LST: Sau khi Báo điện tử Dân Việt triển khai đăng bài "Sản xuất 3 tại chỗ, doanh nghiệp bạc mặt vì chi phí tăng vọt" đã có nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp đang thực sản xuất "3 tại chỗ" phản ánh tới báo. Thực tế, áp lực của các doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" quá lớn, không chỉ tiền điện mà còn nhiều vấn đề khác đang phát sinh trong quá trình triển khai mô hình này và doanh nghiệp cùng người lao động đang phải "gồng mình" chống đỡ. Vì vậy, không chỉ mong muốn giảm tiền điện, doanh nghiệp rất mong được chính quyền địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp được linh hoạt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng "1 cung đường, 2 điểm đến", nhằm giảm thiểu tối đa những vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh và chống dịch.
Dịch Covid-19 lại bùng phát tại Đà Nẵng, anh Nguyễn Mạnh Hậu, công nhân gia công tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine – UAC Đà Nẵng (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) từng "hú vía" khi nghe tin một đồng nghiệp tại công ty nhiễm virus Sars Covid 2 và hàng chục đồng nghiệp khác phải cách ly tập trung vì là F1.
Bản thân thuộc diện có nguy cơ cao, anh Hậu và 60 công nhân cùng phân xưởng được cách ly ngay tại chỗ làm theo mô hình "3 tại chỗ": ăn, ở, sản xuất tại chỗ. Đây cũng là công ty đầu tiên tại Đà Nẵng thực hiện mô hình trên. Phương án sản xuất "3 tại chỗ" được lập tức triển khai chỉ vài giờ sau khi thông tin về các ca nhiễm được công bố.
Ngoài những F1 đã được cách ly tập trung, 60 nhân viên có yếu tố nguy cơ được bố trí nơi ăn, ở ngay tại đơn vị để vừa cách ly, vừa sản xuất. Họ được đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, được cung ứng các nhu yếu phẩm thường xuyên. Mỗi ngày, Hậu và mọi người đi làm ở phân xưởng riêng biệt, được đo thân nhiệt 4 lần/ngày và lấy mẫu Covid-19 đều đặn mỗi tuần.
"Ban đầu, mọi người rất hoang mang trước viễn cảnh phải nằm lều, ngủ trại tại công ty ít nhất 21 ngày. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cách vận hành của "3 tại chỗ", ai cũng yên tâm, tập trung sản xuất", anh Hậu nói.
Công ty UAC Đà Nẵng có gần 700 cán bộ công nhân viên, để tránh dừng sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng, công ty đã có phương án tổ chức cho tất cả công nhân làm việc và ăn ở tại chỗ nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn.
Ông Ciprian Bota, Giám đốc Sản xuất Công ty UAC cho hay công ty có lợi thế khi có khu vực căng tin rộng rãi, đầy đủ tiện nghi cho việc sinh hoạt của hàng trăm công nhân trong trường hợp cách ly tại chỗ. Đồng thời, công ty đã chủ động giãn cách khu vực làm việc ở các phân xưởng, tách biệt khối hành chính – sản xuất để đề phòng dịch lây lan. Bằng chứng, khi xuất hiện F0 là công nhân tại công ty, dây chuyền sản xuất vẫn không bị gián đoạn. Việc nhà máy bị đình trệ do giãn cách Covid-19 khiến nhiều đơn hàng bị trễ hẹn, thiệt hại kinh tế rất lớn.
Cũng là cơ sở sản xuất tiên phong thực hiện "3 tại chỗ", ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (KCN Hòa Khánh) nhận định để phương án đạt hiệu quả cao, bên cạnh đảm bảo cơ sở vật chất, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải làm công tác tư tưởng, ổn định tinh thần tâm lý cho người lao động.
"Nhiều nhân viên chưa hiểu rõ nên còn sợ mô hình "3 tại chỗ", lãnh đạo công ty đã gặp mặt, trao đổi trực tiếp với toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy với lời đảm bảo với họ sẽ được xét nghiệm Covid-19 với tần suất dày, đảm bảo những người ở nhà máy là đối tượng an toàn nhất. Nhà máy luôn luôn có khách hàng, công nhân có công ăn việc làm, từ đó tạo thu nhập ổn định trong mùa dịch", ông Thống chia sẻ.
Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng (KCN Hòa Cầm, Đà Nẵng) là một trong những công ty hoạt động ổn định hơn 10 năm qua tại thành phố. Vượt qua dịch bệnh, Foster vẫn là nơi tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Trao đổi với PV Dân Việt, Ông Bùi Minh Vũ, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, hiện có gần 300 công nhân của đơn vị đang thực hiện "3 tại chỗ".
"Đều là người dân quê tại Quảng Nam phải ở lại nhà máy. Lo xong chỗ ăn ở sạch sẽ, thoáng mát, chúng tôi còn tìm cách hỗ trợ, động viên người lao động cố gắng vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo trong mùa Covid-19. Mỗi trường hợp ở lại nhà máy sẽ được hỗ trợ bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, trang bị thêm sân cầu lông, máy tập thể dục để người lao động có nơi giải trí, rèn luyện thể chất", ông Vũ nói.
Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng cho rằng, không thể áp dụng "3 tại chỗ" lâu dài bởi sẽ gây áp lực rất lớn lên doanh nghiệp.
Công nhân phần lớn đã lập gia đình, tâm lý người lao động bị ảnh hưởng khi nhiều ngày trôi qua mà bố mẹ không được gặp con, vợ chồng không được gặp nhau.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, chi phí phát sinh khi thực hiện "3 tại chỗ" là rất lớn. Các chi phí về ăn uống, xét nghiệm Covid-19, tiền bồi dưỡng, tiền điện, nước… cũng tăng theo
"Áp dụng "3 tại chỗ" đã đẩy chi phí lên rất nhiều. Ngày 4 bữa, công nhân ở lại phải tắm rửa, sinh hoạt... chi phí tiền điện là một trong những chi phí đè nặng lên quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong việc áp dụng "3 tại chỗ". Trung bình chúng tôi phải cõng thêm chi phí phát sinh khoảng 350.000đồng/người/ngày", ông Vũ thông tin.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (KCN Hòa Khánh) Hà Ngọc Thống cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang phải "gồng mình" để thực hiện "3 tại chỗ".
Theo ông Thống, công ty đã chuẩn bị diện tích ăn, ở, sinh hoạt cho công nhân, hướng dẫn cụ thể về đánh giá mức độ lây nhiễm theo từng trường hợp đến với người lao động khi thực hiện "3 tại chỗ" để đảm bảo không lây lan dịch.
Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu cho hay, ngoài việc lo đời sống cho công nhân, các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" còn cùng lúc phải "gánh" thêm nhiều chi phí. Đặc biệt là tiền xét nghiệm cho công nhân và tiền điện.
"Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng phải làm vì không làm thiệt hại còn nhiều hơn nữa, gứt gãy sản xuất, không có tiền trả lương cho công nhân, mất khách hàng. Chi phí tiền điện là một trong những chi phí đè nặng lên quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong việc áp dụng "3 tại chỗ", chúng tôi cần cần được chia sẻ từ chính quyền", ông Thống nói thêm.