Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản vào năm 1999, tôi quyết vào tỉnh Bạc Liêu lập nghiệp. Sau khi làm việc ở vài công ty thì đến năm 2003 tôi quyết định thuê đất tự nuôi tôm và sau đó là nuôi các loại cá đặc sản.
Hiện nay, với diện tích hơn 30ha và hàng trăm hồ, ao nuôi cá đặc sản các loại, tôi đã chia nhỏ khu vực sản xuất thành 6 khu.
Khoảng 4 năm nay, tôi đã có nhiều thành công với các loài cá đặc sản như cá hô, cá chuỗi ngọc, cá đối mục, cá lăng…Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán ra thị trường khoảng 400-500 tấn cá đặc sản các loại.
Riêng về việc tặng 10 tấn cá cho khu cách ly, phong tỏa của TP.HCM và Bạc Liêu tôi đã có ý định từ lâu, từ lúc trước khi thực hiện Chỉ thị 16, cách đây gần 1 tháng. Tuy nhiên, do lượng cá khá lớn nên tôi mới liên hệ với Hội Nông dân làm đầu mối liên kết, phân phối số cá tặng cho khu cách ly, khu phong tỏa. Đây cũng là một phần trách nhiệm của tôi với tư cách là hội viên Hội Nông dân, chung tay cùng với tổ chức Hội làm những việc cần làm trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở TP HCM, các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Đến nay tôi thu hoạch được 8 tấn cá gửi cho khu cách ly, phong tỏa của TP HCM và tỉnh Bạc Liêu, còn 2 tấn trong kế hoạch sẽ tiếp tục thu hoạch để gửi đến bà con. Tôi mong muốn góp một phần nhỏ hỗ trợ, chia sẻ với những lao động tự do, những người khó khăn bị kẹt trong khu cách ly, khu phong tỏa.
Còn về tình hình tiêu thụ cá đặc sản của gia đình tôi trong thời điểm dịch thì tất nhiên sẽ có nhiều ảnh hưởng.
Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì việc tiêu thụ cá đặc sản lại càng khó khăn. Nhất là khi tôi nuôi các loại cá đặc sản, chủ yếu phục vụ cho các nhà hàng, khach sạn, resort và chợ đầu mối, đối tượng khách hàng của gia đình tôi chủ yếu là người có thu nhập khá, và thu nhập cao.
Tuy nhiên, ưu điểm của con cá nếu nuôi và bán được kịp thời gian thì lãi nhiều. Còn không thì mình cứ để đó, đợi tình hình dịch Covid-19 ổn hơn sẽ bán. Hiện nay, cá đặc sản thì bán rất ít vì chủ yếu phục vụ cho nhà hàng, khách sạn, resort mà nhiều nhà hàng đã đóng cửa vì dịch.
Nếu con cá đã nuôi thì phải đợi qua hết dịch để bán, bằng mọi giá tôi phải cầm cự. Hiện tại tôi còn trong ao khoảng 100 tấn cá đặc sản các loại. Tất cả số cá này đểu đủ tiêu chuẩn thu hoạch, nhưng tôi sẽ giảm cho ăn và nuôi cầm cự qua dịch mới bán. Tuy tỷ suất lợi nhuận có giảm nhưng vẫn còn đỡ hơn là bán thời điểm này.
Tuy lúc này tôi gặp khó khăn, nhưng so với các loại nông sản rau củ quả hoặc tôm thì nuôi cá đặc sản vẫn đỡ hơn, không đến mức không bán được thì phải đem đổ hoặc bán tháo.
Tình hình tiêu thụ nông sản của người dân ở địa phương tôi thấy rất khó khăn, nhất là người nuôi tôm. Hiện nay buôn bán tôm khó khăn và giá tôm thấp. Nếu không có dịch Covid-19 tôm thẻ loại 100 con/kg ít gì cũng 90.000-100.000 đồng/kg, con bây giờ chỉ có 60.000 đồng/kg, đôi khi bán không được. Mà 60.000 đồng/kg thì thấp hơn giá thành sản xuất 20.000 đồng.
Con tôm nếu nuôi đến giai đoạn này mà bị bệnh, gặp sự cố thì bắt buộc phải thu hoạch. Mà bán trong thời điểm này thì giống như đem đi cho. Cách đây vài ngày tôi cũng vừa bán khoảng 3 tấn tôm thẻ loại 80 con, thu hồi vốn được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, nhưng chắc chắn lỗ vốn. Chính vì vậy, giai đoạn này nông dân nào có tôm còn nuôi tốt thì vẫn cứ nuôi, không nên thu hoạch.
Hiện nay, tôi mong muốn chính quyền và ngành chức năng có các giải pháp thiết thực để giúp nông dân bán được sản phẩm của mình tạo ra, nhất là trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.
Bạn đang đọc bài: "Bạc Liêu: Do dịch Covid-19, nhà tôi vẫn phải "ôm" 100 tấn cá đặc sản quá lứa, nhưng vẫn cầm cự được" của tác giả Phan Khắc Nhật Tiến, hội viên Hội Nông dân phường 5, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020.
Bạn đọc có thể tham gia bằng cách gửi bài viết ý kiến của mình về hộp thư điện tử: hnongdanvietnam@gmail.com , gọi điện tới số 086 993 8874 và 0976 116 924.
Để đảm bảo giá bán nông sản không sụt giảm quá nhiều, tôi cho rằng, nhà nước cần ưu tiên cho tài xế, phụ xe, lao động trong các nhà máy xí nghiệp được tiêm ngừa vaccine Covid-19. Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho những lao động tham gia chuỗi nông sản, thực phẩm cung ứng cho đô thị, phục vụ cho xuất khẩu để đảm bảo sản xuất an toàn.
Hiện nay, tôi cũng hiểu rằng các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá thành, chi phí sản xuất tăng lên rất lớn. Nhà nước cần phải có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp ổn định, thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển thì tất nhiên sẽ đẩy nhanh tiến độ thu mua, giá nông sản cũng sẽ tăng. Từ đó, nông dân sẽ đỡ khổ hơn.
Trong tình hình dịch Covid-19 này sẽ rất khó khăn cho nông dân và có thể còn kéo dài. Chính vì vậy, nông dân cần điều tiết lại sản xuất, giảm quy mô và tính toán sản xuất kinh doanh cho an toàn hơn. Nông dân có thể chia nhỏ rủi ro, có thể lúc trước mình nuôi 10 ao thì nay nuôi 2 ao, lúc trước mình thả đúng mật độ thì nay thả thưa hơn nhiều. Đồng thời nông dân cần quản lý sản xuất, quản lý chi phí tốt hơn. Có như vậy thì khi gặp sự cố vẫn không bị lỗ nhiều.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"