Khách hàng tại 21 tỉnh thành được giảm tiền điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đề nghị cho phép thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt bốn.
Là đơn vị thành viên của EVN, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, đơn vị đang khẩn trương thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam (không bao gồm TP HCM). Các tỉnh thành gồm: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
EVN dự kiến giảm 1.170 tỷ đồng tiền điện cho các khách hàng bị tác động của Covid-19.
Cụ thể, theo đại diện EVNSPC, đợt ba có khoảng 5.347 khách hàng được giảm giá điện, giảm tiền điện từ tháng 6 đến tháng 12 với tổng số tiền hơn 337,11 tỷ đồng, bao gồm 4.052 cơ sở lưu trú du lịch; 628 cơ sở cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19; 592 cơ sở y tế khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 và 75 đơn vị bán lẻ điện.
Trong đợt bốn, tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện dự kiến khoảng 833,74 tỷ đồng cho hơn 7,2 triệu khách hàng, chủ yếu là đối tượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Trong đó, có hơn 4,82 triệu khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng được giảm 15% tiền điện; khoảng 2,38 triệu khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng và 7.102 khách hàng bán buôn với mức giảm 10% tiền sử dụng điện. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện đợt bốn là hai tháng cho kỳ hoá đơn tiền điện tháng 8 và tháng 9.
Ngân sách thu gần 30.000 tỷ đồng tiền thuế bất động sản, chứng khoán từ đầu năm
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính chung 7 tháng từ đầu năm, tổng thu ngân sách do Tổng cục Thuế quản lý đạt 763.805 tỷ đồng, hoàn thành 68,4% so với dự toán cả năm và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý 7 tháng đầu hàng năm cao nhất cả về số thu và tỷ lệ hoàn thành so với dự toán.
Ngân sách thu gần 30.000 tỷ đồng tiền thuế bất động sản, chứng khoán từ đầu năm.
Lý giải số thu thuế, phí tăng tốt thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tình hình kinh tế hồi phục từ cuối năm 2020 và duy trì đến nửa năm nay đã giúp nhiều nguồn thu cải thiện. Ngoài ra, số thu còn ghi nhận tăng đột biến từ một số nguồn được hưởng lợi các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ thực hiện trong năm 2020, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ôtô..
Cụ thể, thị trường bất động sản cũng tăng từ cuối năm 2020 và đầu năm nay, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu thuế từ hoạt động này lên mức 25.000 tỷ, cao hơn 61,7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, thị trường chứng khoán sôi động từ giữa năm 2020 và kéo dài đến nay cũng giúp số thu thuế từ kinh doanh chứng khoán cao gấp 2,47 lần, đóng góp hơn 5.000 tỷ đồng vào ngân sách 7 tháng.
Ngoài ra, số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước giai đoạn này đã tăng 47,1%, đạt gần 35.000 tỷ đồng; thu thuế TNDN từ hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp, chuyển nhượng vốn cũng tăng 2,6 lần, đạt gần 5.700 tỷ đồng…
Ngân hàng lại thừa nhiều tiền hơn
Theo báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần cuối cùng tháng 7 của Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI – SSI Research, tuần cuối tháng 7 đã ghi nhận những số liệu cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng bắt đầu dôi dư nhiều hơn so với những tháng trước do cầu tín dụng giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cụ thể, trong tuần gần nhất, Ngân hàng Nhà nước không phát sinh giao dịch mới trên thị trường mở, tuy nhiên các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện giúp nguồn cung VNĐ được cải thiện.
Cùng với cầu tín dụng giảm sút khi nhiều trung tâm kinh tế lớn của các nước thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, sau nhiều tháng đi ngang lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ghi nhận mức giảm mạnh 0,48-0,52 điểm % ở các kỳ hạn ngắn.
Kết thúc tuần vừa qua, lãi suất cho vay liên ngân hàng đóng cửa ở mức 0,97%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 1,18%/năm cho kỳ hạn 1 tuần. Trong khi những tuần trước đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hầu như đi ngang ở vùng trên 1%/năm đến 1,21%/năm cho kỳ hạn qua đêm.
Đề xuất có gói hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam
Tổ công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tại khu vực phía Nam vừa gửi Thủ tướng báo cáo về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cụ thể, ngành nông nghiệp đang vừa phòng chống dịch, vừa duy trì, phục hồi sản xuất. Nếu để đứt gãy các chuỗi sản xuất này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương.
Do đó, để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo đảm chuỗi giá trị không bị đứt gãy, cần thiết có một chương trình hỗ trợ tổng thể từ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho đến việc sản xuất cung ứng nông sản trong thời gian tới.
Tổ công tác cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ NNPTNT có kế hoạch lập danh sách các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm đủ năng lực để triển khai chương trình mở rộng hạn ngạch cho vay để thu mua nông sản và vật tư phục vụ nông nghiệp theo những lĩnh vực ưu tiên, nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa nông sản.
Cụ thể, gia hạn các khoản vay ngắn hạn để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị dòng tiền để trả nợ, đáo hạn các khoản vay dài hạn, nới rộng hạn mức cho vay và điều chỉnh lãi suất cho vay tạm trữ…
Việt Nam thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới
Theo đánh giá thống kê thương mại thế giới năm 2020 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam chiếm 6,4% thị phần hàng may mặc xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2020, tăng từ 6,2% vào năm 2019. Trong khi đó, thị phần của Bangladesh giảm từ 6,8% năm 2019 xuống 6,3% năm 2020. Việt Nam đang vượt xa Bangladesh về năng suất lao động, năng suất vốn và đa dạng hóa.
Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam và Bangladesh đều giảm trong năm 2020 do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, xuất khẩu của Bangladesh giảm mạnh hơn về 28 tỷ USD. Trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 29 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu thế giới với trị giá 142 tỷ USD. Thị phần của nước này tăng từ 30,8% trong năm 2019 lên 31,6% năm 2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.