Nông dân Tây Tựu cắt hoa, bỏ ruộng vì dịch Covid-19
Hàng trăm ruộng hoa bỏ không, hàng ngàn bông hoa bị cắt bỏ là tình trạng chung tại làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Tình trạng này là do Hà Nội phải giãn cách xã hội, khiến cho đầu ra của thị trường hoa Tây Tựu bị ảnh hưởng nặng nề.
Nông dân Tây Tựu cắt hoa, bỏ ruộng vì dịch Covid-19
Làng hoa Tây Tựu được biết đến là một trong những nơi trồng hoa lớn nhất miền Bắc, cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu của không chỉ người dân Hà Nội, mà còn cho nhiều tỉnh thành miền Bắc. Việc trồng hoa đã mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân tại nơi đây. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát khiến người làng Tây Tựu lâm vào tình thế bán không được, giữ cũng không xong.
Ghi nhận của PV Dân Việt tại làng hoa Tây Tựu vào những ngày đầu tháng 8, nhiều ruộng hoa tại đây đều đã nở rộ, thế nhưng không khí thu hoạch lại vô cùng ảm đạm. Tất cả ruộng hoa đều có tình trạng chung là tới ngày cắt bán nhưng vẫn phải "“nằm im” trên ruộng. Nhiều người phải cắt bỏ hoa để kịp vụ sau, số khác thì bỏ hoang ruộng.
Những năm trước, thời điểm này là lúc gia đình chị Hà tất bật thu hoạch hàng nghìn bông hoa hồng để mang đi tiêu thụ, tuy nhiên trái lại, năm nay cả gia đình chị lại phải cắt bỏ cả ruộng hoa do không tiêu thụ được. "Tiếc lắm ruộng hoa cúc hôm qua mới nhổ bỏ, hôm nay lại đến ruộng hoa hồng. Hi vọng Hà Nội mau chóng dập được dịch để chúng tôi có thể buôn bán hoa trở lại vào vụ mùa mới", chị Hà trăn trở.
Trước đây nếu khó tiêu thụ, người trồng hoa sẽ thu hoạch hoa rồi cho vào kho lạnh để bảo quản, nhưng năm nay do việc buôn bán không lợi nên người dân cũng không đủ kinh phí để duy trì kho lạnh.
Theo quan niệm, tháng 7 âm lịch thường là tháng "Vu lan báo hiếu, nhu cầu về hoa tươi là khá lớn. Thế nhưng năm nay, hoạt động xã hội không thiết yếu đều phải tạm ngưng, nhường cho các công tác phòng chống dịch. Chính vì thế có một lượng hoa lớn không tiêu thụ được.
"Trước đây nếu không có dịch bệnh, tháng 7 âm lịch là thời điểm chúng tôi bán hoa rất chạy vì rất nhiều khách mua hoa phục vụ nhu cầu lễ, chùa. Năm nay, dịch Covid-19 hoành hành, hoa là mặt hàng không thiết yếu, chợ hoa đóng cửa khiến hoa cúc, hoa hồng chúng tôi không có nơi bán. Thời gian người dân mua hoa nhiều nhất từ mùng 10-14 âm lịch. Thế nhưng đây là lúc vẫn giãn cách xã hội nên chúng tôi đành phải cắt bỏ để chờ lứa hoa sau", anh Chu Trần Yên, người dân làng hoa Tây Tựu tâm sự.
Đang chuẩn bị đồ đạc để chuyển canh tác sang trồng rau, bà Nguyễn Thị Dậu, cho biết, gia đình bà vừa phá nguyên vườn cúc đang nở rộ vì không thể bán ra thị trường. Bà Dậu cho hay, mỗi vụ hoa, bà bỏ ra 10 triệu để mua giống, cùng với đó là thuê nhân công, phải chờ đến 4 tháng mới có thể thu hoạch được. Nếu thuận lợi thì mỗi vụ bà Dậu có thể thu hoạch được 30 triệu tiền lãi, thế nhưng dịch bệnh đã khiến gia đình bà trắng tay trong vụ mùa này.
"Không chỉ riêng tôi mà tất cả người trồng hoa ở Tây Tựu đều bị như vậy, từ đầu năm đến giờ dịch bệnh làm ảnh hưởng rất nhiều tới việc buôn bán của chúng tôi. Một số hộ dân đã bỏ hoang ruộng hoa gần 2 tháng nay, chờ dịch qua rồi mới bắt đầu lại từ đầu", bà Dậu chia sẻ.
Không có người mua hoa, người nông dân đành ngậm ngùi bỏ ruộng, không trồng nữa, chờ hết dịch Covid-19.
Những ruộng hoa đầy màu sắc trước kia giờ lại trở thành những thửa ruộng hoang cằn cỗi mọc đầy cỏ dại.
Mỗi ruộng hoa cắt bỏ người dân nơi đây phải thua lỗ rất nhiều, ngoài công sức bỏ ra còn cả chi phí phân bón, thuốc sâu, nhân công, điện thắp sáng,...
Tình cảnh “hoa cười, người khóc” do không có đầu ra khiến người nông dân không khỏi xót xa. Mong muốn lớn nhất của những người nông dân tại nơi đây chính là sớm hết thời gian giãn cách xã hội, để có thể buôn bán bù lỗ.