Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
LTS: Ngay khi Dân Việt khởi đăng bài về gánh nặng chi phí của doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp đã liên hệ với báo để phản ánh thực tế. TP.HCM là địa phương có số ca nhiễm cao nhất nước hiện nay, nên các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" chịu áp lực quá lớn. Không chỉ chi phí tiền điện tăng vọt, chi phí xét nghiệm covid-19 cho nhân viên, doanh nghiệp "3 tại chỗ" còn phải cõng một nghìn lẻ một loại chi phí phát sinh, khiến họ xa xẩm mặt mày. Với thực trạng này, doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp của chính quyền địa phương, cũng như Chính phủ về mặt chính sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội logistic Việt Nam - ví von: Vận tải hàng hóa hiện nay như "một ổ khóa và có 4 chìa khóa". Chiếc "chìa khóa" đầu tiên là Bộ Y tế quy định lái xe có xét nghiệm âm tính. "Chìa khóa" thứ hai Bộ Giao thông Vận tải can thiệp vào mã nhận diện QR code và "luồng xanh". "Chìa khoá" thứ ba, Bộ Công Thương quy định khái niệm hàng hóa thiết yếu, vận tải hàng hóa thiết yếu. "Chìa khóa" cuối cùng là chốt phòng dịch tại các địa phương thành lập.
Theo chia sẻ của các DN, so với thời điểm trước dịch, việc áp dụng "3 tại chỗ" khiến các DN tăng nặng gánh nặng chi phí, với các khoản phát sinh. Đơn cử như: Chi phí để xét nghiệm cho công nhân theo định kỳ 7 ngày/lần, mỗi lần xét nghiệm không dưới 300.000 đồng/người; phải xây dựng, cơi nới nhà xưởng để lo chỗ ở và chi phí ăn uống 3 bữa/ngày cho công nhân; chi phí điện, nước tăng… Các chi phí phát sinh cao đã khiến nhiều DN, đặc biệt là DN có số lượng lao động lớn khó trụ nổi đã dần rút lui.
Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, cho biết công ty phải thường xuyên test Covid-19 cho nhân viên để chủ động kiểm soát dịch bệnh, ráng duy trì sản xuất chứ nếu cứ kéo dài "3 tại chỗ" như hiện nay thực chất là không có hiệu quả.
Theo ông Vinh, ngoài việc đảm bảo cho khoảng 60 nhân viên thực hiện "3 tại chỗ" ngày 3 bữa ăn, chi phí tiền điện, tiền nước tăng thêm, rồi phải mua giường dã chiến, chiếu… Thêm vào đó, hiện nay nhân viên thị trường đang có khoảng 300 người, nhưng do ở đâu cũng giãn cách nên nhân viên không đi bán hàng, tiếp xúc khách hàng được. Tuy nhiên, DN vẫn ráng duy trì tiền lương cho họ để họ sống, nhưng giải pháp này chỉ ráng được một vài tháng chứ lâu dài thì khó kham nổi.
"Nói riêng chuyện giao hàng, nhân viên của chúng tôi buổi sáng đã test xong, đi qua tỉnh khác lại phải test nữa. Ví dụ ngay hôm qua, nhân viên buổi sáng đã test xong, đi xuống tới An Giang bắt buộc phải test lần nữa, không thì phải quay đầu xe về, chi phí tốn kém lắm" - ông Vinh nói.
Tương tự, tại Saigon Food, chi phí "3 tại chỗ" tại DN rất lớn, đặc biệt là chi phí xét nghiệm Covid-19 cứ 5 ngày/lần đối với nhân sự khiến DN thêm đuối sức.
"Những khoản tiền này không nằm trong chi phí chung của công ty, nay muốn đưa vào chi phí cũng không được bởi sẽ khiến chi phí đội lên, kéo theo giá thành sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh này, dù rất khó khăn nhưng DN cũng không tăng giá được, nếu tăng giá thì không khách hàng, người tiêu dùng nào chấp nhận cả" - đại diện Saigon Food chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hiền - phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau; HoSE: DCM) - cho biết: Hiện nay, tình hình sản xuất rất khó khăn. Vì các kho cảng không có nhân lực để huy động lao động phổ thông làm hàng. Không đảm bảo được "3 tại chỗ" thì phải đóng cửa hết, thành ra DCM cũng chưa biết là sẽ chứa hàng vào đâu. Trong khi nhà máy thì vẫn phải đảm bảo sản xuất liên tục. Nên chắc bây giờ còn thoi thóp được chứ nếu một tuần nữa chắc là sẽ căng thẳng lắm.
"Công suất tại nhà máy của DCM vẫn đang bình thường. Nhưng hàng hóa không lưu thông được như mọi khi. Nếu nhập kho, thì cũng phải có thuê lao động bên ngoài vào để nhập kho.Song, do phải tinh giản bộ máy, nên không thể nuôi quân thường xuyên được.
Từ trước tới nay, DCM đã "set up" hệ thống, hàng sản xuất ra là xuất tự động đi luôn. Giờ hệ thống bên ngoài đóng băng, nên không xuất được. Vì thế, vài ngày tới chúng tôi phải tìm phương án chất kho. Nhưng chất hàng vào kho, lại không thuê được lao động phổ thông, rất kẹt" - bà Hiền lo lắng.
Đánh giá lại sau gần 1 tháng các DN thực hiện phương thức "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường – 2 địa điểm", theo chỉ đạo của UBND TP.HCM (kể từ ngày 15/7), ông Chu Tiến Dũng- Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) nhìn nhận, chưa bao giờ DN lại phải đối mặt với những áp lực khó khăn lớn như hiện nay.
Đó là DN vừa phải ứng phó với việc đứt gãy chuỗi cung ứng, với nhiều khó khăn phát sinh trong vận chuyển nguyên liệu, lưu thông hàng hóa, lại vừa phải chăm lo đảm bảo đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho người lao động.
"Hiện, HUBA đang kiến nghị với TP để các DN sớm được tiếp cận nguồn vaccine. Trong đợt 5, TP ưu tiên tiêm vaccine cho một số đối tượng. Các DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ được xem xét trong các đợt tiếp theo. Ngoài ra, thành phố đã quyết định thành lập Trung tâm Điều phối tiêm vaccine, các DN cần bình tĩnh chờ giải pháp thích hợp từ thành phố" - ông Dũng nói.
Trong khi chờ "chiến lược" vaccine, nhiều DN đã mạnh dạn thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Tại Công ty CP May 10 – DN này chọn cách đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 bằng việc chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh.
Khi gặp khó với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, với Công ty Vifon, đơn vị này có nhiều đơn hàng xuất khẩu đã ký từ đầu năm nhưng đã chủ động đàm phán với khách hàng để kéo giãn tiến độ xuất hàng, ưu tiên sản phẩm cho thị trường nội địa. Đặc biệt, Vifon còn tính phương án đưa sản xuất xuất khẩu (bao bì nhãn mác tiếng Anh) cho thị trường nội địa, xin được làm nhãn phụ bằng tiếng Việt để hợp thức hóa sản phẩm tạm thời trong giai đoạn này…
Rất cần sự trợ lực từ Nhà nước
Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) mới đây đã đề xuất UBND TP.HCM thành lập "Tổ phản ứng nhanh của TP.HCM" trên cơ sở có sự tham gia của Lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế, Sở Công Thương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).
Tổ này khi tiếp nhận thông tin từ DN cần ưu tiên ngay lập tức kết hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc UBND quận/huyện để triển khai biện pháp hỗ trợ DN sàng lọc, cách ly các đối tượng diện nguy cơ cao ra khỏi nhà máy. Phân lập các đối tượng, đưa vào khu riêng biệt để đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất cho DN.
Theo FFA, những hỗ trợ kịp thời từ "Tổ phản ứng nhanh của TP.HCM" sẽ góp phần xử lý nhanh chóng vấn đề lây nhiễm Covid-19, giảm nguy cơ dịch lan rộng trong DN. Tổ phản ứng nhanh của TP.HCM còn có thể là đơn vị chủ động xây dựng trước những phương án ứng phó với dịch Covid-19 dành riêng cho từng ngành nghề, lĩnh vực nói chung và ngành lương thực thực phẩm nói riêng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.