giải cứu", dù thương xót, song phải thấy khách qua là: điều đó cũng không phải là điều quá quan trọng với công tác bảo tồn. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Ông Trần Lê Trà: Rất nhiều động vật bị nuôi trong điều kiện "như địa ngục", chỉ cần bị đưa ra khỏi chuồng là khả năng tử vong đã rất cao. Con sống được đưa về trung tâm cứu hộ rồi "dưỡng lão" đến già là may mắn. Con chết có khi cũng là được giải thoát.

Tôi không hề có ý nói rằng "thú hoang dã được giải cứu chết là bình thường". HOÀN TOÀN KHÔNG! Mục tiêu của những người làm bảo tồn là phải bảo vệ cho được các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. 

Mỗi một cá thể thú nguy cấp, quý hiếm chết đi đều là thiệt hại rất khó bù đắp cho công tác bảo tồn, đặc biệt là khi cá thể đó thuộc các loài sắp tuyệt chủng, như hổ chẳng hạn.

"Quy trình" tiêu hủy hổ chết để không bị… mang tiếng!

Theo ông Trà, khi vụ án kết thúc, cơ quan chịu trách nhiệm phải tiêu hủy tất các cá thể hổ bị chết. Nên mời các chuyên gia và các nhà báo đến ghi hình, đến chứng kiến và giám sát. Đảm bảo các cá thể hộ chết đem tiêu hủy ấy đúng là hổ thật, xương cốt bên trong còn nguyên và dính liền với thịt chứ không phải là con hổ nhồi bông hoặc bên trong toàn… xương bò.

"Tôi trân trọng mọi người và không nghi ngờ ai cả. Chỉ đơn giản là xã hội luôn cần sự minh bạch. Không làm thế thì chắc chắn không chỉ các cơ quan chức năng có liên quan mang tiếng, mà giới bảo tồn chân chính cũng mang tiếng theo" - ông Trà nói.

Trân trọng cảm ơn ông!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem