Dân Việt

ĐBSCL: Chi phí tăng 30 - 50%, DN nông nghiệp "3 tại chỗ" chật vật, xin giảm 40% và hoãn đóng tiền điện (bài 5)

Chúc Ly - Huỳnh Xây 12/08/2021 09:00 GMT+7
Những doanh nghiệp thuỷ sản, lúa gạo thực hiện mô hình "3 tại chỗ" cũng đang chật vật duy trì sản xuất khi doanh thu không bù lại chi phí phát sinh, nhất là giá điện trở thành gánh nặng.

LTS: Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" đều phản hồi với Dân Việt về chi phí phát sinh, đặc biệt là gánh nặng giá điện. Những doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nền kinh tế cũng như phần nào duy trì cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Phản ánh với Dân Việt, doanh nghiệp đều mong muốn được giảm và hoãn đóng tiền điện để họ bớt khó khăn trong việc duy trì sản xuất "3 tại chỗ"

Sản xuất "3 tại chỗ", doanh nghiệp thuỷ sản còng lưng "gánh" chi phí tiền điện

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) ở TP.Cần Thơ, cho biết thực hiện "3 tại chỗ" kéo theo tăng chi phí nhiều, trong đó có giá điện. "Công ty có 80 người đang làm, còn trước khi thực hiện "3 tại chỗ" thì số lượng công nhân gấp 3 lần số này. Theo đó, chi phí tăng nhiều lắm, trong đó có tiền điện", ông Bình nói. 

Ông Bình liệt kê: "Tiền điện chắc chắn tăng nhưng chưa thống kê rõ là bao nhiêu. Ngoài ra các chi phí khác cũng tăng hơn nhiều so với trước đây như ăn ở, ngủ nghỉ, test Covid-19 ba ngày/lần, tiêm vaccine cho công nhân...".

Tại Cà Mau, hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến".

ĐBSCL: Sản xuất "3 tại chỗ" khiến chi phí tăng cao, doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vẫn phải gồng mình - Ảnh 2.

Hoạt động sản xuất trong thời gian giãn cách tại một công ty thủy sản ở Cà Mau. Ảnh: CTV.

Cụ thể, theo phương án được phê duyệt, doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" phải bố trí sản xuất, làm việc, ngủ nghỉ của công nhân trong khuôn viên nhà máy, xí nghiệp. Với phương án "1 cung đường, 2 điểm đến", doanh nghiệp bố trí nơi ở tập trung cho công nhân tại các nhà nghỉ, khách sạn.

Đến nay có 59/60 doanh nghiệp đã được phê duyệt Kế hoạch phòng chống Covid-19 theo quy định. Trong đó có 47 doanh nghiệp với hơn 10.000 lao động đã được phê duyệt và đang thực hiện phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"; 13 doanh nghiệp không xây dựng phương án và đang tạm ngưng hoạt động; đã xét nghiệm sàng lọc được 51 doanh nghiệp với gần 11.400 lao động; đã tiêm vaccine cho 33 doanh nghiệp gần 15.600 lao động.

Theo báo cáo của Tổ 3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, do tác động từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 và sau một thời gian thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm", các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi công suất giảm nhưng chi phí vận hành nhà máy không giảm, thậm chí tăng vọt. 

Cụ thể, việc thu mua nguyên liệu giảm mạnh, chi phí cao trong khi đó, công suất sản xuất giảm, không đáp ứng được các hợp đồng đã ký, nhiều nhà mua yêu cầu huỷ hợp đồng. Bên cạnh đó, phát sinh nhiều chi phí như xét nghiệm sàng lọc, mua trang thiết bị, dụng cụ phòng chống dịch, chi phí ăn, nghỉ của công nhân, chi phí hỗ trợ nhân viên, công nhân ở nhà máy và chi phí hỗ trợ lao động nghỉ việc, tiền điện tăng vọt...

ĐBSCL: Sản xuất "3 tại chỗ" khiến chi phí tăng cao, doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vẫn phải gồng mình - Ảnh 3.

Nơi ăn của công nhân tại căn tin Camimex Cà Mau có bố trí vách ngăn. Ảnh: CTV.

Từ đó, các doanh nghiệp "3 tại chỗ" đề nghị giảm giá tiền điện từ 30 - 40% so với trước đây và giãn, hoãn thời gian thanh toán tiền điện; hỗ trợ giảm lãi suất tiền vay ngân hàng từ 2-3%/năm cho các khoản vay ngắn hạn, trung hạn, mở thêm hạn ngạch giải quyết hàng tồn kho, thu mua tạm trữ nguyên liệu; hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn do phải tạm ngừng việc do không tham gia thực hiện được phương án "3 tại chỗ", do thực hiện giãn cách xã hội; tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho doanh nghiệp và công nhân đang sản xuất kinh doanh; đề nghị giảm mức đóng BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị có phương án khác thay thế phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" nhằm đảm bảo phòng chống dịch có hiệu quả tốt nhất, đồng thời cũng phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho các nhà máy chế biến thủy sản.

Ông Phan Văn Tâm – Giám đốc Hành chính – Nhân sự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – Cà Mau, thông tin: Công ty thực hiện cùng lúc phương án sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến", với khoảng 2.000 công nhân. Chủ yếu công ty thuê 6 khách sạn và 1 nhà trẻ cho công nhân ngủ nghỉ; lực lượng ở lại tại chỗ chỉ vài trăm người. Trong đó, chi phí tiền điện, thuê xe vận chuyển, thuê khách sạn, tiền ăn uống, hỗ trợ công nhân, test Covid-19,…thì mỗi ngày phát sinh thêm khoảng 500 triệu đồng.

"Minh Phú ngoài nhiệm vụ kinh tế thì đó còn là nhiệm vụ đối với ngành tôm. Nếu công ty ngưng hoạt động thì chắc chắn ảnh hưởng rất lớn, nhất là người nông dân. Chính vì vậy, chúng tôi cố gắng cùng với tỉnh duy trì sản xuất trong thời điểm dịch phức tạp, mua tôm nguyên liệu cho bà con", ông Tâm cho hay.

Chi phí tăng thêm 30 - 50%, doanh nghiệp "3 tại chỗ" xin giảm 40% và hoãn đóng tiền điện

Theo ông Tâm, hiện nay tình hình của các công ty, doanh nghiệp là rất khó khăn nhưng vẫn phải duy trì sản xuất; đồng thời đảm bảo phòng chống dịch. Đa số các doanh nghiệp trước mắt đang chung tay cùng với nhà nước quan tâm phòng chống dịch. Còn vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp thì sau dịch các ban ngành mới ngồi lại với nhau để tính phương án được.

Còn ông Trần Văn Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (phường 6, TP.Cà Mau), cho biết: Hiện nay thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", công ty có khoảng 100 công nhân đang làm để duy trì sản xuất tôm. Cũng từ đây, chi phí trong sản xuất tăng lên rất nhiều, trong đó có tiền điện. Hiện nay về các chính sách giảm tiền điện cho doanh nghiệp thì cũng chưa có. Trong khi đó, nếu tính chung các chi phí trong sản xuất thì tăng lên khoảng 30-50%.

ĐBSCL: Sản xuất "3 tại chỗ" khiến chi phí tăng cao, doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vẫn phải gồng mình - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, phải giải quyết cho bà con trồng lúa, bạn hàng, hợp tác xã, nhà máy cung cấp, nhà tiêu dùng, phân phối, xuất khẩu,...do đó không thể nghỉ được. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại TP.Cần Thơ. Ảnh: CTV.

Tổng giám đốc Công ty Trung An cũng cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu lúa gạo của công ty, thế nhưng thực hiện "3 tại chỗ" còn khó khăn hơn nữa. Đối với đơn hàng nhỏ, phía công ty còn xoay sở được, đối với đơn hàng lớn thì không thể đáp ứng, nhất là các đơn hàng liên quan đến chuyến hàng chuyển đến TP.HCM.

"Lượng hàng nhỏ, có thể đóng container tại chỗ thì làm được, đối với lượng hàng lớn phải vận chuyển đến TP.HCM đóng container thì chắc chắn không được, do TP.HCM cũng đang thực hiện giãn cách xã hội như TP.Cần Thơ" - ông Bình nói. 

 Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (Công ty Phước Thành IV) ở Vĩnh Long cho biết: "Mỗi năm, phía công ty tốn mấy chục tỷ đồng tiền điện, chi phí này rất lớn. Hiện công ty đang thực hiện "3 tại chỗ" nhiều chi phí tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh do đó, nếu được hỗ trợ giảm giá điện, nộp thuế chậm thì đỡ hơn". 

"Nếu Chính phủ, các bộ ngành có liên quan giảm tiền điện cho doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu thực hiện "3 tại chỗ" thì rất tốt, sẽ khích lệ tinh thần rất nhiều cho doanh nghiệp khi họ cố duy trì hoạt động trong giai đoạn rất khó khăn như hiện nay", ông Thành nói thêm.

Theo phóng viên tìm hiểu, trước đây, Công ty Phước Thành IV có 300 công nhân làm việc, kể từ khi dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và thực hiện phương án "3 tại chỗ" chỉ còn 30 công nhân.

Số lượng công nhân này không đủ để hoạt động hết tất cả các khâu vận hành trong công ty. Do đó, phía công ty phải xử lý bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc đưa người từ bộ phận này qua làm tạm ở bộ phận khác, chấp nhận hiệu quả công việc không cao bằng những người có kinh nghiệm làm trước đó.

"Chúng tôi kinh doanh lúa gạo, phải giải quyết cho bà con trồng lúa, bạn hàng, hợp tác xã, nhà máy cung cấp, nhà tiêu dùng, phân phối, xuất khẩu,...do đó không thể nghỉ được. Bằng mọi cách, công ty luôn động viên công nhân ở lại công ty, cho cho test nhanh theo dạng gộp mẫu, phân luồng theo nhóm riêng làm sao để duy trì hoạt động và đảm bảo an toàn cho công nhân", ông Thành chia sẻ.

Ngày 11/8, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản hỏa tốc về việc rà soát, khắc phục các hạn chế, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Liên đoàn lao động tỉnh chủ trì, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Chế biên xuất khẩu thủy sản tỉnh và ngành chức năng, địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện nội dung tuyên truyền phù hợp với yêu cầu hiện nay để phối hợp hỗ trợ tổ chức công đoàn cơ sở các công ty vận động người lao động thực hiện, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

UBND các huyện, TP.Cà Mau nêu cao vai trò, trách nhiệm, phối hợp, hỗ trợ các công ty quản lý lao động, công nhân, các khu tập thể, khu nhà trọ, các chợ trên địa bàn; kịp thời xử lý các vấn đề có liên quan đến công tác phòng chống dịch theo thẩm quyền.